Đến năm 2020, Sơn La phấn đấu là tỉnh phát triển khá
Sơn La có 11 huyện và một thành phố với 12 dân tộc anh em cùng chung sống; diện tích tự nhiên hơn 14.000km2; có 250km đường biên giới giáp với tỉnh Houaphan và tỉnh Luangprabang, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Cuộc sống của đồng bào vùng cao ngày càng được cải thiện
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập (10/10/1895-10/10/2015), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao những thành tựu trong xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội mà Sơn La đã đạt được trong những năm qua. Tiêu biểu là truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng của quân và dân các dân tộc. Để tỉnh Sơn La sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, Sơn La cần tăng cường công tác xây dựng Đảng, quán triệt mục tiêu phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm; thực hiện tốt công tác giáo dục thế hệ trẻ để tạo nguồn lực cho đất nước.
Đồng thời, tỉnh cần tăng cường tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn; xây dựng nền quốc phòng, an ninh vững chắc.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất, vượt lên khó khăn, Sơn La đã từng bước trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc.Năm 2015, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 3.300 tỷ đồng, gấp 3,5 lần năm 2010, cơ cấu thu ngân sách bền vững hơn; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 1.257 USD (tương đương 26,4 triệu đồng), gấp 2 lần năm 2010. Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, mối liên kết giữa Nhà nước-nhà doanh nghiệp-nhà nông-nhà khoa học được hình thành, bước đầu tạo chuỗi sản xuất cho các loại sản phẩm này. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng lên đáng kể, năm 2015 ước đạt hơn 10.800 tỷ đồng, gấp 8 lần năm 2005.
Phát huy tiềm năng, lợi thế trong công nghiệp điện, khai khoáng, thương mại, dịch vụ, Sơn La đã hình thành một số cụm công nghiệp và các trung tâm du lịch như Mộc Châu, Mai Sơn, Phù Yên. Năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 5.800 tỷ đồng; doanh thu từ sản xuất dịch vụ đạt 16.280 tỷ đồng.
Đặc biệt, tỉnh Sơn La đã hoàn thành nhiệm vụ hai cuộc đại di dân tái định cư để phục vụ xây dựng thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La với hơn 12.000 hộ dân phải di chuyển. Đến nay, cuộc sống của người dân tại các vùng tái định cư đã từng bước ổn định. Bên cạnh đó, sự nghiệp giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng được đảm bảo. Cơ sở vật chất trường học, bệnh viện, trạm y tế được đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện. Hiện nay, Sơn La đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Tỉnh Sơn La xác định các mục tiêu trọng tâm: hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp; phát triển kinh tế du lịch, trọng tâm là hoàn thiện cơ chế để thu hút các nguồn lực đầu vào Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tạo điểm nhấn, động lực phát triển kinh tế du lịch toàn tỉnh và của tiểu vùng Tây Bắc... phấn đấu đến năm 2020 đưa Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Nhân kỷ niệm 120 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Sơn La đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.