Giáo viên mầm non và đạo đức nghề nghiệp
Những ngày qua, ở nhiều địa phương đã liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành đối với trẻ mầm non. Đó là vụ việc tại cơ sở Mầm non Sơn Ca (Quảng Bình), em bé 15 tháng tuổi bị hai cô giáo trói chặt tay chân đè xuống sàn, miệng nhét khăn; tại Lạng Sơn có em bé bị cô giáo phạt ra khỏi lớp, bới thức ăn trong thùng rác… Những vụ việc trên chưa kịp lắng xuống thì ngày 9/10, trên internet lại tiếp tục xuất hiện thêm clip bạo hành khác tại trường Mầm non tư thục Nụ cười xinh (Mỹ Đình, HN), hoặc vụ việc giáo vi
Hình ảnh trẻ mầm non bị bạo hành gần đây.
Đi ngược lại nguyên tắc giáo dục
Đã có nhiều ý kiến nhìn nhận, phân tích nguyên nhân gây ra các vụ bạo hành trẻ ở lứa tuổi mầm non, như tất cả các vụ bạo hành trẻ đều xảy ra trong các trường mầm non tư thục, những cơ sở trông giữ trẻ tự phát không có giấy phép hoạt động, những nhóm trẻ gia đình...
Góp một tiếng nói lên án hành động bạo hành đối với trẻ mầm non, TS Nguyễn Đức Sơn - Trưởng khoa Tâm lý-Giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội bình luận: Những vụ bạo hành vừa qua xuất hiện đối với trẻ mầm non là sự việc rất đáng tiếc. Đối với trẻ mầm non thì sự phát triển về thần kinh, tâm lý của các em chưa hình thành. Những tác động bên ngoài rất dễ tạo ra những tổn thương lâu dài ở trẻ. Với những người đã trưởng thành ví dụ bị xúc phạm, bạo hành nhưng rồi cũng có thể vượt qua bằng cách nào đó, còn với đứa trẻ thì sẽ không dễ dàng để vượt qua.
Thực tế đã có những trường hợp sau khi trẻ bị bạo hành thì bị rối loạn tâm thần… Với trẻ mầm non, tại sao người ta nói rằng thầy cô giáo chính là người mẹ thứ hai là thế. Người ta đi ngược lại tình thương yêu đó, thứ nhất là không nhân bản; thứ hai là hoàn toàn đi ngược lại với nguyên lý giáo dục.
Nói về luồng tranh luận nảy ra, khi một số phụ huynh cho rằng với trẻ con thì vẫn nên có hình thức xử phạt, thậm chí đánh một chút thì mới ngoan mới biết nghe lời vì có những đứa rất bướng, tuy nhiên cũng có một số phụ huynh cho rằng tuyệt đối không bao giờ được đánh trẻ con, TS Nguyễn Đức Sơn nhìn nhận: Thực ra đó là câu hỏi rất khó để trả lời, bởi vì vừa là câu hỏi liên quan đến đời thường vừa là câu hỏi liên quan đến khoa học nữa. Vậy trong đời thường người ta nói “đánh”, thì “đánh” là như thế nào?
“Thực ra nếu nhìn về góc độ khoa học thì thấy một chuyện như thế này, người lớn dạy đứa trẻ cũng có thể nhìn hành động đó là đánh nhưng bản chất của nó phải khác giữa một bên là ta đánh để trừng phạt với một bên ta đánh để dạy, đánh với cách thức để đứa trẻ nhận biết được. Hai cái đó khác nhau về bản chất, và không phải ai cũng hình dung ra chuyện đó. Chẳng hạn một người lớn khi trừng phạt bằng cách bắt con úp mặt vào tường thì có hai trường hợp: Toàn bộ quá trình bắt đứa trẻ úp mặt vào tường bằng cách thức hằn học, giận dữ, thù hằn thì đó là bạo lực và sẽ không làm cho đứa trẻ tốt lên; Nhưng bắt đứa trẻ úp mặt vào tường mà đứa trẻ đó đã hiểu rõ tại sao nó phải đứng úp mặt vào tường, thậm chí chúng ta quy định rõ với nó cứ có hành vi như thế thì phải đứng vào tường thì chuyện đứng úp mặt vào tường, mặc dù hình thức giống nhau nhưng ý nghĩa đã hoàn toàn khác. Điều này trong giáo dục người ta gọi là tính kỷ luật tích cực…”, TS Sơn phân tích.
Không đủ phẩm chất thì phải bị đào thải
Trao đổi về vụ việc mới xảy ra tại Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết đã tiếp nhận thông tin và đang tiến hành giải quyết. Về vấn đề liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành đối với trẻ mầm non, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nêu quan điểm: Hà Nội với việc giáo dục đảm bảo an toàn cho các em HS, không riêng gì với trẻ mầm non trong các trường học thì đã có nội dung “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Những vụ việc bạo hành trẻ rất đáng tiếc vừa xảy ra tôi cho rằng bất bình thường, và cá biệt. Đã là nhà giáo được tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, và lại nhận trách nhiệm thay mặt cha mẹ chăm sóc các cháu thì việc ứng xử ôn hòa có đạo đức, đúng phẩm chất một nhà giáo là điều cần thiết. Tất nhiên là đối với những cá nhân nào, dù nhiều hay ít thì cũng sẽ bị đào thải sau khi có những hành vi đáng tiếc.
Theo ông Thống, khi có bất cứ tồn tại nào xảy ra trong một cơ quan không riêng gì trong trường học, thì trách nhiệm không chỉ là của một cá nhân. Nhưng trước hết người giáo viên ấy phải trách nhiệm với tư cách một công dân. Công dân thì không được có những hành vi ứng xử bạo hành, nhất là bạo hành với những em HS ở lứa tuổi mầm non không có biện pháp tự vệ. “Trách nhiệm đầu tiên là trách nhiệm cá nhân, thậm chí là trách nhiệm hình sự của một công dân.
Cùng với đó là thái độ của nhà trường, cấp ủy, Ban giám hiệu như thế nào, có biết hay không, có trách nhiệm hay không. Rồi ở địa phương ấy, những nơi mà xảy ra vụ việc bạo hành thì sự quan tâm của họ, của Ban đại diện cha mẹ HS ở đâu? “Tôi không muốn nói nhiều đến hệ thống xung quanh, mà đầu tiên người gây ra hành động ấy phải bị đào thải. Những con người không đủ phẩm chất thì không thể đứng trong đội ngũ nhà trường, giảng dạy HS”…