Ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật
Việc phân biệt ranh giới giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật hiện nay là cần thiết nhưng đang còn nhiều tranh cãi bởi trong nhiều trường hợp hai lĩnh vực ảnh sự giao thoa. Tuy nhiên, dù ảnh chụp để phục vụ mục đích gì, người chụp ảnh cũng cần có được hai yếu tố, đó là cảm xúc từ cái đầu đến trái tim và sự sáng tạo trong góc nhìn.
Giao lưu trực tuyến “Ảnh báo chí - ảnh nghệ thuật”.
Đó là chia sẻ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến tại buổi giao lưu trực tuyến với đông đảo sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền sáng ngày 14/10.
Theo nghệ sĩ Vũ Huyến, ảnh đóng một vai trò quan trọng trong đời sống con người, các cơ quan truyền thông, báo chí. Hiện cả nước có hơn 1.000 tờ báo, tạp chí (kể cả các chuyên san nội bộ) đang sử dụng ảnh như một hình thức truyền thông. Đó là chưa nhắc đến hàng vạn bức ảnh được in trên các ấn phẩm, sách truyền thống, kỷ yếu, trên các chương trình truyền hình và lịch các loại…
Sự khác biệt giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật chỉ là sự xác định ranh giới giữa hai lĩnh vực nhiếp ảnh khác nhau. Lĩnh vực tiền thân ban đầu của nhiếp ảnh là nhiếp ảnh kỷ niệm, để lưu giữ, mang tính tài liệu, thuần túy là kỷ niệm, mục tiêu của nó chỉ là giữ lại khoảnh khắc nào đó của con người và người chụp bức ảnh này chỉ là người thợ chụp ảnh.
Ngược lại, với ảnh báo chí thì mục tiêu lại là sự kiện và những vấn đề của cuộc sống, mà vấn đề ấy càng mới, càng ảnh hưởng đến nhiều người thì nó càng giá trị. Tính tài liệu của ảnh báo chí rất cao và phải luôn luôn mới.
Người chụp bức ảnh ấy gọi là nhà báo hay còn gọi là phóng viên nhiếp ảnh. Họ chụp không phải vì nhu cầu cuộc sống, mà họ muốn cung cấp cho độc giả những tư liệu mới và họ coi đấy là sự nghiệp của mình.
Một bức ảnh báo chí là một bức ảnh mới, sinh động, có tính thông tin, không được can thiệp bằng phần mềm hay thêm bớt, đó là tính nguyên tắc của ảnh báo chí.
“Theo tôi, điều quan trọng là tính mục đích và giá trị nhân văn của bức ảnh chứ không phải là tạo nên một bức ảnh có độ bóng bảy, độ nét cao hay hoàn thiện về kỹ thuật nhưng lại vô cảm. Những bức ảnh ấy chỉ mang tính giải trí chứ không phải là ảnh báo chí mà cũng chẳng phải là ảnh nghệ thuật”- nghệ sĩ Vũ Huyến nhấn mạnh.
“Theo tôi, làm báo ảnh thì nhất thiết phải có máy ảnh, cũng như nhà văn cần phải có bút viết vậy, nhưng không có nghĩa là có máy ảnh tốt, hiện đại thì sẽ tạo ra được những bức ảnh tốt. Máy ảnh tốt đến đâu thì tùy điều kiện từng người có thể trang bị, nhưng cũng không nên quá chạy đua theo công nghệ. Với tôi, chụp ảnh thì phải dựa vào cái đầu đến 60 - 70%, còn 40% là kỹ thuật”.
“Vì vậy, tôi muốn nói với các bạn trẻ, khi mới vào nghề cũng không nên trang bị máy ảnh quá đắt tiền, vì cũng như điện thoại di động, công nghệ phát triển rất nhanh, chắc gì chúng ta đã biết hết và sử dụng hết những công dụng của chúng. Chỉ cần trang bị những máy ảnh vừa tầm, phù hợp là được. Quan trọng nhất là chụp cái gì? Chụp để làm gì? Chụp cho ai? Giá trị nhân văn của bức ảnh đó như thế nào? Chụp ảnh là phải chụp bằng “cái đầu” và chụp bằng “con tim” – nghệ sĩ Vũ Huyến cho biết thêm.
Vai trò của chú thích ảnh trong báo chí, theo nghệ sĩ Vũ Huyến đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, đó chỉ nên là phần bổ sung cho bức ảnh thôi, chứ chỉ dựa vào chú thích ảnh thì không phải là bức ảnh tốt. Còn nội dung chính, tư tưởng, biểu cảm, cảm xúc phải do chính bức ảnh toát lên.