Hoàn chỉnh Luật Điều ước quốc tế
Ngày 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Điều ước quốc tế (sửa đổi).
Tờ trình Dự thảo Luật Điều ước quốc tế (sửa đổi) của Chính phủ được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn trình bày cho thấy, bên cạnh nhiều lĩnh vực liên quan đến các vấn đề nguyên tắc quốc tế, Dự thảo Luật cũng làm rõ Điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định phê chuẩn, gia nhập để khắc phục vướng mắc do cách giải thích khác nhau về vấn đề này trong thời gian qua như: Điều ước quốc tế có bản chất, mục tiêu và nội dung chính là công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm, làm rõ nội hàm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quy định nghĩa vụ, trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy và trừng trị hành vi xâm phạm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng bày tỏ quan điểm đồng tình với tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên ông Hằng cho biết, Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2016 để đẩy nhanh việc phê chuẩn các điều ước quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
Về khái niệm điều ước quốc tế, theo ông Hằng, hiện còn hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với định nghĩa điều ước quốc tế được thể hiện tại dự thảo Luật thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế. Loại ý kiến thứ hai thì đề nghị bao gồm cả các thỏa thuận, cam kết về vay nợ nước ngoài.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng, theo Dự thảo Luật thì các thỏa thuận, cam kết về vay nợ nước ngoài nếu được ký nhân danh Nhà nước, Chính phủ với bên ký kết nước ngoài như Ngân hàng thế giới WB, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Các thỏa thuận vay cụ thể khác được thực hiện theo quy trình, thủ tục ký kết và phê duyệt thỏa thuận được quy định tại Luật Quản lý nợ công.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra thấy rằng, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề như ủy quyền, đàm phán, ký lưu trữ, công bố văn bản, hướng xử lý nếu trong quá trình ký kết và thực hiện thỏa thuận và có quy định trái hoặc khác với pháp luật trong nước. Tương tự, cũng chưa có văn bản quy định cụ thể về quy trình, thủ tục ký kết đối với các thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước không phải là điều ước quốc tế. Đây là những khoảng trống nhất thiết phải được lấp đầy
Về vấn đề này, ông Lê Minh Thông- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cân nhắc loại bỏ vay nợ nước ngoài. Bởi theo ông, riêng về vay ODA chúng ta điều chỉnh bằng Luật Quản lý nợ công, vậy quy định vay nợ nước ngoài thì chúng ta thực hiện theo thủ tục nào thì phải giải trình cho rõ. “Có khi phải sửa Luật Quản lý nợ công, nếu không dẫn đến bất cập trong quá trình mà chúng ta đàm phán vay”- ông Thông bày tỏ.
Về cơ quan kiểm tra, và cơ quan thẩm định, ông Thông đề nghị chỉ giao cho 1 cơ quan bởi chúng ta đang đơn giản hóa thủ tục mà giờ giao cho 2 cơ quan thì làm chậm quá trình.
“1 việc chỉ nên giao cho 1 cơ quan thôi, không nên giao cho 2 vì nội dung giống nhau. Đặc biệt nhất là sau này trách nhiệm như thế nào? Nếu không sẽ khó. Vì vậy chỉ nên giao hoặc Bộ Tư pháp hoặc Bộ Ngoại giao. Khi liên quan đến điều ước quốc tế liên quan đến đàm phán ký kết gia nhập thì Bộ Ngoại giao đều tham gia các quá trình rồi, vì thế nên giao cho Bộ Tư pháp cho khách quan. Việc đơn giản hóa thủ tục làm chưa được mà chúng ta cứ làm cồng kềnh thêm”- ông Thông lưu ý.
Dành nhiều thời gian để góp ý Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Theo ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội thì có rất nhiều báo cáo, do đó các báo cáo liên quan đến vấn đề xây dựng pháp luật thì Quốc hội báo cáo riêng, còn thông tin thì gom lại thành báo cáo chung. Chính phủ sau đó sẽ có phụ lục bổ sung. Nếu không sẽ có rất nhiều báo cáo. Về thời gian các ĐBQH góp ý kiến cho Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XII, ông Hiền kiến nghị nên giành thời gian cả ngày thay vì nửa ngày, sau đó Quốc hội sẽ tổng hợp lại và trình đại hội. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, các báo cáo thuộc yêu cầu phải báo cáo thì báo cáo tại Quốc hội, còn kiến nghị của ĐBQH thì đưa vào các báo cáo chung. Trước đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện khi chương trình thiếu nghị quyết về công tác tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Văn phòng Quốc hội tiếp thu để điều chỉnh lại cho ý kiến. Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét báo cáo công tác Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vì vậy Quốc hội sẽ có nghị quyết về công tác tư pháp. |