Bao giờ sức máy thay dân?
Nếu lấy năm 2006 làm mốc so sánh thì tính đến thời gian này, cơ giới hóa nông nghiệp của chúng ta sau 10 năm tăng không đáng kể.
Cụ thể, số lượng máy kéo tăng 1,6 lần, máy gặt tăng 25,6 lần, máy phun thuốc BVTV tăng 5,8 lần. Cơ giới hóa nông nghiệp phát không đồng đều, chỉ tập trung vào một số ngành cơ bản, trong đó đáng chú ý nhất là về chuyên canh lúa. Nhưng ở ngành có thế mạnh này, cũng chỉ tập trung ở một số khâu như: như làm, thu hoạch và xay xát.
Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010 tầm nhìn tới năm 2020, ngành cơ khí chế tạo máy kéo, máy nông nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được 32,6% thị trường (thấp hơn mục tiêu của chiến lược là 40-50% vào năm 2010). Nhập siêu của ngành cơ khí lớn hơn 10 tỷ USD/năm, trong đó giá trị nhập khẩu thiết bị máy móc chiếm tỷ lệ cao nhất.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo nhiều chuyên gia thì còn nhiều vướng mắc về cơ chế đã tạo cho người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ. Chẳng hạn như có chính sách quy định là nông dân mua máy thì được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong năm đầu tiên nhưng do cơ chế giải ngân chậm, lạc hậu nên nhiều chính sách không đến được với nông dân….
GS.TS Trần Đức Viên - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Để chính sách đi vào thực tiễn cần phải thực hiện tốt các chính sách đó bằng các cơ chế cụ thể. Đặc biệt cho 3 vị trí quan trọng là doanh nghiệp, nông dân, nhà nghiên cứu khi đầu tư vào khoa học công nghệ, đầu tư cho cơ giới hóa.
Còn theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam, ngành cơ khí máy nông nghiệp gần như “dậm chân tại chỗ”. Cả nước hiện có khoảng 100 cơ sở chế tạo, song phần lớn là quy mô nhỏ, sản xuất chất lượng thấp, quy trình sản xuất khép kín, thiếu chuyên môn hóa, thiếu hợp tác liên kết trong tổ chức sản xuất.
Hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất của cả nước, có tổng diện tích gieo trồng khoảng 3,8 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 2,1 triệu ha đất sản xuất lúa, tương đương 2,8 triệu hộ làm nông nghiệp, nhưng số hộ có máy kéo hiện nay đạt thấp, 62 hộ mới có 1 máy. Các máy gieo sạ, thu hoạch chỉ đạt từ 60 đến 75% tổng diện tích toàn vùng. Máy gặt đập liên hợp, máy sấy chỉ đạt hơn 38 đến 50%. Đặc biệt ở các khâu cấy, làm cỏ, phun thuốc có độ cơ giới hóa rất thấp chưa được 10%.
Ở góc độ khác, nhiều công ty luôn trong tình trạng mỏi mắt tìm kỹ sư do không có nơi nào cung cấp nguồn lao động, bởi các trường ĐH trên cả nước hiện nay gần như vắng bóng sinh viên học nghề cơ khí chế tạo máy nông nghiệp.
Trước đây, cả nước có 5 trường ĐH đào tạo chuyên ngành cơ khí nông nghiệp, nhưng hiện nay chỉ còn Khoa Cơ khí của Học viện Nông nghiệp VN và ĐH Nông lâm TP HCM là có chuyên ngành này. Số lượng sinh viên đăng ký học ngành này cũng rất hiếm hoi.