Vĩnh biệt người anh hùng chân đất Hồ Giáo

TẤN THÀNH 15/10/2015 11:12

Thế là người anh hùng chân đất Hồ Giáo đã ra đi vào lúc 15 giờ 30 ngày 14-10, tại nhà riêng thuộc phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi, hưởng thọ 87 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại niềm thương tiếc vô cùng của mọi người. Ông là đại biểu Quốc hội khóa IV, V và VI và là người được 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vào các năm 1966 và 1986.

Vĩnh biệt người anh hùng chân đất Hồ Giáo

Sau khi nghĩ hưu cụ Hồ Giáo đã có trên 20 năm gắn bó với trại chăn nuôi ở
thôn Đại An Đông, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

18 tuổi tui bỏ làng đi theo cách mạng

Tôi may mắn là đã có dịp được tâm sự cùng ông. Lần ấy về Quảng Ngãi tôi quyết tâm gặp cho được con người đặc biệt đã 2 lần được nhà nước phong tặng Anh hùng lao động. Đó là cụ Hồ Giáo. Khi đó hằng ngày ông đi lên, đi về trên con đường gần 20 cây số để gắn bó mật thiết với trại chăn nuôi ở thôn Đại An Đông, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Tôi vô cùng ấn tượng ngay lần đầu gặp ông, đó là con người có khuôn mặt rất đẹp lão, rất phúc hậu, đôi mắt hiền từ, giọng nói chân tình, trầm ấm. Sau vài câu chào, hỏi, ông cùng tôi ngồi xuống nền xi măng và câu chuyện của người anh hùng chân đất lần lượt được mở ra từng trang và để lại trong tôi những tình cảm thật khó quên trong đời.

“Tui sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thôn Bình Thọ, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, ngày ấy vùng quê tui đời sống rất khó khăn, nhà tôi cũng không ngoài lệ. Cha mẹ sinh ra tất cả 6 người con, quá cực nên mới 12 tuổi tui đã phải đi ở đợ cho các địa chủ trong vùng, phải làm những công việc hết sức cực khổ để kiếm miếng ăn qua ngày. Nhưng dù cực khổ đến mấy bà con đều hưởng ứng phong trào cách mạng rất mạnh mẽ. Còn tui đến năm 1948 vừa tròn 18 tuổi tui bỏ làng đi theo cách mạng. Tôi tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường cho đến năm 1954 được tập kết ra Bắc, tui thuộc biên chế Sư 350 Bảo vệ thủ đô. Sau đó tui được chuyển về nông trường Ba Vì ở Sơn Tây. Còn giờ đây chú thấy đó, mưa nắng gì cũng sẻ chia với mấy con trâu ở đây!” – ông chân tình.

Người hai lần được phong tặng anh hùng

Tôi mãi nhớ ngày ấy khi trò chuyện, mỗi lần tôi nhắc đến việc ông được phong tặng danh hiệu anh hùng, ông chỉ cười. Nhưng người mà ông luôn nhắc đến đó là bác Phạm Văn Đồng! Ông nói: “Với bác Đồng tui vừa kính trọng vừa yêu quý như một người cha ruột thịt và ơn người tôi mãi mãi không bao giờ quên…!” Khi ấy trên khuôn mặt đầy những nếp nhăn nheo của ông thường hay trầm tư trong lúc tâm sự, nhưng khi nói về bác Đồng, ông lại rất cởi mở và nở nụ cười thật hiền, thật phúc hậu!

Cuộc đời của người anh hùng này đã trãi qua không ít những tháng năm thăng trầm nhưng cũng có những ngày tháng đã ghi những dấu ấn rất đổi tự hào. Bước ngoặc của cuộc đời ông là từ năm 1960, Hồ Giáo chuyển ngành từ bộ đội về nông trường Ba Vì (Hà Tây). Chính tại nơi đây đã ghi dấu những đóng góp lớn lao của ông cho ngành chăn nuôi bò sữa, nên cuối năm 1966 ông vinh hạnh được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lao động lần thứ nhất.

Tôi hỏi, cụ còn nhớ những lần gặp bác Phạm Văn Đồng không? “Răng mà không nhớ!”-ông trả lời. Sau một lát nhìn ra ngoài trời có vẻ suy tư, rồi ông bắt đầu kể: “Thời điểm đó máy bay Mỹ đang bắn phá Hà Nội rất ác liệt, nhưng một hôm có công việc của nông trường tôi phải về Hà Nội để giải quyết! Trong đêm đó tui nhận được lệnh đến gặp cụ (ý nói bác Phạm Văn Đồng- PV). Đặc biệt lần đó tui còn được gặp Bác Hồ. Sau này tui gặp cụ Đồng hoài! Cụ thương tui như con trong gia đình! Tui cũng quý cụ như người cha! Tui nhớ từng lời khuyên của cụ: “Cháu phải chăm lo sức khoẻ và chăm học. Vì khi đó tui phải còn đi học cái chữ! Ngày xưa nghèo quá đi ở đợ làm gì được học! Cụ còn động viên, mua xe đạp, sách vở, giấy bút cho tui…!”, đôi mắt cụ rớm lệ.

Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, một năm sau, chính phủ và nhân dân Ấn Độ tặng Việt Nam 502 con trâu Mura, số trâu này được đưa về nuôi lấy sữa tại Trung tâm Nghiên cứu trâu sữa, thuộc Viện Chăn nuôi, đóng ở xã Lai Khê, huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé (cũ). Ông được điều vào đây để chăm sóc đàn trâu này, đó là năm 1976. Vốn bản chất là con người chịu thương, chịu khó, làm việc gì cũng tận tâm, tận lực, ông đã cùng đồng nghiệp nhân giống, phát triển đàn trâu này rất thành công. Ông cho biết: “Từ 502 con ban đầu, một thời gian ngắn chúng tui đã nhân giống, phát triển lên thành 2.400 con. Miền Đông Nam bộ khi ấy tràn ngập trâu sữa Mura. Trâu Mura không chỉ phục vụ cho việc lấy sữa mà có thể kéo cày mạnh mẽ, bà con nông dân vô cũng phấn khởi” Công lao đó đã được Nhà nước ghi nhận và ông đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động lần thứ 2.

Vĩnh biệt người anh hùng

Ông cho biết, trước khi nghỉ hưu ông lại được bác Đồng kêu ra Hà Nội để gặp, đó là năm 1991. Sau khi thăm hỏi và biết dự định của ông là sẽ về quê. Bác Đồng bảo: “Nếu cháu quyết tâm về quê để phát triển chăn nuôi thì hãy giúp luôn cho bác một việc là chăm sóc 15 con trâu Mura mà bác sẽ tặng quê hương cháu có được không nào!” Tất nhiên là ông đồng ý! Vâng lời Thủ tướng, ông đem trâu về quê chăn dắt lấy sữa chưng cách thuỷ rồi tặng cho các cháu trẻ nhỏ chứ không hề bán! Khi đó mỗi ngày vắt trên 80kg sữa và duy trì đến 7 năm liền!

Không phụ sự ân cần của Thủ tướng, ông đã không quãng nắng mưa chăm sóc đàn trâu Mura sinh sôi, nảy nở, sau đó mô hình này được bà con Nghĩa Hành học tập và chỉ một thời gian ngắn đàn trâu Mura đã phát triển đến hàng trăm con, thật sự đem lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân Quảng Ngãi. “Thế rồi ngày 29-4-2000, cụ Đồng đã vĩnh viễn ra đi, cả nước đau buồn, riêng tui ngần ấy tuổi đầu tui cũng khóc nghẹn ngào vì mình đã mất một người cha thân yêu! Tui ra Hà Nội thắp hương cụ mà lòng buồn rười rượi, sau này hằng năm đến ngày giỗ của cụ tôi đều vào nhà thờ Thủ tướng ở Mộ Đức để thắp nén nhang tưởng nhớ người mình kính yêu! Một thời đã qua và tui mãi mãi nhớ! Nhớ về quãng đời cửa mình, nhớ những ngươì thân yêu, trong đó có cụ Đồng, ơn người tôi mãi mãi không bao giờ quên!”-cụ xúc động!.

Vĩnh biệt người anh hùng chân đất Hồ Giáo - 1

Công việc thường ngày của Hồ Giáo khi còn khỏe là
chăm sóc cho các con trâu Mura.

Từ năm 1991 cho đến ngày ốm đua nằm liệt giường, dù cho nắng hay mưa, ông vẫn cuốc bộ trên con đường quen thuộc. Từ nhà lên đến trại chăn nuôi, quãng đường gần 10km, nhưng đôi chân của ông chưa hề biết mõi. Ông cho biết: “Sáng 5 giờ tôi xuất phát, chiều 4giờ 30 tôi lại trở về, tất cả giờ đã quá quen thuộc, quen từ giờ giấc cho đến những nẽo đường đi qua, nhưng quen nhất là mùi trâu, mùi cỏ, nên cho dù nắng hay mưa tôi cũng phải cần mẫn với công việc của mình!”.

Khi đó tôi mạo muội hỏi ông, điều gì làm ông gắn bó với trại chăn nuôi này đến thế! Cụ lại cười! Câu hỏi này cách đây hàng chục năm tôi đã trả lời và được ông Tố Hữu đem vào thơ ca! Rồi ông đọc cho tôi nghe: “Tui hỏi anh có thú vui gì - Anh cười: Thú vui đời đi chăn bò”, giờ không còn bò thì có trâu! Quả thật cái nghiệp này đã đeo đuổi tui cho đến cuối cuộc đời này! Ngày nào tui còn sức là tui còn đi lên đây!” Từ đó tới nay, sáng đi lên trang trại chiều đi về, và khi đến trang trại ông cũng đi, đi để cắt cỏ nuôi trâu, đi để chăm sóc, lo dọn chuồng trại… nếu tính bằng km cũng có thể ông là người đi bộ nhất nước!

Nếu cuộc đời ông chia ra nhiều cung đoạn, thì sau ngày về hưu, tại nơi đây cũng là một trong những quãng thời gian ngọt ngào với ông, mà theo ông: “Đó là cái thú vui rất đồng nội, thơm mùi cỏ và thơm cả… phân trâu! Nhưng quý nhất là mình đã làm được việc có ích, không phụ sự tin tưởng của cụ Đồng là nhân được giống trâu này để đem lại cái lợi cho bà con quê hương!”

Nhưng gia đình ông cũng trãi qua không ít mưa nắng! Cách đây vài năm ông bắt đầu đối diện với khó khăn và tật bệnh. Cái buồn lớn nữa là cho dù ông đam mê với nghề này nhưng hiện tại không ai còn quan tâm tới việc nhân giống trâu Mura này nữa! “Tui không sợ vì mất việc làm nhưng rât tiếc vì món quà cụ Đồng tặng quê hương có thể vì thế mà không còn nữa!”

Gần 20 năm, kể từ ngày về hưu ông đã gắn bó với nơi này. Trước khi chia tay, tôi cùng ông bước ra chuồng trâu, những con trâu thấy chủ, khua sừng mừng rỡ, chạy đến bên ông nó thật hiền! Trong lúc ông cho nó ăn, dùng tay xoa đầu nó tôi còn nghe được câu nói: “Tau với chúng mày còn sống được bên nhau bao ngày nữa!”. Tôi nghe mà lòng cũng thấy buồn rười rượi!

Chia tay cụ trong một buổi chiều mưa! Hình ảnh người anh hùng áo vải, có khuôn mặt phúc hậu, hiền từ, yêu quý trâu như yêu quý chính cuộc đời mình, khiến tôi mãi mãi không bao giờ quên! Thế mà giờ đây cụ đã ra đi. Quảng Ngãi và cả miền Trung đang mưa nhu tiếc thương người anh hùng chân đất một đời vì dân đã vĩnh biệt cõi trần. Còn tôi viết những dòng này xin như một nén tâm nhang tiễn đưa cụ về nơi yên nghĩ cuối cùng!

TẤN THÀNH