Góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XII: Đổi mới kinh tế và phát triển con người
Ngày 14 – 10, Hội động tư vấn về Kinh tế và Hội đồng tư vấn về Văn hóa – xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Phó chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, bà Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Hội nghị.
Phó chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi góp ý
Xây dựng đạo đức con người
Góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, TS. Nguyễn Viết Chức, thành viên HĐTV về Văn hóa - xã hội nhận định, những năm gần đây, nhiều di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Việt Nam đã và đang trở thành đối tác đáng tin cậy của hầu hết các quốc gia trên thế giới và nhân dân các nước trên thế giới đều giành những tình cảm tốt đẹp đối với người Việt Nam.
Theo TS Chức, hiện nay một số người Việt Nam không giữ được những giá trị vô giá ấy. Ngay trong dự thảo báo cáo chính trị, một văn kiện quan trọng của Đảng cũng đã chỉ rõ “Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi” và trong dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 cũng nhận định “nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong nhân dân. Tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp”.
Chính vì vậy theo TS Chức việc đặt vấn đề xây dựng con người lên hàng đầu không chỉ đúng, trúng mà còn vô cùng cần thiết và cần được triển khai ngay. Vấn đề là làm gì? Và làm như thế nào? để xây dựng con người trong thời hiện đại. Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ XII chỉ rõ “Hoàn thiện chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam”, “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn mực của người Việt Nam thời kỳ CNH – HĐH và hội nhập quốc tế”.
"Định hướng như vậy là hoàn toàn chính xác. Phải xây dựng được hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong thời đại mới để làm căn cứ xây dựng con người", TS Chức phát biểu.
Nguyên trưởng phòng nghiên cứu con người và văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Trịnh Thị Kim Ngọc cho rằng việc Dự thảo báo cáo đề cập đến vấn đề xây dựng văn hóa và phát triển con người chưa hợp lý.
Bà Ngọc nhận định, việc xây dựng văn hóa và kinh tế là 2 trụ cột quan trọng của sự phát triển đất nước nhưng làm thế nào để xây dựng đạo đức con người trong thời điểm đạo đức xã hội đang đi xuống, mê tín dị đoan xuất hiện khá nhiều...
Trong quá trình đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt sự thay đổi về vật chất nhưng vấn đề đạo đức con người lại suy giảm. Trong đội ngũ cán bộ, từ chỗ một bộ phận suy thoái đến một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền suy thoái. Nếu để một bộ phận này cứ mãi phát triển thì đất nước làm sao mà phát triển được. Trong Đại hội tới chúng ta cần đầu tư để phát triển con người, phát triển văn hóa vì đó là sự tồn vong của đất nước. Chúng ta tiến lên XHCN thì phải xây dựng được con người XHCN. Đây là lĩnh vực then chốt, cốt yếu nhất trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, bà Ngọc nhấn mạnh.
Đổi mới thể chế kinh tế
Ông Võ Đại Lượng, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, Ủy viên HĐTV về Kinh tế cho rằng, trong Nghị quyết của Đảng đã đưa ra 3 khâu đột phá là đột phá về kinh tế thị trường, đột phá về phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng KHCN, đột phá về phát triển hạ tầng, nhưng chậm đột phá nhất lại là vấn đề con người.
Theo ông Lượng phải làm thế nào để đưa những người giỏi nhất, có trình độ vào làm việc tại các cơ quan công quyền của Nhà nước. Nếu chúng ta không xử lý được vấn đề này thì những đột phá của chúng ta sẽ trở thành vô nghĩa.
Nhấn mạnh đến việc xây dựng lực lượng sản xuất hiện đại theo yêu cầu kinh tế tri thức giáo sư Trần Ngọc Hiên, HĐTV về Kinh tế cho rằng đây là khâu trung tâm để có năng suất lao động cao, chất lượng sản phẩm tốt, nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập.
Phát biểu tại buổi góp ý, Phó chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh hoan nghênh những ý kiến góp ý tâm huyết của các thành viên HĐTV về Kinh tế và HĐTV về Văn hóa – xã hội; đồng thời khẳng định những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu sẽ được tổng hợp để gửi tới Ban thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam để góp ý các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng