Cơ quan nào quản lý trại tạm giam?
Đó là vấn đề được nhiều ĐB kiến nghị khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam diễn ra chiều ngày 14/10.
Ảnh minh họa.
Vấn đề được nhiều ĐB quan tâm chính là về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật cho thấy, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị về cơ bản giữ mô hình quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam như hiện nay nhưng có sự tách bạch tương đối độc lập về mặt tổ chức giữa cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra.
Cần giao các trại tạm giam thuộc Bộ Công an về cho Cơ quan quản lý thi hành tạm giữ, tạm giam Bộ Công an quản lý; bảo đảm tính độc lập hơn của nhà tạm giữ, trại tạm giam với Cơ quan điều tra ở tất cả các cấp. Ý kiến khác đề nghị cần tổ chức lại nhà tạm giữ, trại tạm giam theo hệ thống dọc do Bộ Công an quản lý từ trung ương tới địa phương để bảo đảm tính độc lập, tránh việc Cơ quan điều tra lạm dụng việc quản lý để bức cung, dùng nhục hình.
Qua khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại một số nhà tạm giữ, trại tạm giam cũng cho thấy, trại tạm giam, nhà tạm giữ ở các tỉnh, huyện đang do Cơ quan quản lý thi hành án và hỗ trợ tư pháp Công an cấp tỉnh, cấp huyện quản lý, về cơ bản đã tách khỏi hệ thống cơ quan điều tra cùng cấp.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, giữ mô hình hiện nay, nhà tạm giữ thuộc quản lý của Công an cấp huyện và Trại tạm giam thuộc quản lý của Công an cấp tỉnh là phù hợp.
Riêng đối với 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện nay vẫn đang do Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan An ninh điều tra thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an quản lý, theo ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, như vậy là chưa phù hợp với ý kiến của nhiều ĐBQH và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về việc cần phải tách hoạt động tạm giữ, tạm giam độc lập với hoạt động điều tra và cần giao cho Cơ quan quản lý thi hành án hình sự của Bộ Công an quản lý để bảo đảm hoạt động độc lập với Cơ quan điều tra, nhằm phòng chống bức cung, dùng nhục hình.
Ông Hiện cũng cho biết, đến nay Bộ Công an đề nghị vẫn giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an cho Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát trực tiếp quản lý để thuận lợi cho công tác điều tra.
Ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao lại cho rằng, 4 trại giam do Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát quản lý nên giao cho Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quản lý. Bởi theo ông “cũng là Bộ Công an quản lý nhưng thống nhất quản lý một đầu mối để chống bức cung nhục hình, và khắc phục được những nhược điểm hiện nay”
Nhấn mạnh “Hiến pháp mới thể hiện rất rõ quyền cơ bản của công dân vì người chưa có tội, chỉ bị hạn chế về đi lại còn bầu cử, tính mạng, sức khoẻ, tài sản, thăm nuôi vẫn như một công dân bình thường”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng, 4 trại giam này nên giao cho Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cho khách quan để chống bức cung nhục hình, chứ không nên giao cho Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục An ninh vì 2 cơ quan này đều có quyền điều tra.
“Nhiều ý kiến của các ĐBQH và Ủy ban Tư pháp cũng bày tỏ quan điểm nên giao cho Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp để đảm bảo tính khách quan”-ông Quyền bày tỏ quan điểm.
Về vấn đề trích xuất, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, trong quá trình tạm giam, tạm giữ cơ quan công an phải chịu trách nhiệm về sức khỏe và tính mạng cho người ta. Vì vậy khi trích xuất ra thì cơ quan yêu cầu trích xuất phải chịu trách nhiệm.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, khi Tòa án yêu cầu trích xuất khỏi nơi tạm giam để ra phiên tòa, cơ quan tạm giam phải bàn giao cho Tòa thì Tòa phải ký nhận vào sổ bàn giao của cơ quan công an. “Đến Tòa thì Tòa phải có biên bản nhận. Do đó Luật quy định trách nhiệm của cơ quan trích xuất, và yêu cầu trích xuất”-ông Lưu nhấn mạnh.
Trước vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, lấy người từ nơi tạm giam tạm giữ ra khỏi trại thì phải xác nhận thể trạng người ấy. Phải vào kiểm tra để nhận người, còn lực lượng thi hành án và hỗ trợ tư pháp chỉ bảo vệ khi dẫn đi; còn khi nhận người thì Tòa phải ký vào sổ của trại giam vì họ giao người là hoàn thành nhiệm vụ với Tòa án.