Việt Nam hiện có khoảng 400.000 người mù lòa

Hà Phong 12/10/2015 07:35

Tại Hà Nội, lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thị giác Thế giới năm 2015 với chủ đề “Chăm sóc mắt cho mọi người” vừa diễn ra. Đây là năm thứ 13 Việt Nam tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thị giác Thế giới.

Ông Cao Hưng Thái - Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay trên thế giới có khoảng 39 triệu người mù và con số này sẽ tăng nếu chúng ta không có những biện pháp phòng chống mù lòa tích cực hơn. Cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù, và cứ 1 phút thế giới có thêm 1 trẻ bị mù. 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn (Việt Nam được xếp trong nhóm các nước này).

Theo BV Mắt Trung ương, Việt Nam hiện có khoảng 409.000 người mù lòa và 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị để mang lại ánh sáng; đặc biệt 83% tỷ lệ người mù ở Việt Nam có thể phòng chữa được (bao gồm 69% là có thể chữa được và 15% có thể phòng ngừa được). Các nguyên nhân gây mù chính hiện nay qua điều tra cho thấy: Đục thủy tinh thể vẫn là nguyên nhân chủ yếu chiếm tới 66,1%; sau đó là các bệnh lý đáy mắt chiếm 10,5%, bệnh glôcôm chiếm 6,4%, tật khúc xạ chiếm 2,5% và bệnh mắt hột chiếm 1,7% tổng số người mù.

Theo các bác sĩ BV Mắt Trung ương, hiện tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên với tỷ lệ mắc khoảng 10 -15% ở học sinh nông thôn và 35 – 40% ở thành thị. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 – 15 tuổi, cả nước có gần 3 triệu trẻ mắc tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó 2/3 bị cận thị.

Các bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo: Người dân nên khám mắt định kỳ tại các cơ sở nhãn khoa trên cả nước 6 tháng/lần nhằm phát hiện sớm các bệnh về mắt để xử trí và điều trị kịp thời trước khi bệnh có biến chứng nặng hơn. Đặc biệt, người dân không tự ý mua và nhỏ mắt khi không có có đơn của bác sĩ chuyên khoa mắt.

Hà Phong