Nỗ lực phục dựng nhà Lang
Đúng 2 năm trước, tháng 10-2013, ngôi nhà Lang duy nhất của người Mường ở Hòa Bình đã bị cháy khiến người ta tiếc nuối vì một di sản quý đã không còn nữa. Nhưng quan niệm của người Mường, trong ngôi nhà quan trọng bậc nhất là cái cột. Cột còn thì có nghĩa ngôi nhà còn. Từ suy nghĩ ấy, họa sĩ Vũ Đức Hiếu - Giám đốc Bảo tàng Không gian văn hóa Mường đang nỗ lực phục dựng lại ngôi nhà Lang truyền thống.
Những gì còn sót lại của ngôi nhà Lang bị cháy cũng được nâng niu
Ngôi nhà Lang hơn 100 tuổi là công trình kiến trúc nguyên bản của gia đình quan Lang - tầng lớp cao nhất trong xã hội người Mường. Họa sĩ Vũ Đức Hiếu cho biết, trong quá trình đi sưu tập những vật dụng truyền thống của người Mường ở Hòa Bình, khi đến Mường Chậm, anh đã nhiều lần đến với ngôi nhà Lang này.
Mường Chậm là một trong những mường cổ của xứ Mường Bi (nay là huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình). Con cháu của Lang là một bà cụ đã ngoài trăm tuổi, ngôi nhà có cách đó 4-5 đời, ước tính hơn 100 năm tuổi. Anh mơ ước đưa được ngôi nhà này đặt trong không gian Bảo tàng của mình ở số 202 đường Tây Tiến, phường Thái Bình, TP Hòa Binh.
Suốt thời gian qua, Vũ Đức Hiếu đã rất nỗ lực để phục dựng lại ngôi nhà Lang của người Mường. Rất may, anh nhận được sự ủng hộ, sẻ chia từ những người cùng làm văn hóa, đặc biệt là giới nghệ sĩ, họa sĩ.
Người ta còn nhớ, trên nền của những tàn than, của những cột kèo cháy xém, một sự kiện nghệ thuật đương đại được tổ chức. “Ký ức nhà Lang” dựa trên nền ý tưởng và câu chuyện về ngôi nhà Lang: nguồn gốc, lịch sử, giá trị kiến trúc, giá trị văn hóa, ký ức và kỷ niệm của nó trong lòng du khách, người dân, và những di vật - những gì còn sót lại của nhà Lang sau đám cháy ngày 24-10-2013. Chương trình gồm các hoạt động sáng tác, thể nghiệm và trưng bày nghệ thuật đương đại. Hoạt động chính của chương trình gồm có triển lãm nghệ thuật Sắp đặt (Installation), nghệ thuật Địa hình (Site-specific), Sắp đặt Video và Âm thanh, và triển lãm ảnh “Ký ức nhà Lang” - kể lại câu chuyện bằng hình ảnh ngôi nhà Lang từ khi khởi dựng tại bảo tàng Không gian Văn hóa Mường tới khi bị thiêu hủy.
Các nhà điêu khắc Đào Châu Hải, Nguyễn Ngọc Lâm, Thái Nhật Minh, Phạm Thái Bình, nghệ sĩ Media Nguyễn Quang Tuyến, nghệ sỹ Thị giác người Đức Kai Hügel, nhóm nghệ sỹ Thị giác từ TP.HCM cùng một số người khác đã tham gia sự kiện ý nghĩa này.
Rồi sau đó, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một triển lãm ảnh khác cũng lại được mở ra. Hiếu đặt tên triển lãm ấy, đã cài đặt ngay một hi vọng : “Giấc mơ hồi sinh”. Đến với triển lãm, người ta không chỉ để xem những bức ảnh đa dạng, mà còn có thể mua các sáng tác này. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng đã nhói lòng với “thảm kịch nhà Lang cháy”, muốn chung tay với Vũ Đức Hiếu. Tiếp đó là chương trình “Giai điệu núi đồi”…
Hiện giờ, được sự ủng hộ của các họa sĩ đương đại, Vũ Đức Hiếu đang có trong tay 54 tác phẩm hội họa, điêu khắc. Họ tặng Hiếu, vì cũng mong muốn sớm được nhìn thấy ngôi nhà Lang – một báu vật của người Mường Chậm – được sống lại. Vũ Đức Hiếu đã nhận lấy thịnh tình đó, anh mong muốn những tác phẩm ấy sẽ được công chúng đón nhận và sở hữu chúng. Để từ đó, quỹ phục dựng nhà Lang lớn dần, đủ để bắt tay làm sống lại ngôi nhà Lang truyền thống.
Hỏi Hiếu, bao nhiêu tiền thì đủ để dựng lại nhà Lang? Hiếu bấm đốt ngót tay nhẩm tính: Khoảng 500-600 triệu đồng. Số tiền ấy không quá lớn với các doanh nghiệp. Nhưng nó rất lớn với một nghệ sĩ lập Bảo tàng tư nhân như Hiếu. Nhưng anh vẫn tin, cộng động sẽ giúp anh có thể dựng lại ngôi nhà Lang trong thời gian tới.
Với 8 chiếc cột còn lại, Vũ Đức Hiếu tin rằng khi phục dựng lại ngôi nhà Lang này, cái hồn của ngôi nhà sẽ vẫn còn giữ được. Đó là chưa kể, theo Hiếu, anh còn nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời từ những người thợ mộc của xứ Mường. “Chúng tôi đã mời các chuyên gia văn hóa và những người thợ dựng nhà Lang nổi tiếng ở Hòa Bình đến khảo sát và đi đến thống nhất: sẽ xây dựng ngôi nhà Lang mới trên cơ sở tận dụng tất cả những gì còn sót lại, có thể sử dụng được từ ngôi nhà bị cháy”, họa sĩ Vũ Đức Hiếu nói.
Họa sĩ Trần Thị Thu: “Nhà Lang vẫn mang ý nghĩa văn hóa, xã hội quan trọng”
Sau nhiều năm sống và làm việc ở vùng Tây Bắc, lại qua thời gian cộng tác sáng tác tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, tôi càng hiểu sâu hơn về ngôi nhà Lang và vị trí của nó trong xã hội Mường truyền thống. Dù ngày nay mô hình xã hội Mường cũ đã thay đổi, nhưng trong người dân Mường ở Hòa Bình và những vùng lân cận, nhà Lang vẫn được tôn trọng như một di sản giàu ý nghĩa văn hóa, xã hội. Việc dựng lại nhà Lang ở Bảo tàng Không gian văn hóa Mường là cần thiết. Sự đóng góp của mỗi người cũng vậy, dù là những họa sĩ danh tiếng với những bức tranh giá trị lớn, hay những người hỗ trợ 50 nghìn, 100 nghìn đồng… Điều đó sẽ làm giàu thêm cho không gian này về ý nghĩa văn hóa, ý nghĩa xã hội, làm giàu thêm cho câu chuyện nhà Lang đang được kể tiếp bằng những người hôm nay, gửi cho những thế hệ sau.