Sẵn sàng cho Hội nghị khí hậu Paris COP21
Ngày 14/10, tại Hà Nội, hai chuyên gia hiện là phóng viên mảng môi trường kì cựu của Pháp: Pierre Lefevre và Aline Brachet đã có cuộc trao đổi với các phóng viên về môi trường của báo chí khối ASEAN.
Triều cường đang đe dọa người dân Nam Bộ.
Buổi nói chuyện đã cập nhật những thông tin mới nhất về biến đổi khí hậu: Chia sẻ những thách thức, theo dõi tình hình đàm phán và triển vọng cho Việt Nam và thế giới về biến đổi khí hậu. Buổi nói chuyện diễn ra trước khai mạc Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu tại Paris (COP21).
Tại buổi nói chuyện, các phóng viên đến từ nhiều nước đã trao đổi về tình hình đàm phán quốc tế, các dự thảo tuyên bố của COP21, và tài chính cho chống biến đổi khí hậu. Giới thiệu các chủ đề về biến đổi khí hậu mà báo chí ASEAN đề cập và các phóng viên Việt Nam tham dự Média 21. Média 21 là chương trình đào tạo phóng viên mảng môi trường của Chính phủ Pháp, dành riêng cho phóng viên trong lĩnh vực này của khu vực Đông Nam Á.
Hai diễn giả đến từ Pháp đã đề cập đến những vấn đề chính liên quan đến COP21, với mục tiêu làm sao để trái đất không ấm lên 2 độ. Theo số liệu toàn cầu hiện nhiệt độ đã tăng 1,2 độ. Trong bản báo cáocác diễn giả đưa ra, Trung Quốc là nước có lượng phát thải lớn nhất trong 10 quốc gia có lượng phát thải lớn trên thế giới (số liệu 2006).
Theo bà Aline Brachet: Tính tới 1/10 đã có 147 quốc gia nộp cam kết của mình. Ngày 14-10 có thêm hai quốc gia nữa nộp bản cam kết. Họ cũng kỳ vọng trong một vài tuần tới những quốc gia còn lại sẽ nộp. Đây là bước rất quan trọng bởi các quốc gia rất sẵn sàng thực hiện cam kết và hành động để hướng tới COP21.
Trung Quốc từ 2006 được thống kế là quốc gia có lượng phát thải lớn nhất, vì họ chiếm 29% lượng phát thải toàn cầu. Cam kết của Trung Quốc đưa ra lượng phát thải đạt mức cao nhất vào 2030, họ cũng quyết định giảm lượng phát thải CO2 vào khoảng 60-65%. Đây cũng là tham vọng rất lớn của Trung Quốc.
Theo các phóng viên tại buổi nói chuyện: Ấn Độ đôi khi miễn cưỡng tham gia quá trình đàm phán. Tuy nhiên chúng ta cũng nhìn nhận tầm quan trọng của Ấn Độ khi đang nổi lên rất mạnh. Mục tiêu đạt 40% năng lượng tái tạo trong cơ cấu sử dụng năng lượng năm 2030. Ấn Độ sẽ tăng hiệu suất sử dụng năng lượng tái tạo đặc biệt năng lượng mặt trời.
Với Mỹ, họ quyết định sẽ giảm mức phát thải 26-28% vào 2025, đây là mức cam kết thấp hơn so với Trung Quốc, tuy nhiên chúng ta cũng cần phải nhìn nhận rằng cam kết của Mỹ là tương đối hiệu quả bởi vì Mỹ hoàn toàn có thể làm nhiều hơn như thế so với mục tiêu đưa ra. Mỹ cũng có những chính sách, thay đổi lquan hiệu suất thay đổi lượng khí phát thải của các ngành công nghiệp khác nhau trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải...
Để thực hiện được cam kết các quốc gia đều cần khoản tài chính. Trong cam kết luôn có hai phần, trong đó có nhu cầu tài chính để thực hiện các mục tiêu đó. Các quốc gia cũng cho rằng tài chính là vấn đề nóng nhất.
Theo bà Aline Brachet, Tổng thống Pháp cam kết INDC sẽ phải đưa vào phụ lục của thảo thuận tại Paris, mục tiêu chúng ta sẽ phải có chu trình khoảng 5 năm cho mỗi quốc gia để các quốc gia tham chiếu lại, đánh giá xem đã làm được gì, và để xem sẽ làm gì trong tương lai. Mỗi quốc gia đã miêu tả chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu trong 15 năm sắp tới. Nếu bản miêu tả chưa hoàn thiện hoặc không có khả năng thực hiện thì các quốc gia hoàn toàn có thể đánh giá, hoàn chỉnh lại.
Về INDC của Việt Nam, ngày 12/10 Việt Nam công bố báo cáo INDC quốc gia, trong bản báo cáo Việt Nam tuyên bố vào 2030 sẽ cắt giảm phát thải khí nhà kính 8% so với viễn cảnh phát triển truyền thống thông thường, và sẽ cắt giảm thêm 25% nếu có sự tài trợ thế giới.