Lễ hội ở Ném Thượng: Điều chỉnh để bảo tồn
Sở VHTT&DL Bắc Ninh mới đây có văn bản gửi Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) về việc quản lý và tổ chức lễ hội Ném Thượng năm 2016. Theo đó, ở mùa lễ hội tới đây, người dân Ném Thượng vẫn duy trì nghi thức chém lợn, nhưng sẽ thực hiện ở khu vực riêng, kín đáo.
Nghi thức chém lợn làng Ném Thượng.
Quyết định duy trì nghi thức hội làng truyền thống được đưa ra sau hội nghị của UBND phường Khắc Niệm - TP Bắc Ninh (ngày 16/9 vừa qua) với sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể ở Ném Thượng, lãnh đạo Sở VHTT&DL và UBND tỉnh Bắc Ninh.
Theo Sở VHTT&DL Bắc Ninh, trước đó trong tháng 8/2015 Sở đã chỉ đạo phường Khắc Niệm và khu phố Ném Thượng tổ chức cuộc tọa đàm “Công tác quản lý và bảo tồn di tích lịch sử văn hóa đình Ném Thượng”.
Trọng tâm của cuộc tọa đàm này nhằm thảo luận về việc tổ chức hội làng, cũng như duy trì nghi lễ truyền thống của lễ hội. Khi ấy, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên gia di sản đã tham gia cuộc thảo luận này. Họ cùng thống nhất với người dân làng Ném Thượng rằng, lễ hội truyền thống có từ lâu đời, là di sản của dân tộc, phải được bảo tồn và phát huy giá trị.
Dẫu vậy cùng với dòng chảy của cuộc sống, lễ hội cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Vì thế, hội làng Ném Thượng năm 2016 vẫn tổ chức bình thường, tất cả các nghi thức truyền thống cần được bảo tồn và gìn giữ. Song nghi thức chém lợn giữa sân đình cần phải thực hiện ở khu vực riêng, kín đáo.
Để chuẩn bị cho mùa lễ hội năm 2016, trong tháng 11 tới UBND phường Khắc Niệm sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết và tăng cường biện pháp quản lý đối với lễ hội Ném Thượng và các lễ hội khác trên địa bàn.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Vương Duy Bảo- Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho hay, ông ủng hộ việc duy trì nghi lễ truyền thống. Dẫu vậy thời gian qua, không riêng gì ở hội làng Ném Thượng mà ở nhiều lễ hội khác người ta đã làm sai lệch ý nghĩa của những nghi lễ thiêng liêng thông qua hình thức “phô” và “diễn” để thu hút khách thập phương, thương mại hóa lễ hội.
Nếu hiểu theo ý nghĩa tâm linh, những nghi thức hội làng truyền thống xưa chỉ gói gọn trong phạm vi một cộng đồng cư dân nhất định thì mới thiêng. Vì thế rất cần phải hiểu đúng và điều chỉnh lại nghi lễ chém lợn Ném Thượng mà lâu nay vẫn diễn ra.
Chúng tôi cũng đã có dịp trao đổi với GS.TS Nguyễn Chí Bền xung quanh việc thực hành nghi lễ trong các lễ hội truyền thống hiện nay. Ông chia sẻ, vấn đề là chúng ta phải thay đổi mô hình tổ chức lễ hội, chứ không phải là việc đưa ra những mệnh lệnh hành chính để cấm cái nọ, cấm cái kia. Như thế không ăn thua gì cả.
Tín ngưỡng luôn bị tác động bởi 2 xung lực: Một bên là sự dội xuống từ phía chính quyền- ở bất kỳ thời kỳ xã hội nào và một bên là sự đẩy lên của người dân. Và kinh nghiệm từ các nước cũng cho thấy, không thể dùng mệnh lệnh hành chính từ chính quyền để gây sức ép lên các nghi lễ truyền thống. Nếu nhìn ở những góc tiếp cận khác nhau thì sẽ có nhiều quan điểm rất khác nhau.
Trong trường hợp lễ hội chém lợn làng Ném Thượng, nếu tiếp cận từ góc nhìn như Tổ chức Bảo vệ động vật châu Á thì họ sẽ thấy đó là man rợ. Nếu tiếp cận dưới góc độ là nghi lễ truyền thống thì sẽ nhìn nhận thấy: nghi lễ chém lợn chỉ là việc diễn ra ở một thời khắc nhất định, một không gian nhất định. Ở đây người ta đang mổ con lợn để lấy phần ngon nhất dâng lên cúng Thành hoàng làng.
Tương tự như vậy, hội chọi trâu Đồ Sơn hiện nay đang bị hiểu nó lệch dần, và bây giờ họ coi đó là trò vui. Nếu hiểu đó là trò vui, thì người ta sẽ bảo là sao mà con người dã man với con trâu quá. Nhưng thực chất nghi lễ của chọi trâu Đồ Sơn là người ta mang con trâu thắng trận xuống bè ra chỗ Hòn Dáu, thả trâu ấy xuống đó để tế thần. Đâu phải như hiện nay là đưa trâu thắng trận lên bục, đeo băng đỏ rồi sau đó giết thịt…
Trên thực tế hiện nay có nhiều nghi lễ hiến sinh đang được “phát huy” theo hướng diễn cho khách du lịch xem, nên mới gây nhiều tranh cãi trong dư luận- ông Bền nhấn mạnh. Vì thế, tới đây nếu Bộ VHTT&DL tiến hành qui hoạch lễ hội tới năm 2030, thì cần qui hoạch những lễ hội mới phát sinh dưới dạng những liên hoan Festival, Carnaval… còn lễ hội truyền thống, do cộng đồng thực hành đời này qua đời khác, có lẽ sẽ không nằm trong phạm trù qui hoạch.