Chủ tịch nước: TPP không phải là chiếc đũa thần
Chia sẻ với cử tri Q.1 và Q.4 (TP HCM), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thẳng thắn chỉ ra rằng: TPP không phải là chiếc đũa thần. “Không phải có một TPP mà khi ký xong sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam cất cánh thành rồng mà chính mình phải xây dựng một nền kinh tế hiệu quả cao".
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ và tiếp xúc cử tri Q.1, TP HCM.
Ngày 12/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp xúc với cử tri Q.1 và Q.4 TP HCM.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri TP HCM phản ánh nhiều vấn đề bức xúc, cấp thiết hiện nay mà dư luận, người dân quan tâm.
Cử tri cho rằng, Luật BHYT còn nhiều bất cập và chưa phản ánh nhu cầu của đa số các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Bên cạnh đó, Bộ Y tế vận động nhân dân tham gia BHYT nhưng cán bộ y tế ở nhiều nơi còn yếu và thiếu, y đức kém. Ngoài xã hội, thuốc giả, thuốc quảng cáo tràn lan, bệnh ung thư, thực phẩm không an toàn,… đang là những mối đe dọa lớn tới thể chất người dân.
Cử tri cũng cho rằng, hiện nay tiền lương cơ bản của công nhân, lao động chỉ đáp ứng được 60 - 70% nhu cầu tối thiểu, trong khi các nhu cầu này lại ngày càng tăng giá: điện tăng, nước tăng, sữa tăng, thực phẩm tăng, thuốc tăng,…
Nhiều cử tri bày tỏ vui mừng với điều hành của Chính phủ trong thời gian qua, tạo ra hiệu quả đáng kể khi đã khống chế được nợ công, nợ xấu và giữ được ổn định của thị trường.
Tuy nhiên, cử tri cũng bày tỏ lo lắng vì nạn tham nhũng dường như có xu hướng phức tạp hơn. Một số ý kiến cử tri đề nghị cần làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với vụ tòa nhà 8B Lê Trực trong việc xây sai giấy phép được cấp, ảnh hưởng đến hình dáng công trình và không gian kiến trúc cảnh quan khu vực, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi vì, cho đến nay trách nhiệm cụ thể thuộc về cá nhân các cơ quan quản lý nào thì chưa thấy công bố rộng rãi, minh bạch cho người dân.
Một số ý kiến cử tri cho rằng, đối với tội danh tham nhũng không nên bỏ án tử hình mà phải xử lý ở khung hình phạt cao nhất để tránh tình trạng “hi sinh đời bố củng cố đời con”. Đồng thời mong muốn lãnh đạo, cán bộ Đảng, Nhà nước và ở địa phương cần chủ động thường xuyên “vi hành” để có thể nắm bắt đầy đủ hơn những tâm tư, nguyện vọng của người dân; trong công tác bổ nhiệm cán bộ cũng phải chọn những người có tâm, có tầm; đối với người bổ nhiệm cũng phải có trách nhiệm với quyết định của mình.
Chia sẻ với cử tri Q.1 và Q.4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, về mặt chủ trương của Đảng thì theo xu hướng chung đất nước phải hội nhập kinh tế quốc tế, để tìm thêm cơ hội mở rộng thị trường ra bên ngoài; gia tăng tốc độ xuất khẩu, giúp phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Vì vậy, Việt Nam đã đàm phán để ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước thành viên khác.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: TPP không phải là chiếc đũa thần. “Không phải có một TPP mà khi ký xong sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam cất cánh thành rồng mà chính mình phải xây dựng một nền kinh tế hiệu quả cao".
Theo Chủ tịch nước, trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải giải quyết, thay đổi một loạt vấn đề. Từ vấn đề tham nhũng; bất cập về pháp luật đến những lãng phí không đáng có. Chủ tịch nước cho biết, các quốc gia giàu có đều chắt chiu tiết kiệm từ thuở cơ hàn nhằm có vốn để phát triển. Trong khi đó, theo quy luật chung thì các nước phát triển đều phải mở cửa, chưa thấy ai đóng cửa kín mít mà phát triển thành rồng ngay được.
“Nền kinh tế của chúng ta hiện nay chiếm gần 70% là vốn FDI ở các lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp….Tuy nhiên, nếu cứ kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác sẽ khiến nền kinh tế bị phụ thuộc. Chúng ta phải dung hòa mối quan hệ này, kết bạn, hội nhập nhưng phải xây cho mình một nền kinh tế có nội lực”- Chủ tịch nước nhấn mạnh.