Gấp rút lo nguồn nhân lực

Hư Trúc 13/10/2015 09:46

Việc gia nhập Hiệp định TPP với 12 thành viên, trong đó có những quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Australia…; và cùng với việc tiếp tục là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN ra đời vào cuối năm 2015, Việt Nam bước vào một bối cảnh hội nhập mới hết sức sinh động và quan trọng. Đó là thời cơ lớn nhưng đồng thời cũng là thách thức. Chẳng hạn những ngành như dệt, da giày có cơ hội cất cánh, trong khi có lo ngại cho ngành chăn nuôi, dược phẩm… Nhiều lĩnh vực bị tác động mạnh, trong đó có yêu cầu

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Trước hết, nguồn nhân lực của Việt Nam rất dồi dào, người lao động thông minh và nhạy bén với cái mới. Điều này đã thể hiện và đang có một số lớn lao động Việt Nam xuất khẩu sang các nước. Nhìn chung tay thợ Việt Nam tìm được chỗ đứng tại các thị trường lao động ở các nước sở tại. Nhưng đó chưa phải là chất lượng lao động của đại đa số lao động chúng ta trước yêu cầu mới của hội nhập. Trong bối cảnh mới này, sẽ có những tập đoàn sản xuất của các nước đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam, nhất là từ khối ASEAN, trong đó không loại trừ cả đầu tư vào lĩnh vực đào tạo, tái đào tạo nguồn nhân lực.

Cũng không loại trừ khả năng xấu là trong khi chúng ta xuất khẩu lao động chưa được đào tạo bài bản sang các nước như Nhật, Hàn, Trung Đông… thì ta lại thua trên sân nhà. Hiện đã có một số tập đoàn nước ngoài khi xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam mang theo lao động của nước mình vào. Những nhân lực này được tin tưởng hơn nhân lực tại chỗ vì hai lý do: được đào tạo bài bản, có kỹ năng và thông thạo ngoại ngữ. Thực tế cho thấy nguồn nhân lực của chúng ta có nhược điểm là đào tạo thiên về lý thuyết, kỹ năng thực hành yếu và rất hạn chế giao tiếp tiếng Anh.

Hiện tình đào tạo nhân lực của Việt Nam cho đến nay, về cơ cấu có các trường cao đẳng nghề , trung cấp nghề, trường nghề (ngắn ngày). Hai loại hình đào tạo trên thuộc trách nhiệm Bộ Giáo dục - Đào tạo, còn loại hình thứ ba lại do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Chưa nói về nội dung đào tạo, chỉ mới nhìn cách “phân khúc” đào tạo đã thấy là chưa thực sự hợp lý. Bộ Giáo dục - Đào tạo là nơi tập trung một đội ngũ giảng viên, giáo viên lớn nhất trong các ngành, có cơ sở vật chất khá hoàn chỉnh thì sao không giao luôn các trường nghề ngắn ngày cho Bộ này?

Thống nhất quản lý về một đầu mối không chỉ tận dụng được giảng viên và thiết bị giảng dạy mà còn tạo hành lang cho sự liên thông từ thấp lên cao, trong đào tạo. Trong khi đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với chức năng quản lý đa ngành, chưa hẳn đã sát và chuyên với lĩnh vực giáo dục - đào tạo trong bối cảnh cơ sở, giảng viên lại quá ít, e rằng vẫn sẽ khó đảm bảo cung cấp được nhân lực chất lượng theo yêu cầu của bối cảnh mới.

Vấn đề nâng tầm, hoàn thiện một bước về nội dung đào tạo nguồn nhân lực đang được đặt ra cấp thiết. Thiết nghĩ, phải quan tâm chặt chẽ hơn đến 3 yếu tố. Kiến thức nghề cân đối giữa lý thuyết với thực hành, thật sự đầu ra là những nhân lực có thể vào công việc ngay. Người được đào tạo có kỹ năng lao động thích ứng ngay được với hoạt động công nghệ tiên tiến thay vì phải tái đào tạo sau khi được thu nhận. Và khả năng tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chính trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, mọi nhân lực ở mọi vị trí đều phải có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ này thì mới có khả năng cạnh tranh nổi với đồng nghiệp từ các nước láng giềng vào. Để có được năng lực về tiếng Anh, thiết nghĩ cần tuyển đầu vào dựa trên tiêu chí vốn tiếng Anh của họ.

Chúng ta có hàng mấy trăm ngàn học sinh có bằng tốt nghiệp phổ thông hàng năm, sẽ không sợ tuyển không đủ chỉ tiêu, thậm chí tình hình này còn giúp các trường đào tạo có thể giảng dạy bằng tiếng Anh để người học nghề thích ứng dần trong hội nhập. Đó là một sự đổi mới trong đào tạo căn bản. Các nước láng giềng của Việt Nam như Singapore, Indonesia, Thái Lan đã đi trước chúng ta bằng việc sử dụng tiếng Anh trong đào tạo nguồn nhân lực. Ngay tại nước ta cũng đã có một vài cơ sở tư nhân làm được điều này, cho thấy có hiệu quả cao.

Trở thành thành viên hai tổ chức kinh tế quan trọng là TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, quả là VN đứng trước một vận hội mới với nhiều cơ hội to lớn đồng thời với những thách thức không nhỏ cần đối mặt. Trong đó, cơ hội mở cho nguồn nhân lực Việt Nam phát triển là rất lớn. Nhưng cơ hội không tự đến, muốn thành công chúng ta cần khắc phục một cách cấp bách những nhược điểm để chuẩn bị kịp thời nguồn nhân lực đủ chất lượng cho thời kỳ hội nhập mới.

Hư Trúc