Đoàn kết nhân dân làm những việc ích nước, lợi nhà

Dạ Yến - Vũ Mạnh (thực hiện) 17/10/2015 07:20

Hôm nay, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị biểu dương 260 Chủ tịch Mặt trận xã, phường, thị trấn tiêu biểu trên toàn quốc giai đoạn 2010-2015. Khẳng định trước thềm Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, lực lượng cán bộ Mặt trận ở 11.100 xã, phường, thị trấn trên cả nước có vai trò vô cùng quan trọng. Thông qua họ, Mặt trận đã hiện thực hóa được chức năng khơi dậy lòng yêu nước, vận động, tập hợp nhân dân để làm những việc ích nước, l

Đoàn kết nhân dân làm những việc ích nước, lợi nhà

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam
Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh:
Hoàng Long

Ba việc lớn của Mặt trận

PV: Thưa Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, với tư cách là người đứng đầu Mặt trận, Chủ tịch đánh giá thế nào về vai trò và những đóng góp của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận tại xã, phường, thị trấn trên cả nước trong 5 năm qua?

Chủ tịch NGUYỄN THIỆN NHÂN:MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, để làm trách nhiệm và quyền hạn mà Hiến pháp đã giao cho Mặt trận cũng như các nghị quyết của Đảng đã giao cho Mặt trận.

Lịch sử 85 năm cũng đã khẳng định nhiệm vụ đầu tiên của Mặt trận là tập hợp đoàn kết nhân dân chung sức đồng lòng để đấu tranh giải phóng dân tộc theo sự lãnh đạo của Đảng.

Cho đến bây giờ, ý nghĩa đó vẫn rất quan trọng trong công tác Mặt trận, đó là khơi dậy lòng yêu nước. Chính vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của công tác Mặt trận là khơi dậy lòng yêu nước trong các tầng lớp nhân dân để tạo nên một sức mạnh tinh thần cho đất nước chúng ta làm nhiều việc khác nhau trong từng giai đoạn.

Chức năng thứ hai của Mặt trận là tập hợp đoàn kết nhân dân làm những việc ích nước, lợi dân, lợi nhà. Và càng ngày càng thấy rõ ràng Mặt trận có chức năng thứ ba là góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Có thể nói khái quát đó là 3 việc lớn Mặt trận cần làm.

Muốn khơi dậy lòng yêu nước thì phải nói chuyện, phải đối thoại, phải gợi mở phải nhớ lại chỗ nào gặp được dân, nói chuyện với dân nhiều nhất thì ở đó mới khơi dậy lòng yêu nước. Muốn tập hợp đoàn kết nhân dân thì phải cùng bàn, chúng ta nên làm gì, làm như thế nào ở xã, phường, quận, huyện cả nước thì nơi tập hợp đó chính là địa bàn dân cư.

Chính vì vậy phải khẳng định, lực lượng cán bộ Mặt trận ở 11.100 xã, phường, thị trấn cả nước có vai trò vô cùng quan trọng. Chính họ, thông qua họ mới hiện thực hóa được chức năng của Mặt trận, khơi dậy và giáo dục lòng yêu nước, vận động tập hợp nhân dân để làm những việc ích nước, lợi nhà. Và ngày nay để góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh thì phải làm ở nhiều cấp nhưng nơi gần dân nhất có thể làm nhân dân vui nhất, hài lòng nhất nhưng cũng có thể làm nhân dân buồn nhất chính là cấp phường xã.

Ở đấy Mặt trận phường, xã góp phần rất quan trọng tạo cầu nối giữa chính quyền, cơ sở đảng với nhân dân. Chính vì đặc điểm gần dân, lắng nghe dân, đối thoại với dân như vậy, Mặt trận có một cấp tổ chức nữa mà không tổ chức nào có, đó là ở dưới phường xã có Ban Công tác Mặt trận (CTMT) ở khu dân cư.

Cả nước có hơn 100 nghìn Ban CTMT ở khu dân cư, đây là lực lượng gần dân nhất và chỗ dựa của các Ban CTMT ở khu dân cư chính là MTTQ xã phường thị trấn. MTTQ phường, xã, thị trấn thông qua đội ngũ các Chủ tịch UBMTTQ có vai trò rất quan trọng để Mặt trận làm được ba chức năng là khơi dậy lòng yêu nước, tổ chức nhân dân tự quản và góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Những người làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã, phường, thị trấn có một số là công chức nhưng cũng có một số người đã về hưu, là cựu chiến binh, gắn bó với Mặt trận nên rất đáng trân trọng.

Với những đóng góp bền bỉ ấy, không có lời khen nào, lời cảm ơn nào là đủ đối với lực lượng cán bộ Mặt trận ở xã, phường, thị trấn và khu dân cư. Thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn và Ban CTMT khu dân cư các thế hệ.

Làm cho cuộc sống bình yên

Xin Chủ tịch cho biết hiệu quả hoạt động của UBMTTQ cấp xã, phường, thị trấn trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát và phản biện xã hội trong thời gian qua như thế nào?

Chủ tịch NGUYỄN THIỆN NHÂN: Ở cơ sở có rất nhiều việc nên Mặt trận làm gì để góp phần cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh đều tốt cả. Mặt trận tham gia từ việc vận động người dân có ý thức tự thoát nghèo, hỗ trợ nhau giảm nghèo, đến việc bằng sức của mình để tập hợp đoàn kết lo trật tự trị an địa bàn dân cư. Hay bằng việc tự sức mình giám sát và có biện pháp để cải thiện môi trường tốt hơn, tổ chức lực lượng hoạt động duy trì văn hóa ở địa phương...

Đối với lĩnh vực xây dựng chính quyền cơ sở, cơ sở yên, chính quyền mới yên. Nếu mọi việc cứ giao hết cho chính quyền xử lý thì rất nhiều. Trong khi đó, Mặt trận có một chức năng rất hay là công tác hòa giải, có Ban hòa giải ở cơ sở. Theo báo cáo, hàng năm, bình quân các ban hoà giải ở một xã, phường, thị trấn, hòa giải thành công từ 50 đến 150 trường hợp. Nếu nhân ra với 11.100 phường xã, thị trấn, các ban này đã làm được rất nhiều việc. Và chính nhờ hoạt động hòa giải này đã góp phần làm cho cuộc sống bình yên.

Ở cơ sở, Mặt trận còn có Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, giám sát những công trình được xây dựng tại địa phương bằng ngân sách nhà nước hoặc có kinh phí địa phương. Qua báo cáo, bình quân một tỉnh một năm, các Ban giám sát này đã thực hiện giám sát vài nghìn dự án và kết quả là từ 60 đến 70% có ý kiến và có khắc phục nếu có sai phạm. Ngoài ra, ở cơ sở còn có Ban Thanh tra nhân dân và ở nhiều nơi, Mặt trận đã phối hợp làm cả hai ban này.

Có thể nói, thông qua đây Mặt trận ở xã, phường, thị trấn đã góp phần làm cho những điều chưa hài lòng, những bức xúc nho nhỏ ở cơ sở được giải quyết kịp thời, góp phần tạo sự đồng thuận bình yên trong xã hội. Bên cạnh đó Mặt trận cũng có vai trò quan trọng trong việc tập hợp ý kiến người dân đóng góp ý kiến với những người được dân cử trong bộ máy chính quyền, cấp ủy đảng ở cơ sở. Chúng tôi cho rằng đó là mặt đóng góp tích cực của Mặt trận với xây dựng Đảng, chính quyền ở cơ sở.

Chọn khâu đột phá để phát huy sức mạnh nhân dân

Để phát huy vai trò của MTTQ cấp xã phường thị trấn, xin Chủ tịch cho biết việc phối hợp Mặt trận với chính quyền, các tổ chức thành viên cần thực hiện như thế nào trong thời gian tới?

Chủ tịch NGUYỄN THIỆN NHÂN: Chúng ta thấy Mặt trận làm nhiều việc ở cơ sở nhưng cũng có rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi cũng suy nghĩ là nên chọn khâu nào là khâu đột phá để phát huy được sức mạnh của nhân dân ở cơ sở.

Một xã có khoảng trên dưới 20 người làm cán bộ công chức nhưng có hàng nghìn dân, có hàng nghìn cặp mắt. Nếu việc tốt người dân nhìn thấy và người ta khẳng định thì mình yên tâm nhưng việc nào chưa tốt thì ta phải góp phần nói lên tiếng nói này.

Vừa qua theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ bắt đầu triển khai việc đánh giá sự hài lòng của người dân với sự phục vụ của chính quyền ở xã, phường, quận, huyện với 6 dịch vụ công. Và khi Thủ tướng có chủ trương đó, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, tôi đã đề nghị để Mặt trận cùng tham gia nhằm góp phần cho việc đánh giá này khách quan hơn và Thủ tướng đồng ý. Hiện nay ngành Nội vụ và Mặt trận đang phối hợp triển khai đánh giá hài lòng của người dân ở phường xã quận, huyện tại 20 tỉnh, thành phố.

Chúng ta cũng biết, Mặt trận không có đoàn viên, hội viên nhưng lại có tổ chức thành viên và để thực hiện việc này, Mặt trận mời Hội Cựu chiến binh cùng tham gia vào việc đánh giá sự hài lòng của người dân. Đấy là việc đang làm.

Vừa qua Chính phủ họp và Hội nghị Trung ương 12 có bàn về công tác năm 2016, trong việc cải cách hành chính có đề nghị một nội dung, làm thế nào đánh giá được sự hài lòng của người dân với phục vụ của bộ máy hành chính công chức, coi đây là thước đo quan trọng trong hoạt động của bộ máy chính quyền.

Từ đó MTTQ Việt Nam đang bàn tiếp sau khi tiến hành đánh giá thí điểm năm 2015 ở 20 tỉnh, thành phố thì năm 2016 sẽ làm ở bao nhiêu tỉnh, thành phố và bao nhiêu phường, xã. Tôi cho rằng, nếu có một thông tin định kỳ chính xác về sự hài lòng của người dân ở mỗi một cấp về từng loại dịch vụ công thì chúng ta có cơ sở để bộ máy chính quyền rà soát lại công việc của mình, chỗ nào tốt thì khẳng định mạnh mẽ đã làm tốt còn chỗ nào hạn chế phải khắc phục.

Vừa qua một số địa phương như Quảng Ninh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội ở cấp huyện, phường đã làm những trung tâm phục vụ hành chính công. Như ở Quảng Ninh họ có bảng phân loại mỗi người dân sau khi được phục vụ sẽ ấn nút đánh giá việc phục vụ họ hài lòng đến đâu, không hài lòng đến đâu và cập nhật kết quả đó hàng ngày. Từ kết quả này sẽ có sự xếp hạng sở nào phục vụ tốt. Theo hướng này, Mặt trận sẽ bàn với các đoàn thể để từ năm 2016, việc đánh giá sẽ được triển khai rộng hơn, có chiều sâu hơn làm cơ sở để Mặt trận cùng các tổ chức kiến nghị hoàn thiện việc quản lý hành chính công, phục vụ người dân.

Đoàn kết nhân dân làm những việc ích nước, lợi nhà - 1

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
thăm hỏi và động viên xã viên tại HTX dịch vụ thủy sản Hoằng Phong,
huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Ghi nhận xứng đáng đóng góp của người Mặt trận

Trong giai đoạn mới, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, xin Chủ tịch cho biết MTTQ Việt Nam có chủ trương và những giải pháp nào về đào tạo bồi dưỡng cán bộ Mặt trận cơ sở cũng như giải quyết chính sách để họ yên tâm công tác?

“Không có lời khen nào, lời cảm ơn nào là đủ đối với lực lượng cán bộ Mặt trận ở xã, phường, thị trấn và khu dân cư. Thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới Chủ tịch UBMTTQ xã, phường, thị trấn và Ban CTMT khu dân cư các thế hệ.”

Chủ tịch NGUYỄN THIỆN NHÂN: Trong một lần gặp mặt những cán bộ Mặt trận tiêu biểu ở khu dân cư tại TP Hồ Chí Minh, tôi được biết, hầu hết những cán bộ Mặt trận này đều có tuổi từ 45 trở lên, trong đó đa phần là từ 60 đến 70 tuổi. Rất nhiều bác gắn bó với công tác Mặt trận 10 năm, 20 năm ở khu dân cư nhưng hầu như không có phụ cấp trách nhiệm. Vì vậy, điều mà các bác mong mỏi nhất là những đóng góp của mình được ghi nhận.

Với những mong muốn này, Mặt trận luôn suy nghĩ trăn trở. Trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc Mặt trận là một ví dụ. Những năm trước, Mặt trận tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương nhưng hạn chế số lượng theo từng tỉnh thành, trong khi đó, Kỷ niệm chương có tiêu chuẩn chứ không hạn chế số lượng.

Từ thực tiễn đó năm vừa qua, MTTQ đã họp bàn và quyết định từ năm 2014 trở đi phải thay đổi cách tặng Kỷ niệm chương với những người đủ tiêu chuẩn, không hạn chế về số lượng.

Chúng tôi cho rằng, việc làm đó rất được hoan nghênh. Mọi năm Mặt trận cả nước chỉ xem xét và tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết cho cán bộ Mặt trận ở cơ sở khoảng vài ba nghìn người nhưng từ năm 2014 đến nay đã xét 14 nghìn Kỷ niệm chương. Đây là những trường hợp tồn đọng từ những năm trước và phải trao kịp thời vì các bác cũng đã già yếu lắm rồi.

Việc quan tâm tới các chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, thực tế, theo tôi, việc đầu tiên là phải ghi nhận tinh thần xứng đáng với những người đã có đóng góp, vì lòng yêu nước, vì sự nghiệp xây dựng đất nước ở cơ sở.

Thứ hai, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi luôn giới thiệu những tỉnh, thành phố có cách làm hay trong việc quan tâm đến công tác Mặt trận và vận động quần chúng. Đó là các tỉnh, thành phố có sự bàn bạc trong cấp ủy HĐND để làm sao có phụ cấp cho những người kiêm nhiệm làm công tác Mặt trận và đoàn thể ở khu dân cư.

Thẩm quyền quyết định việc này là chính quyền địa phương chứ Chính phủ không giao mức cụ thể. Trong những cuộc họp tại các tỉnh, địa phương, bao giờ chúng tôi cũng hỏi phụ cấp trách nhiệm của trưởng ban CTMT là bao nhiêu và trao đổi để các đồng chí lãnh đạo địa phương cân nhắc thêm.

Thông thường phụ cấp trách nhiệm cho các trưởng ban CTMT là từ 0,5 đến 1 có nơi dưới 0,5. Với hơn 11.100 phường xã và hơn 100 nghìn ban CTMT ở khu dân cư, tôi cho rằng, chúng ta cần làm tốt làm cả hai phần hỗ trợ, đó là điều kiện kinh phí và động viên tinh thần kịp thời.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận, chúng ta biết những cán bộ làm Chủ tịch MTTQ phường, xã, thị trấn hay trưởng ban CTMT ở khu dân cư đều xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có người là nông dân, có người là cán bộ phụ nữ chuyển sang, có người là cựu chiến binh, có người trong ban chủ nhiệm HTX và đặc biệt trong đó có nhiều Chủ tịch MTTQ xã là người có đạo. Đây là những người có kinh nghiệm vận động quần chúng nhất định, nhưng ít qua trường lớp.

Cách bồi dưỡng tốt nhất trước hết là ở địa phương mà các tỉnh họ đều làm đó là ban hành những cuốn sổ tay công tác Mặt trận cho phường, xã, khu dân cư hướng dẫn những loại hình cơ bản và chương trình công tác năm.

Thứ hai là họ có tập huấn ngắn hạn như tập huấn ở cấp quận, mời cán bộ Mặt trận cấp phường, xã, khu dân cư tập huấn ngoài phần giới thiệu lý thuyết là phần trao đổi kinh nghiệm. Đây là cách làm hay nhất.

Thứ ba là hàng năm ở địa phương có biểu dương điển hình cán bộ tốt thông qua đó để phổ biến. Và việc MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị biểu dương toàn quốc Chủ tịch Mặt trận xã tiêu biểu trong giai đoạn 2010- 2015 vào ngày 17/10 chính là một dịp để phổ biến kinh nghiệm điển hình.

Kinh nghiệm của công tác Mặt trận ở cơ sở là không nặng quá về trường lớp tập trung mà nên thông qua tình hình thực tiễn.

Lựa chọn cán bộ phải từ hai phía

Mới đây tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam lần thứ 6, khoá VIII góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội 12 của Đảng nhiều ý kiến có đề nghị, Dự thảo văn kiện cần có nội dung tăng cường vai trò của Mặt trận để Mặt trận thực sự đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Muốn Mặt trận mạnh phải có cán bộ ngang tầm, cán bộ yếu kém thì không phát huy vai trò của Mặt trận. Ý kiến của Chủ tịch về vấn đề này như thế nào?

Chủ tịch NGUYỄN THIỆN NHÂN: Tôi cho rằng khi đóng góp ý kiến vào văn kiện xây dựng Đảng mà là góp ý của những người làm công tác Mặt trận thì có thể bị thiên vị, nhưng đây là thiên vị có lợi. Người Mặt trận thì phải nói nhiều về Mặt trận làm sao vai trò của Mặt trận ngày càng hiệu quả và thực chất hơn trong xã hội.

Chúng ta biết, để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII vào năm 2014, trước đó Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị số 25 về việc lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2014 - 2019) trong đó việc lựa chọn cán bộ làm công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ tới ở phường, xã, quận, huyện, tỉnh phải lựa chọn những đồng chí có năng lực, đặc biệt có tâm huyết để làm công tác Mặt trận và cơ cấu vào lãnh đạo cấp ủy địa phương. Qua đánh giá chúng tôi thấy hết năm 2014, tỷ lệ cán bộ Mặt trận tham gia thường vụ ở quận, huyện và tỉnh thành là cao hơn trước.

Tuy nhiên, việc lựa chọn cán bộ phải từ hai phía. Chúng ta chọn cán bộ tốt, có năng lực tham gia công tác Mặt trận nhưng đồng thời cấp ủy Đảng phải tiếp tục quan tâm tạo cơ chế để tăng cường sự lãnh đạo.

Ví dụ ở nhiều địa phương, cấp tỉnh cấp huyện đề xuất định kỳ một quý hoặc 6 tháng, người đứng đầu một tỉnh hoặc quận huyện cùng Mặt trận đối thoại với nhân dân và phải tạo cơ chế đó.

Văn kiện Đại hội lần này thực chất đã đặt vai trò Mặt trận đúng vị trí vì đây là văn kiện Đảng đầu tiên sau Hiến pháp 2013, trong đó có phần ghi rất rõ chức năng nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam. Đây cũng là đại hội Đảng sau khi Bộ Chính trị có Quyết định 217, 218 về MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm chức năng giám sát phản biện nên văn kiện đã ghi rất đầy đủ.

Tuy nhiên, với những ý kiến của các đồng chí đã và đang công tác Mặt trận thấy việc này vẫn chưa đạt, chúng ta nên tiếp thu, văn kiện cần viết như thế nào để không phải dài hơn nhưng sâu sắc hơn, rõ hơn về vai trò trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và trách nhiệm của Đảng, chính quyền với MTTQ Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân!

Đoàn kết nhân dân làm những việc ích nước, lợi nhà - 2

Bà Lê Thị Huyền – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa: Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn phải thực sự là người tiêu biểu

Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, MTTQ cấp xã, phường đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội. Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn là người đứng đầu Ủy ban MTTQ cấp xã có vai trò quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của MTTQ cấp mình theo quy định.

Mặt khác, MTTQ Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động; MTTQ không có đoàn viên, hội viên, mà có các thành viên và cá nhân tiêu biểu. Vì vậy, để khẳng định và phát huy vai trò của mình đòi hỏi Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn phải thực sự là người tiêu biểu, có trình độ, năng lực; đặc biệt là kỹ năng phối hợp và vận động quần chúng; đồng thời bản thân họ và gia đình phải là người gương mẫu, tiên phong đi đầu trong các cuộc vận động, phong trào.

Nguyễn Chung

Đoàn kết nhân dân làm những việc ích nước, lợi nhà - 3

Ông Đặng Xuân Hùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định: Không “vững” không thể hoạt động hiệu quả

Những năm qua, các phong trào, cuộc vận động lớn do Mặt trận các cấp xây dựng, phát động được duy trì, thực hiện hiệu quả ở nhiều địa phương của Nam Định. Đặc biệt, đến nay tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực trong xây dựng Nông thôn mới (NTM).

Trong thành tích chung, Mặt trận cơ sở nói chung, các đồng chí Chủ tịch UB MTTQ cấp xã nói riêng đã có những đóng góp quan trọng, nhất là trong việc tuyên truyền, chuyển tải, giúp nhân dân ở nhiều KDC hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, phương châm, cơ chế thực hiện chủ trương lớn, quan trọng này. Không chỉ có vậy, xây dựng NTM có rất nhiều nội dung, phần việc phải làm, nhiều việc rất khó khăn, phức tạp vì liên quan đến trách nhiệm, quyền lợi của nhiều người, việc gì cũng cần phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Nếu cá nhân Chủ tịch UB MTTQ xã, thị trấn không “vững”, Mặt trận cơ sở không “thạo việc” rất khó có thể tuyên truyền, vận động cũng như tổ chức cho nhân dân thực hiện hiệu quả.

Duy Hưng

Đoàn kết nhân dân làm những việc ích nước, lợi nhà - 4

Bà Diêm Hồng Linh, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Giang: Sợi chỉ đỏ gắn kết cộng đồng

Bắc Giang có 230 xã, phường, thị trấn, trong đó 107 cán bộ chủ chốt là nữ, tỷ lệ nữ tham gia uỷ ban MTTQ cấp cơ sở là 26%. Để làm việc có hiệu quả đòi hỏi người cán bộ Mặt trận cơ sở phải nhiệt tình, trách nhiệm, có kiến thức nhất định về các lĩnh vực và am hiểu sâu sắc các đối tượng, nói đi đôi với làm, trung thực, biết giữ nguyên tắc, đồng thời mềm dẻo trong từng công việc cụ thể, biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân bằng thái độ kiên trì, chân thành, thuyết phục, có lý, có tình.

Nói vậy để thấy rằng, là cán bộ Mặt trận cơ sở đã khó, cán bộ Mặt trận cơ sở là nữ còn khó hơn nhiều. Những kết quả khá phấn khởi trong công tác Mặt trận tỉnh Bắc Giang thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của cán bộ nữ Mặt trận, nhất là những chị ở cương vị Chủ tịch Mặt trận xã, phường, thị trấn. Dù mỗi người một điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, song họ đều có một điểm chung, đó là luôn gắn bó với công tác Mặt trận, gần gũi với nhân dân, làm sợi chỉ đỏ gắn kết cộng đồng.

N. Phượng

Dạ Yến - Vũ Mạnh (thực hiện)