Mỹ thay đổi chiến lược viện trợ phe nổi dậy ở Syria
Chính quyền Washington hôm 14/10 đã tuyên bố sẽ “điều chỉnh” chương trình gây nhiều tranh cãi trong việc viện trợ phe nổi dậy ở Syria, trong đó đầu tư hơn vào các tướng lĩnh thay vì chiến binh, đồng thời cung cấp trang thiết bị thay vì huấn luyện. Và nhóm nổi dậy đầu tiên hưởng lợi từ chương trình này là nhóm nổi dậy ở Đông Bắc Syria.
Đại tá Stve Warren cho hay Mỹ đang
tích cực thay đổi chiến lược của họ ở Syria. (Nguồn: RT).
Thay đổi vì không hiệu quả
“Chương trình huấn luyện-trang bị đã thay đổi, nhưng nó không hề biến mất. Chúng tôi vẫn đang trang bị cho các chiến binh nổi dậy ôn hòa ở Syria” – Đại tá Steve Warren, Người phát ngôn Chiến dịch Inherent Resolve, cho hay.
Một trong những ví dụ mà ông Warren đưa ra là việc chuyển 50 tấn đạn dược cho lực lượng “Liên minh Ả rập Syria” (SAC) - một lực lượng gồm 5.000 chiến binh ở miền Đông Syria – mới đây với mục đích tấn công nhằm vào tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở nước này. Kiện hàng này gồm các loại đạn sử dụng cho vũ khí có cỡ nòng nhỏ, lựu đạn cầm tay, và nhiều loại đạn pháo cho các hệ thống phóng lựu đạn rocket.
Ông Warren cũng cho hay, thủ lĩnh của SAC được quản lý chặt chẽ bởi phía Mỹ và đã trải qua quá trình huấn luyện đặc biệt. Theo quan điểm của vị quan chức này, đợt viện trợ đạn dược vừa qua “không phải một sự thay đổi lớn” trong chiến dịch không kích Syria của Mỹ, bởi họ đã từng nhiều lần thả hàng viện trợ như vậy trước đây, đáng chú ý nhất là đợt thả viện trợ vũ khí và đạn dược cho lực lượng người Kurd ở thị trấn chiến lược Kobani.
Chương trình viện trợ nguyên bản trước đây được Quốc hội Mỹ rót vốn đến 500 triệu USD, nhằm huấn luyện và hình thành một đạo quân 15.000 người thuộc phe nổi dậy “ôn hòa” mà Mỹ quản lý, trong đó tập trung vào chiến đấu chống phiến quân IS.
Thế nhưng, sau khi đa phần các chiến binh mà Mỹ huấn luyện bị bắt giữ hoặc đào ngũ sang đầu quân cho IS cùng một lượng vũ khí không nhỏ, Nhà Trắng đã buộc phải tuyên bố ngừng chương trình viện trợ này.
“Chương trình đó đã không đạt hiệu quả” – ông Warren thừa nhận – “Là một tổ chức nhanh nhạy và thích ứng, chúng tôi đã điều chỉnh lại. Chúng tôi đã thay đổi hướng tiếp cận”.
Mỹ bỏ ngỏ khả năng mở rộng chiến dịch ở Syria
Dù cho ông Warren khẳng định rằng SAC mà Mỹ hậu thuẫn đã tích cực chiến đấu chống lại IS ở khu vực tỉnh Raqqa trong nhiều tháng qua và mô tả rằng mối liên hệ của Mỹ đối với tổ chức này là kết quả đạt được sau “tiến trình xây dựng kéo dài suốt năm”; thì tổ chức SAC này từ trước đó đã được nhắc đến trên các bài báo phương Tây từ hồi tháng 10 vừa qua.
Theo Hãng tin Reuters, SAC là một phần của một liên minh lớn hơn, trong đó cấu thành từ lực lượng người Kurd được biết đến dưới cái tên YPG; mà ngay cả một số chính khách Mỹ cũng chưa từng nghe tên bao giờ.
Trước tình hình đó, đặc biệt sau thông tin Mỹ chuyển 50 tấn đạn dược cho phe nổi dậy, Moscow đã tỏ ý hoài nghi về các nỗ lực nhằm ủng hộ phe nổi dậy “ôn hòa” của Mỹ trên lãnh thổ Syria, cũng như hiệu qủa của chiến dịch không kích quốc tế chống IS mà Mỹ dẫn đầu kể từ hồi tháng 10 năm ngoái cho tới nay.
“Chúng tôi nghi ngờ ít nhất sẽ có một số lượng vũ khí này rơi vào tay của những kẻ khủng bố” – Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình NTV của Nga, mô tả chiến dịch không kích chống IS mà Mỹ dẫn đầu là “không hiệu quả”.
Giới chức Mỹ, trong khi đó, một mực khẳng định rằng việc họ viện trợ vũ khí cho phe nổi dậy “ôn hòa” sẽ không ảnh hưởng đến quân đội chính phủ Syria. Điều này mâu thuẫn với thực tế rằng Washington từ trước đến nay vẫn mong muốn sẽ lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Khi được hỏi rằng liệu Mỹ có hỗ trợ không kích để giúp SAC chống lại lực lượng chính phủ Syria hay không, ông Warren chỉ nói rằng Washington trong thời điểm hiện tại sẽ chỉ chiến đấu chống lại IS. Tuy nhiên, vị quan chức này cũng thừa nhận rằng phi cơ chiến đấu của Mỹ đã tấn công nhằm vào các nhóm khác ngoài IS – như Jabhat al-Nusra, một chi nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda – và sẽ còn phát triển thêm chiến dịch này trong tương lai.