Người thiểu số Đan Lai 'hóng' dự án

Bắc Vũ 17/10/2015 05:37

Đề án Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông là một trong những đề án quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ trong việc ban hành một đề án riêng cho tộc người Đan Lai. Tuy nhiên, đến nay, đã qua 6 năm, đề án vẫn chưa hoàn thành.

Người thiểu số Đan Lai 'hóng' dự án

Những căn nhà tái định cư cho các hộ dân tộc
người Đan Lai trơ trọi phần khung bê tông.

Vừa chậm vừa đội vốn

Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ số 280/2006/QĐ-Ttg ngày 19-12-2006 (gọi tắt là Đề án 280), với mục tiêu: Nâng cao điều kiện sống, phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Pù Mát, bảo vệ an ninh biên giới.

Thời gian thực hiện đề án 3 năm, từ 2007-2009, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 93 tỷ đồng, gồm 3 hợp phần, với các nội dung đầu tư: Hỗ trợ sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đồng bào; hỗ trợ ban đầu tái định cư và đời sống; bảo tồn và phát triển văn hóa, xã hội.

Ý nghĩa là như vậy, nhưng có mặt tại bản Kẻ Tắt, chúng tôi chứng kiến một khung cảnh rất khác so với nội dung đề án, ở bản Kẻ Tắt cũng có một dãy nhà sàn bê tông mái đỏ được xây dựng dọc theo tuyến con đường nhựa. Tuy nhiên, chỉ lác đác một vài hộ gia đình Đan Lai chuyển đến sinh sống; còn lại nhiều nhà sàn đều trong tình trạng khóa trái cửa; nhiều nhà có dấu hiệu xuống cấp.

Đối diện dãy nhà sàn, ở phía bên kia con đường là một loạt các dãy phòng được xây dựng kiên cố, màu sơn còn mới; tuy nhiên tất cả đều trong tình trạng vắng lặng. Xung quanh, cỏ cây mọc um tùm, che khuất cả tầm nhìn...

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, đến nay đề án vẫn chưa thể hoàn thành bởi nhiều lý do khác nhau. Cụ thể, ở hợp phần 1, dự án đã xây dựng hoàn thành hơn 18 km tuyến đường đạt tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi, đưa vào sử dụng điện sinh hoạt cho điểm tái định cư số 1 (bản Thạch Sơn), tiếp tục xây dựng điện sinh hoạt cho điểm tái định cư số 2, bản Kẻ Tắt.

Riêng tại bản Kẻ Tắt, đề án chỉ mới xây dựng 26/35 nhà sàn bê tông mặc dù đã hoàn thành khai hoang 100% khối lượng ruộng đất, tuy nhiên tại đây đang thi công dở dang một số hạng mục như phòng học, trạm xá, nhà văn hóa...

Đặc biệt tại điểm tái định cư cho 64 hộ dân Đan Lai đến sinh sống tại bản Bá Hạ vẫn chưa được triển khai, do quỹ đất không đủ điều kiện để lập dự án; thiếu nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Ở các hợp phần 2 và 3, nhiều hạng mục đã phải dừng thi công vì thiếu vốn.

Từ kết quả trên cho thấy, mặc dầu tiến độ của Đề án được thực hiện trong vòng 3 năm (từ 2007-2009), nhưng hiện nay đã chậm đến 6 năm và vẫn chưa thể hoàn thành. Lý giải nguyên nhân, ông Hoàng Đình Tuấn - Bí thư huyện uỷ Con Cuông (Nghệ An) cho rằng: “Do dự án ở vùng sâu, vùng xa, đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp. Mặt khác, hiện đã có 78 hộ tăng thêm do mới tách ra ở riêng (số hộ này chưa được dự án quy hoạch để di dời tái định cư)”.

Cùng với đó là sự phát sinh giá cả vật tư, vật liệu biến động, tổng mức đầu tư thực tế lớn hơn nhiều so với giá trị phê duyệt ban đầu. Trong khi, nguồn vốn ngân sách đầu tư lớn nhưng hàng năm cấp về đạt tỷ lệ thấp. Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện, hiện nay, tổng vốn còn thiếu so với giá trị khối lượng đã hoàn thành là 26 tỷ 185 tỷ đồng; tổng nhu cầu vốn còn thiếu so với tổng mức đầu tư là 165 tỷ 786 triệu đồng, trong khi tổng nguồn vốn đầu tư theo đề án là 93 tỷ 244 triệu đồng… ông Tuấn cho biết thêm.

Khi nào mới hoàn thành

Để khắc phục tồn tại trong quá trình triển khai Đề án, huyện Con Cuông đã lập báo cáo, đề xuất một số giải pháp khắc phục như: Ưu tiên xây dựng hoàn thành cơ sở hạ tầng thiết yếu điểm tái định cư số 2 tại xã Thạch Ngàn để chuyển 35/212 hộ đang sinh sống tại nơi ở cũ đến tái định cư theo quy hoạch của dự án; xin ý kiến Chính phủ cho 177 hộ ở lại nơi ở cũ thay cho phương án 30 hộ theo đề án được duyệt; tiếp tục xin Trung ương hỗ trợ đủ số vốn còn thiếu cho dự án để trả nợ và triển khai các hạng mục đang xây dựng dang dở; ưu tiên đưa các dự án đang dang dở vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 bằng nguồn vốn ngân sách TW và ngân sách tỉnh để có cơ sở bố trí vốn trả nợ khối lượng hoàn thành và triển khai các hạng mục còn dang dở cho những năm tiếp theo…

Liệu các giải pháp và đề xuất của UBND huyện Con Cuông đưa ra có khả thi hay không? Và đến bao giờ những người Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát mới ổn định cuộc sống tại nơi ở mới? Đó là những câu hỏi đặt ra cho các cơ quan, ban ngành có trách nhiệm liên quan đến việc triển khai Đề án 280 – một đề án quan trọng đã bị chậm tiến độ đến 6 năm và mục tiêu phát triển bền vững tộc người Đan Lai khi nào mới trở thành hiện thực.

Bắc Vũ