Hội nhập kinh tế: Lợi cho người tiêu dùng
Hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, thịt sạch nhập khẩu giá lại rẻ sẽ được nhập về, tạo động lực đẩy lùi những thứ thực phẩm mất vệ sinh an toàn nói trên, chuẩn mực tiêu dùng sẽ được xác lập tiến bộ. Cái lợi này mọi người tiêu dùng dù nghèo đến đâu cũng đều được chia sẻ.
Ảnh minh họa.
Nhiều người ví von rằng, đất nước chuẩn bị “ra biển lớn lần 3” bằng việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Lần thứ nhất là tiến hành công cuộc đổi mới từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập mang lại thành tựu to lớn. Lần ra biển lớn tiếp đó là gia nhập WTO cách nay 8 năm. Những lần “ra khơi” của nền kinh tế đất nước luôn tác động trực tiếp đến lợi ích thụ hưởng của người dân, người tiêu dùng cả nước.
Ngay khi còn trong giai đoạn đàm phán TPP, giới chức quản lý, các nhà kinh tế, nhà doanh nghiệp đã có tiếng nói của họ cả về cơ hội lẫn thách thức. Còn người tiêu dùng nghĩ gì? Họ không có chuyên môn kinh tế, cũng không phải những người bị tác động mạnh như giới sản xuất kinh doanh.
Người tiêu dùng dĩ nhiên chỉ quan tâm chủ yếu đến những lợi thiết thân trong quá trình thực hiện quyền tiêu dùng của mình, và cái quyền đó đang kỳ vọng được gia tăng sự bảo đảm một khi đất nước là thành viên TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN tới đây. Những lợi ích cụ thể nhất đến với người tiêu dùng trong tương lai gần sẽ là gì?
Vào TPP, đại đa số người tiêu dùng Việt Nam hiện vẫn có thu nhập thấp sẽ hưởng cái lợi thiết thân nhất trong lĩnh vực tiêu thụ sữa, một nhu cầu bức thiết sau cơm gạo.
Trước đến nay họ mua sản phẩm quan trọng sau lương thực này dưới áp lực chẳng khác “tính độc quyền nhóm” của các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối sữa. Nhiều thủ tục, thuế, cùng các tầng nấc lợi nhuận, lợi ích trên con đường đưa hàng hóa đến thị trường trong nước đã khiến giá sữa bị đội lên cao, và những thương hiệu sữa của Mỹ, châu Âu luôn trở nên cao xa với người nghèo.
Rồi đây, người già, trẻ em Việt Nam sẽ có cơ hội dùng sữa của Australia, New Zealand, Ireland vốn là những nước phát triển về sản phẩm này, do thuế suất giảm đến mức bằng 0%. Giá sữa ngoại chắc chắn sẽ rẻ hơn nhiều, hy vọng nó không còn được xem là sản phẩm “độc tôn” chỉ đối với những người giàu có.
Hội nhập ra biển lớn để mở ra những vận hội mới cho sự phát triển của đất nước. Cái đích của sự phát triển sẽ được cụ thể hóa bằng việc bảo đảm quyền lợi thiết thân của các tầng lớp nhân dân. Người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp sẽ sớm được thấy đời sống tốt hơn trước.
Ngay ở thời điểm này, thiểu số người giàu có ở đô thị sử dụng thịt bò Úc, thịt gà Mỹ là thực phẩm sạch. Trong khi hàng chục triệu người còn lại vô hình trung vẫn phải tiêu dùng một cách “cầu may” mỗi lần ra chợ với việc mua trúng cả thịt nhập lậu rất kém vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tế thịt xuất xứ từ những lò mổ thủ công tại các vùng ngoại ô vẫn quá thiếu điều kiện vệ sinh và kiểm soát thú y khi vào đô thị. Thịt có lý lịch mờ ám ấy, bẩn như thế nào, nguy hại cho sức khỏe ra sao, nhiều người tiêu dùng biết nhưng thu nhập thấp nên rất khó có sự chọn lựa hàng hóa khác tốt hơn vì giá cao.
Rồi đây, thịt sạch nhập khẩu giá lại rẻ sẽ tạo động lực đẩy lùi những thứ thực phẩm mất vệ sinh an toàn nói trên, chuẩn mực tiêu dùng sẽ được xác lập tiến bộ. Cái lợi này mọi người tiêu dùng dù nghèo đến đâu cũng đều được chia sẻ. Gia nhập TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN tác động trực tiếp làm lành mạnh hóa thị trường.
Một sản phẩm khác quan trọng hơn cả cái ăn là dược phẩm chữa bệnh. Cách nay chỉ vài năm, có thống kê cho biết giá thuốc chữa bệnh ở Việt Nam thuộc loại cao trên thế giới. Sự tồn tại hai thị trường thuốc nhập ngoại và thuốc sản xuất trong nước, trong khi người nghèo ngập ngụa trong khó khăn mỗi khi bị bệnh tật và phải chịu mức chênh lệch về giá của hai dòng thuốc nội và ngoại nhập.
TPP cũng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN là thị trường lớn có luật lệ khắt khe, quan hệ thương mại sòng phẳng nghiêm túc. Tham gia TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN mang đến nhiều vận hội mới và không ít thách thức gay gắt đối với nền kinh tế đất nước. Nhưng, đất nước “ra biển lớn lần 3” này, kỳ vọng của hàng chục triệu người tiêu dùng không chỉ là một viễn cảnh xa xôi.
Luật chơi mới hứa hẹn cơ hội tiệt trừ lối làm ăn chụp giật, tung hàng gian lận, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan thị trường đi dần vào quá khứ.
Với đại đa số người tiêu dùng hiện đang được đứng trước cơ hội được bảo đảm tốt hơn quyền năng sử dụng hàng hóa, dịch vụ có chất lượng phù hợp với chi phí mà họ đã bỏ ra.