Kỳ vọng về những tủ sách phụ huynh

Thu Trang (thực hiện) 12/10/2015 07:40

Theo anh Nguyễn Quang Thạch: Đưa ra mô hình tủ sách phụ huynh là để cha mẹ tham gia vào quá trình giải quyết việc thiếu sách cho con họ bằng giá tiền rẻ nhất, nghĩa là người ta góp 50 nghìn thôi nhưng con cái họ đọc được khoảng 2 – 3 triệu tiền sách thậm chí còn đọc được 5-7 triệu tiền sách.

Kỳ vọng về những tủ sách phụ huynh

Anh Nguyễn Quang Thạch.

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời 2015, với chủ đề “Chung tây xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay”.

Với vai trò là người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn, mang tủ sách phụ huynh về từng địa phương, tạo ra các thư viện nhỏ trong các lớp học, anh Nguyễn Quang Thạch – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ tri thức phát triển cộng đồng kỳ vọng thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản khuyến khích các tỉnh nhân rộng tủ sách đến từng lớp học để con trẻ được đọc sách, thầy cô giáo coi việc đọc sách của học sinh (HS) là nhiệm vụ của mình.

PV:Được biết anh là người khởi xướng chương trình sách hóa nông thôn và có rất nhiều dự án để nhân rộng việc đọc sách trong xã hội. Mô hình chính mà anh đang theo đuổi để phát triển là gì?

Anh Nguyễn Quang Thạch: Hiện tại tôi đưa ra các loại tủ sách, và nắm được thông tin có khoảng 5.000 tủ, nhưng bên cạnh đó cũng có một số lượng cha mẹ HS, các nhà trường, dòng họ gọi điện hỏi cách tự làm. Tức là mô hình có năng lực tự nhân rộng bởi các dòng họ, các xứ đạo, các cha mẹ HS ở các trường học.

Mô hình chính mà tôi đeo đuổi, được coi là mô hình nòng cốt là tủ sách phụ huynh đặt trong lớp học. Đưa ra mô hình tủ sách phụ huynh là để cha mẹ tham gia vào quá trình giải quyết việc thiếu sách cho con họ bằng giá tiền rẻ nhất, nghĩa là người ta góp 50 nghìn thôi nhưng con cái họ đọc được khoảng 2 – 3 triệu tiền sách thậm chí còn đọc được 5-7 triệu tiền sách.

Bởi vì các lớp trao đổi sách trao đổi cho nhau nữa cho nên lượng sách đọc được rất là nhiều. Người nông dân họ thấy được là chỉ 50 nghìn nhưng con họ đọc được gấp 40 – 50 lần như thế thì họ tham gia vào giải quyết việc thiếu sách và cho con họ được đọc sách.

Khi thực hiện mô hình này anh có gặp nhiều khó khăn không?

- Mô hình này là mô hình khó nhất. Bởi vì đất nước mình trước năm 45 hầu hết là mù chữ, lại trải qua 30 năm chiến tranh, rồi từ năm 75 đến giờ hệ thống thư viện có nhưng hầu như không hoạt động, hoặc hoạt động không hiệu quả. Trong 18 năm qua tôi đã phỏng vấn khoảng 25 nghìn người thì hầu hết không biết nhà trường có thư viện, hầu hết cho biết nhà trường không cho mượn sách về, và hầu hết người ta không quan tâm đến việc đọc sách nhiều. Từ nhỏ người ta không được đọc thì họ cũng không quan tâm đến việc đọc sách của con họ.

Thứ 2 họ quan điểm học trong SGK là đủ, học trong giáo trình là đủ đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người thành ra việc thay đổi không hề dễ. Tôi phải làm những việc tự đưa ra mô hình tủ sách, vận động toàn xã hội xây dựng…

Bộ GD&ĐT vừa có chương trình đổi mới, tôi rất ủng hộ chỗ lấy việc đọc sách làm phương tiện hỗ trợ cho việc học chính thống, nghĩa là có tích hợp liên môn, học từ 1 chiều thầy nói học trò ghi thì bây giờ chuyển sang thảo luận, cả thầy và trò cùng thảo luận.

Kể từ năm nay, Bộ GD&ĐT đã có những thay đổi rất đột phá đó là khuyến khích xây dựng tủ sách phụ huynh, khuyến khích học trò đọc sách và đưa ra tuần lễ học tập 2015 là “Chung tay xây dựng thư viện, đọc nhiều sách hay”.

Tôi kỳ vọng thời gian tới Bộ sẽ có văn bản khuyến khích các tỉnh nhân rộng tủ sách đến từng lớp học để con trẻ được đọc sách và thầy cô giáo hiệu trưởng phải coi việc đọc sách của HS như là nhiệm vụ của mình.

Nếu Bộ đưa hẳn một quy định như vậy thì chắc chắn việc đọc sẽ được cải thiện trong 5 – 10 năm tới và đến 20 năm sau người Việt ta sẽ đọc sách chẳng thua gì người Nhật, người Mỹ vì hiện tại nhiều HS của huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy (Thái Bình) mỗi năm đã đọc 40-50 đầu sách bằng con số điển hình của HS Anh, HS Mỹ rồi.

Anh có thường xuyên khảo sát các mô hình được thực hiện tại các địa phương không?

Kỳ vọng về những tủ sách phụ huynh - 1

Mô hình tủ sách phụ huynh.

- Tôi đã mất nhiều thời gian đi dọc đường phỏng vấn ngẫu nhiên các học trò, các con có được mượn sách về nhà không. Thực ra một số trường học có tủ sách trong trường học rồi nhưng có một số lớp học cô giáo vẫn không cho HS mượn sách về nhà vì cô giáo sợ mất.

Học trò làm thủ thư, cô giáo chủ nhiệm có nhiệm vụ hỗ trợ học trò thì có một số cô giáo không cho học trò mượn về như thế chưa hiệu quả.

Tại sao tôi phải tự đi bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn để kêu gọi lương tâm của thầy cô giáo và cha mẹ HS hãy hỗ trợ cho con mình đọc sách? Vì đọc sách thì các con mới có năng lực kiếm sống lương thiện, mới có việc làm.

Trong hành trình đi bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn, tôi thấy là có sự khác biệt rất rõ ràng trong năng lực kiếm việc giữa người đọc nhiều sách từ nhỏ và đọc ít sách từ nhỏ: Tôi phỏng vấn những sinh viên đã ra trường về nhà chờ đợi cha mẹ, chờ đợi công việc với trạng thái hết sức bi quan, khi được hỏi hầu hết các bạn chẳng đọc sách gì từ nhỏ, trong giảng đường không đọc sách gì ngoài giáo trình...

Trân trọng cám ơn anh!

Thu Trang (thực hiện)