Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

A.Vũ- N. Phượng 13/10/2015 10:26

Ngày 12/10, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn Khoa học, giáo dục và môi trường Ủy ban TW MTTQ Việt Nam; Hội đồng tư vấn về Tôn giáo Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị góp ý vào Dự thảo các văn kiện Đại hội  lần thứ XII của Đảng. 

Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị do Hội đồng tư vấn Khoa học, giáo dục và môi trường, tổ chức sáng 12/10, góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XII, PGS.TS Trần Hậu, thành viên HĐTV Khoa học, giáo dục và môi trường cho rằng, nhân dân đang kỳ vọng rất nhiều vào Đại hội XII. Về công tác xây dựng Đảng, PGS.TS Trần Hậu nhấn mạnh, sự suy thoái của “một bộ phận không nhỏ” bắt nguồn tự việc lâu nay buông lỏng quản lý đảng viên. Sức mạnh của từng chi bộ, từng đảng viên chưa được phát huy. Sức mạnh của Đảng không phải ở con số đảng viên đông, mà là ở chất lượng đảng viên. Chính vì vậy theo ông Hậu, cần tăng cường chất lượng quản lý đảng viên, nhất là những đảng viên có chức có quyền.

PGS.TS Trần Hậu cũng đề nghị phải đặt lại mối quan hệ giữa kinh tế, xã hội, trong đó chú trọng giải quyết các mối quan hệ xã hội. Không nên đơn giản hóa vấn đề xã hội, thể hiện một cách dàn trải như trong Dự thảo.

TS. Hồ Ngọc Hải - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, giáo dục và môi trường góp ý, Dự thảo văn kiện đã đề cập đến nhiều nguyên nhân, hạn chế, yếu kém cũng như chỉ ra định hướng cho sự phát triển. Tuy nhiên cần trả lời câu hỏi: Tại sao sự phát triển của Việt Nam lại không như mong muốn? 4 nguy cơ đã được chỉ ra từ khóa VII nhưng đến nay vẫn còn tồn tại. Theo TS Hồ Ngọc Hải, tất cả các mặt tồn tại thì Dự thảo văn kiện đều đã chỉ ra. Ông Hải cho rằng, những định hướng phát triển trong 5 năm tới là khá rõ trong Dự thảo văn kiện nhưng cần định rõ mô hình phát triển đúng, sát với thực tiễn của Việt Nam, nếu không làm được thì tụt hậu ngày càng lớn.

PGS.TS Nghiêm Xuân Minh - thành viên HĐTV Khoa học, giáo dục và môi trường cho rằng, Dự thảo văn kiện cần rõ hai mục tiêu trong 5 năm tới, xã hội phải lập lại kỷ cương và tăng năng xuất lao động. Nếu đạt 2 mục tiêu này thì hầu hết các nguy cơ, hệ lụy hiện nay sẽ giải quyết được. Văn kiện cần viết rõ hơn về mục tiêu, giải pháp, cần hạn chế những nội dung chung chung, thiếu sự đột phá.

Theo GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ nhiệm HĐTV Khoa học, giáo dục và môi trường những ý kiến đóng góp tâm huyết của các thành viên trong Hội đồng sẽ được Ban Chủ nhiệm Hội đồng tổng hợp báo cáo Ban Thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam tập hợp góp ý các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Chiều cùng ngày Hội đồng tư vấn về Tôn giáo Ủy ban TW MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Phó chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình chủ trì Hội nghị.

Góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội, Hòa thượng Thích Gia Quang - Trưởng ban Thông tin truyền thông, GHPG Việt Nam cho rằng, lần đầu tiên trong Dự thảo báo cáo Chính trị của Đảng đã đúc kết một cách thực tiễn nhất để đưa ra một cách nhìn, đánh giá đúng về vai trò của tôn giáo, đồng thời thể hiện tinh thần tự do tôn giáo rất cao. Bên cạnh đó nên chú trọng đến việc tăng cường giáo dục, tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho các chức sắc, tín đồ tôn giáo để dù là ai cũng luôn sống trên tinh thần thượng tôn pháp luật, nghiêm cấm việc chia rẽ, lợi dụng tôn giáo hoặc làm các việc trái pháp luật.

Linh mục Phan Khắc Từ - Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đề nghị: Nhà nước không chỉ tao điều kiện pháp lý mà còn phải tạo điều kiện xã hội để tôn giáo hoạt động. Đã đến lúc cho phép các tôn giáo hoạt động trên 3 lĩnh vực: Giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo và coi đây như nguồn lực của quốc gia để những người nghèo, người bất hạnh trong xã hội vơi bớt đi nỗi đau của mình.
Theo ông Trương Hải Cường, nhà nghiên cứu về tôn giáo, để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc với nội dung “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo” Dự thảo báo cáo Chính trị nên coi tôn giáo là một nguồn lực xã hội, vì tôn giáo không chỉ là nguồn lực trí tuệ mà còn là nguồn lực văn hóa, nguồn lực vật chất…

Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam đề nghị bổ sung thêm vào phần chính sách đối với các giai tầng xã hội, như đối với giai cấp công nhân cần có chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh việc trí thức hóa. Đối với giai cấp nông dân, cần bổ sung thêm việc khuyến khích các doanh nghiệp, HTX kiểu mới, chủ trang trại hợp tác với nông dân để phát triển sản xuất theo định hướng thị trường, ổn định và nâng cao đời sống. Đối với đội ngũ trí thức cần khuyến khích các hoạt động giao lưu, hợp tác nghiên cứu, trao đổi khoa học giữa các nhà khoa học trong nước với nước ngoài, nhất là nước công nghiệp phát triển để nhanh chóng nâng cao trình độ của trí thức lên ngang tầm khu vực và quốc tế.

Trong khuôn khổ buổi góp ý, các đại biểu cũng đưa ra các ý kiến đánh giá về việc làm thế nào để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; vấn đề tín ngưỡng tôn giáo; giữ gìn bản sắc văn hóa của 54 dân tộc, đóng góp của các tôn giáo trong 30 năm đổi mới đất nước….

Thay mặt Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình cám ơn HĐTV về Tôn giáo đã tổ chức một hội nghị quan trọng để tiếp thu các ý kiến quý báu của các chuyên gia, các nhà khoa học góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng. Toàn bộ ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ tập hợp lại và gửi tới Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Ngày 12-10, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Cán bộ, giảng viên, giáo viên, trí thức trẻ, sinh viên đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”.
Tại đây, nhiều ý kiến tâm huyết của đại diện lớp trẻ được bày tỏ. Đó là các vấn đề: trọng người tài, Nhà nước cần có chính sách thu hút người tài và trọng người trẻ; quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ… để thực sự trở thành quốc sách hàng đầu. Cần cơ chế đãi ngộ cho đội ngũ làm công tác giáo dục, để người làm công tác giáo dục gắn bó với nghề.

Một số ý kiến cũng đề cập tới việc vai trò của kinh tế nhà nước, tháo gỡ điểm nghẽn để doanh nghiệp tư nhân có cơ hội bứt phá.

Vấn đề phòng, tránh thiên tai, đối phó với biến đổi khí hậu cũng như vấn đề môi trường cũng được quan tâm. Cùng đó, có ý kiến đề nghị làm rõ khái niệm đẩy mạnh công nghiệp hóa, đưa đất nước trở thành nước công nghiệp. Vậy thế nào là nước công nghiệp hiện đại? Nếu không có tiêu chí rõ ràng, chúng sẽ khó đạt mục tiêu này.

Lục Bình

A.Vũ- N. Phượng