Tìm giải pháp cụ thể đẩy mạnh sản xuất

H.Vũ 13/10/2015 07:15

Ngày 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian để cho ý kiến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hội nhập sâu, cần đặt biệt quan tâm đưa ra các giải pháp giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bám sát các chỉ tiêu quan trọng đã được xác định, không thể cứ loay hoay”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đào Quang Thu cho biết, năm 2015, nền kinh tế nước ta phục hồi khá rõ nét. Tính 9 tháng đầu năm, GPD đạt 6,5% là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm. Dự kiến 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên theo ông Thu, một số ý kiến lo ngại khi việc phục hồi tăng trưởng thiếu yếu tố bền vững. Nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khấu lớn và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD/năm nhưng chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng “được mùa, mất giá”.

Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chi chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh. Bội chi ngân sách dự kiến 5% không đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá:Tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,5%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,2%), tổng thu ngân sách nhà nước ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng (tăng 1,8% so dự toán) là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, một số khoản chi ngân sách nhà nước vượt dự toán, chi tiêu chưa thực sự tiết kiệm triệt để.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần tập trung vào các giải pháp. Phải làm rõ tác động của hiệp định thương mại tự do đối với sản xuất trong nước. Giá dầu thô giảm mạnh, sản lượng khai thác tăng, tuy giảm bớt áp lực ngân sách, nhưng có lãng phí tài nguyên quốc gia không? Nhập siêu quay trở lại, nhập siêu từ Trung Quốc không giảm mà còn tăng mạnh, tại sao? Đặc biệt, phải cân nhắc và đánh giá sâu hơn, rõ hơn tình trạng nợ thuế, trốn thuế, thâm hụt ngân sách Trung ương.

Lưu ý đến vấn đề nhập siêu khả năng sẽ lớn lên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, cần phải đưa ra các giải pháp cụ thể, trong đó phải đẩy mạnh sản xuất trong nước, nếu không nước ngoài sẽ lợi dụng TPP dựa vào sản xuất của nước ta để hưởng lợi. Trong bối cảnh hội nhập, kinh tế vĩ mô phải giữ ổn, các chỉ tiêu Trung ương đã đồng ý, và giờ quan trọng là giải pháp.

H.Vũ