Khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X

THÀNH LUÂN 14/10/2015 14:15

Sáng 14/10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã chính thức được khai mạc tại Hội trường Thống Nhất, tỉnh Long An, với 348 đại biểu thuộc 20 đoàn đại biểu trên địa bàn tỉnh được triệu tập. Đến dự ĐH có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, cùng đại diện lãnh đạo một số Ban Đảng và Bộ, ngành trung ương. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.

Khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X

Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X, sáng 14-10

Nhiều mục tiêu đạt và vượt kế hoạch

Phát biểu khai mạc ĐH, ông Nguyễn Nam Việt, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An thay mặt Đảng bộ tỉnh bày tỏ sự cảm ơn đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho các dự thảo văn kiện trình ĐH. Ông Việt cho biết, sự quan tâm ngày càng lớn của người dân đối với những vấn đề vĩ mô của tỉnh cho thấy hiệu quả của việc triển khai những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trên địa bàn; vai trò của hệ thống dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được phát huy hiệu quả, thu hút và tạo được niềm tin trong nhân dân.

Đánh giá chung về kinh tế của tỉnh trong nhiệm kỳ qua, ông Nguyễn Nam Việt, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An chia sẻ, trong 5 năm qua kinh tế của tỉnh đã tiếp tục được phát triển, với tốc độ tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng. Đồng thời, văn hóa – xã hội cũng có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, cũng như giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc.

Cụ thể hóa những thành tựu nêu trên, ông Phạm Văn Rạnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An cho biết, trong nhiệm kỳ IX của Đảng bộ tỉnh nhiều mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đã đạt và vượt định mức đề ra. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của tỉnh đạt 11,25%, cùng với sự chuyển dịch đúng hướng của các thành phần kinh tế. Trong đó, cơ cấu công nghiệp – xây dựng của tỉnh đã đạt được tăng trưởng khá cao, bình quân đạt 15,25%/năm. Riêng lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật được Long An tập trung phát triển, đặc biệt là các tuyến đường giao thông quan trọng kết nối với TP.HCM, như: cao tốc TP.HCM – Trung Lương, các quốc lộ 1A, QLN2, QL62 và hệ thống giao thông thủy Âu Tàu – Rạch Chanh, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây,…Ông Rạnh đánh giá, chính chương trình huy động môi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước phục vụ phát triển công nghiệp đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 5 năm qua.

Các định hướng phù hợp trong ĐH lần thứ IX cũng giúp chỉ số PCI của Long An luôn lọt vào tốp 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (sau Đồng Tháp), trong khi GDP đầu người trong nhiệm kỳ vừa qua cũng đã đạt được chỉ tiêu đề ra là 50 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX cũng đánh giá các chuyển biến trong các lĩnh vực, như: kết quả tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 55% (vượt chỉ tiêu 5%); 67,8% người dân tham gia BHYT; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2,5%;…

Kiểm điểm về công tác Đảng khóa IX, ông Đỗ Hữu Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng nhìn nhận, công tác phê bình và tự phê bình trong Đảng bộ đã được phát huy trong toàn Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ qua. Đáng chú ý, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện sâu sát, nhất là trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước tới từng ban ngành, địa phương. Tuy nhiên, ông Lâm cũng nhìn nhận, việc cụ thể hóa một số nghị quyết của Trung ương còn chậm; một số vấn đề phát sinh, các vụ việc phức tạp còn để để kéo dài; công tác kiểm tra, giám sát còn chồng chéo, có nơi chưa thường xuyên, còn sai sót;…

Đối với các mục tiêu cụ thể trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, ông Phạm Văn Rạnh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy cho biết, các chỉ tiêu chủ yếu đã được Đảng bộ vạch ra, như: phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm đạt từ 9 – 9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến 2020 đạt 80 – 85 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ huy động ngân sách trên GRDP bình quân 10%/nam9; tỷ lệ đầu tư xã hội trên GRDP đạt 40 – 42%;…

Theo tiêu chí mới, Đảng bộ tỉnh Long An khóa X cũng đặt mục tiêu sẽ giảm được tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh xuống còn dưới 3%; giải quyết việc làm cho 150.000 lao động/5 năm; đạt tỷ lệ 8 bác sĩ/1 vạn dân; 98% dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 60% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 80%;…

Là một tỉnh chiếm 40% diện tích của vùng Đồng Tháp Mười, với lợi thế về nông nghiệp lúa nước, tỉnh Long An cũng đặt mục tiêu đến 2020 sẽ đạt sản lượng lúa bình quân 2,8 triệu tấn/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15%/năm; xây dựng trên 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; trên 60% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế;…

Khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X - 1

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Cần tận dụng “thiên thời, địa lợi”

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Dễ nhận thấy là Long An chưa khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế tiếp giáp với TP.HCM. Mặt khác thì Long An cũng chưa tận dụng được địa thế là tỉnh có biên giới, cửa khẩu, cảng sông ra biển, nhất là tận dụng kinh nghiệm của mình trong giai đoạn đổi mới kinh tế trước đây để tạo nên lợi thế phát triển cho mình. Chưa kể, Long An còn có nhiều cơ hội để thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để tăng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn”.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận và đánh giá cao các nỗ lực trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, an sinh xã hội của tập thể Đảng bộ, chính quyền, quân và dân của tỉnh Long An. Bà Ngân nhắc lại truyền thống cách mạng, anh hùng, trung dũng, kiên cường và tinh thần sáng tạo của tỉnh Long An đã góp phần rất lớn giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh lọt vào nhóm các tỉnh có tăng trưởng cao; sản lượng lương thực hàng năm góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe người dân, các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, được cải thiện và đạt các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra.

Tuy nhiên, nhìn lại bức tranh vĩ mô nền kinh tế - xã hội của địa phương trong 5 năm qua, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Long An vẫn chưa phát huy, cũng như tận dụng được vị trí rất “thiên thời, địa lợi” của mình với vai trò là trung tâm kết nối giữa vùng sản xuất lương thực thực phẩm là Đồng bằng sông Cửu Long và thị trường tiêu thụ hơn 10 triệu dân – TP.HCM. Bà Ngân nhìn nhận, Long An có biên giới, cửa khẩu, cảng sông ra biển, nhất là tiếp giáp với TP.HCM – trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Do đó, tỉnh nên tận dụng nguồn nhân lực dồi dào của mình, đặc biệt là nhiều kinh nghiệm quý trong đổi mới kinh tế để phát huy lợi thế nêu trên trong liên kết vùng kinh tế. Trong đó, Long An có điều kiện rất thuận lợi để vừa phát triển cả công nghiệp, thương mại – dịch vụ; đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện. Qua đó, tạo điều kiện để phát triển bứt phá, trở thành một trong những tỉnh giàu mạnh trong vùng.

Cũng theo Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Long An có hơn 40% diện tích của vùng Đồng Tháp Mười và do đó sản xuất nông nghiệp phải nên coi là mục tiêu lâu dài và trọng tâm. Bà Ngân gợi ý Đảng bộ, chính quyền tỉnh nên rà soát lại quy hoạch theo hướng ngoài diện tích lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia thì cần giữ ổn định, mạnh dạn chuyển dịch diện tích lúa một vụ, năng suất thấp sang cây trồng, vật nuôi khác mang lại hiệu quả cao hơn.

Về tầm nhìn dài hạn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Long An cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tổ chức phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị trên cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế gia trại, trang trại, liên kết “4 nhà”. Bên cạnh việc tận dụng lợi thế “thiên phú” trong nông nghiệp, bà Ngân cũng cho rằng Long An nên có chiến lược về công nghiệp – xây dựng; thương mại dịch vụ, trong đó lưu ý đến vị trí là “cửa ngõ” của Tây Nam bộ vào TP.HCM và ngược lại. “Long An nên tận dụng lợi thế đặc biệt của mình để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh mẽ hơn các nhà đầu tư lớn vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt cần phải xác định rõ nguồn lực đầu tư; đa dạng hóa hình thức đầu tư nhằm hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối với TP.HCM và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo sự thông thoáng trong giao lưu kinh tế và thương mại”, bà Ngân nói.

Khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X - 2

Ông Phạm Văn Rạnh, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Long An
trình bày báo cáo tóm tắt báo cáo chính trị tại ĐH

Tiếp thu ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Nam Việt, Bí thư Tỉnh Long An gửi lời cảm ơn Bộ Chính trị đã có những gợi ý, góp ý và chỉ đạo cụ thể, sát sườn với từng vấn đề, lĩnh vực rất cụ thể của tỉnh Long An trong giai đoạn 5 năm tiếp theo. Ông Việt khẳng định, tỉnh Long An sẽ tập trung mạnh mẽ mọi nguồn lực để tận dụng các lợi thế, cơ hội của địa phương trong phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc phòng trên địa bàn trong nhiệm kỳ mới.

Chiều nay (14/10), các đại biểu thảo luận tại tổ để đóng góp ý kiến văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

THÀNH LUÂN