Bệnh “ngậm miệng”...
Sáng 12/10, Bộ Giao thông - Vận tải có cuộc họp sơ kết hoạt động 9 tháng năm 2015. Tại cuộc họp này, lãnh đạo hai cơ quan của Bộ là Vụ trưởng Vụ Vận tải và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ đã bị Bộ trưởng Đinh La Thăng phê bình thẳng thắn, nghiêm khắc. Bộ trưởng nói: “Tôi đã yêu cầu bỏ nhưng các ông ngậm miệng ăn tiền, không báo cáo gì cả”.
Chuyện là, từ trước cơ quan chức năng vẫn có quy định các doanh nghiệp vận tải phải xin phép thông luồng tuyến gây khó khăn cho các hoạt động của họ và gây không ít tiếng tăm bất lợi về thủ tục rườm rà của ngành.
Thực ra quy định này đã thành bất hợp lý và lỗi thời, Bộ trưởng đã yêu cầu bãi bỏ ngay nhưng sau một thời gian dài, hai lãnh đạo này bị phê bình công khai tại hội nghị như trên là do các vị ấy cố tình giữ thái độ “ngậm miệng ăn tiền” tiếp tục duy trì nó. Trong câu chuyện cụ thể này, diễn biến khách quan như thế nào có lẽ nhưng người trong cuộc sẽ có những bày tỏ chi tiết, đầy đủ.
Thế nhưng, nạn “ngậm miệng ăn tiền” đúng nghĩa đã được người đời lên án từ xa xưa. “Ngậm miệng ăn tiền” là cách nói có từ bao đời trong dân gian, ám chỉ thái độ biết mà im lặng, hoặc để tránh phiền phức hoặc để thủ lợi cho bản thân. Thái độ này không chỉ đóng vai trò ảnh hưởng mới có mà trong quan hệ láng giềng, cơ quan, quan hệ dân sự với nhau cũng vẫn xảy ra.
Có nhiều chuyện người ta biết rất rõ, nhưng “ngậm miệng” giả như không biết, không nghe chỉ vì lợi ích hẹp hòi cá nhân. Nhưng, trong công việc chung ảnh hưởng đến lợi ích của xã hội thì hiện tượng này quả là tai hại.
Tại sao có thái độ đó? Đối với một người bình thường khi nói ra cái mình biết nhiều khi bất lợi cho ai đó và có thể rước họa vào thân do người đó có thể trả thù, chí ít cũng làm mất lòng người khác.
Đối với người có chức có quyền nếu không “ngậm miệng” làm thinh rất dễ mất lòng người khác, nguy cơ ảnh hưởng đến địa vị bản thân, nhất là khi cấp trên của họ không sẵn sàng nghe sự thật. Có biết bao lý do lý giải cho sự im lặng, nhưng động cơ, mục đích của rất nhiều sự im lặng mà xã hội lên án là vì “ngậm miệng” để trục lợi cá nhân.
Trong trường hợp lời phê bình thẳng thắn của Bộ trưởng Đinh La Thăng đối với hai quan chức ngành giao thông mới đây, thì vấn đề có vẻ trầm trọng hơn, liên quan đến sự thiếu ý thức chấp hành kỷ cương khi “ngậm miệng” phớt lờ chỉ đạo của cấp trên.
Sự “ngậm miệng” này trái với tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo ngành GTVT, đi ngược với xu thế cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Câu chuyện “phớt lờ” của hai quan chức có trách nhiệm gắn liền với việc duy trì một thủ tục lỗi thời, dễ dẫn đến nạn gây sách nhiễu phiền hà giới doanh nhân kinh doanh vận tải.
Sự bộc trực của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng khi nêu đích danh địa chỉ “ngậm miệng ăn tiền” trong một vụ việc cụ thể có tác dụng tích cực đến việc giữ kỷ cương cho bộ máy và để không một ai kể cả một nhóm được hưởng lợi ích từ sự bất cập, làm xói mòn lòng tin của người dân.
Nhìn rộng xa hơn một chút, tệ nạn tham nhũng đang là nỗi nhức nhối, gây bức xúc không chỉ đối với dư luận xã hội, mà còn là sự ưu tư của biết bao cán bộ trăn trở với lợi ích của dân, của nước. Sự tinh vi, phức tạp của tham nhũng đang tiếp tục thách thức tiến trình phát triển bền vững, tiến bộ của đất nước.
Hưởng ứng kêu gọi chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, đã có rất nhiều người dân, cựu chiến binh, cán bộ, doanh nghiệp đứng ra tố cáo từ tham nhũng vặt, cho đến những hiện tượng tiêu cực lớn “thiên biến vạn hóa”. Có thể thấy bệnh “ngậm miệng ăn tiền” cũng chính là một hành vi không xa lạ trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay.
Ở một góc độ khác, có những nghịch cảnh khiến con người phải “ngậm miệng” không phải vì vụ lợi mà vì sự bình an cho bản thân. Chưa ai quên trường hợp vị cựu đại tá không chịu “ngậm miệng” mà dũng cảm đứng ra tố cáo tham nhũng đất đai của vài quan chức ở Đồ Sơn năm nào. Biết bao khó khăn đã trút lên đầu người cựu chiến binh can đảm không chịu “ngậm miệng” một thời gian dài trước khi công lý được sáng tỏ.
Bởi vậy, muốn người dân không “ngậm miệng” trước cái xấu, cái ác, nhất là trong công cuộc chống tham nhũng thì phải có cơ chế đủ mạnh để bảo vệ họ thật sự hiệu quả. Sự minh bạch trong thi hành mọi chính sách và cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng hiệu quả chính là phương thuốc trị bệnh “ngậm miệng” một cách tiêu cực. Và như thế, xã hội sẽ phòng tránh được hiện tượng trớ trêu, kẻ tham nhũng “ngậm miệng ăn tiền”, trong khi người dân đành phải bàng quan “ngậm miệng” để bảo toàn công việc, mưu sinh cho bản thân và gia đình!