Thổ Nhĩ Kỳ giúp EU ngăn chặn khủng hoảng di cư

Khánh Duy 17/10/2015 06:08

Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt thỏa thuận về một “kế hoạch hành động” mà trong đó chính quyền Ankara sẽ được viện trợ khoản tiền trị giá 3 tỷ Euro, đặc quyền thị thực và các vòng đàm phán mới về gia nhập EU của nước này để đổi lại việc Thổ Nhĩ Kỳ phải ngăn chặn dòng người di cư đến châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ giúp EU ngăn chặn khủng hoảng di cư

Thổ Nhĩ Kỳ được xem là trạm trung chuyển quan trọng
của người di cư đang tìm đường vào châu Âu. (Nguồn: AP).

Hội nghị Thượng đỉnh EU tổ chức ở Brussels bắt đầu từ sáng 15/10 dường như đã đạt được một số kết quả đáng mừng. Trong khi không có thỏa thuận cuối cùng nào được ký kết, thì lãnh đạo EU và Ankara lại nhất trí được về việc đưa ra một “kế hoạch hành động” chung.

“Các cuộc họp căng thẳng với các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trong vài tuần qua đều hướng đến một mục đích duy nhất: Ngăn chặn dòng người di cư đi qua Thổ Nhĩ Kỳ đến EU. Kế hoạch hành động này là một bước tiến lớn trong việc hoàn thành mục tiêu đó” – ông Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), nói trước báo giới trong hôm 16-10.

Dù thể hiện sự tự tin rằng kế hoạch này sẽ thành công, tuy nhiên giới lãnh đạo châu Âu vẫn tỏ ra hết sức thận trọng với nó. Theo kế hoạch, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải thực hiện các cam kết giúp kiểm soát dòng người tị nạn, phần lớn đến từ Syria, đảm bảo mọi đề nghị tị nạn đều được giải quyết hợp lý, đồng thời nỗ lực chống nạn buôn người.

Đổi lại, EU đã thông qua 2 trong số 3 yêu cầu mà phía Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra, trong đó có việc đẩy nhanh tiến trình đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ - ứng cử viên xin gia nhập Liên minh châu Âu - và mở ra các chương mới trong tiến trình đàm phán việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu .

Còn đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó yêu cầu viện trợ 3 tỷ Euro (3,4 tỷ USD) để đổi lấy việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho phép người tị nạn ở lại trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì để họ tiếp tục tiến sâu vào lãnh thổ châu Âu, vẫn đang được các bên xem xét. Ngoài ra, Ankara cũng muốn đất nước họ có tên trong danh sách “các quốc gia an toàn” tị nạn. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ củng cố kiểm soát biên giới, hợp tác tốt hơn với Hy Lạp và trở thành điểm đến đầu tiên cho người di cư đang tháo chạy khỏi các vùng chiến sự.

Vấn đề thị thực cũng là vấn đề gai góc mà các nhà lãnh đạo bàn thảo, trong đó Ankara muốn ký kết một thỏa thuận đã đề xuất trước đó. Nếu thỏa thuận này được ký kết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được quyền thu lại tất cả những người tìm kiếm tị nạn đã từng vào lãnh EU thông qua họ.
Trong khi Ankara muốn EU thể hiện thiện chí của mình về vấn đề thị thực, thì giới lãnh đạo châu Âu lại muốn Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy bằng chứng cụ thể từ những cam kết của họ, cụ thể là hiệu quả trong việc kiềm chế tình trạng buôn bán người.

“Chúng tôi cần điều gì đó đảm bảo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm đúng cam kết với chúng tôi” – ông Tusk nói.

Về khoản viện trợ trị giá 3 tỷ Euro, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng yêu cầu này là hợp lý, tuy nhiên vì Ankara đang đứng trước ngưỡng cửa gia nhập EU nên cũng cần phải chia sẻ gánh nặng với các quốc gia thành viên khác. Và yêu cầu này sẽ được thảo luận sâu hơn.

“Ủy ban châu Âu không thể một mình hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ bằng nguồn ngân sách của Liên minh châu Âu. Chúng tôi đã thảo luận về những đóng góp của các nước thành viên song chúng tôi vẫn cần những hướng dẫn cụ thể về vấn đề này” – Bà Merkel nói.

Dự kiến, bà Merkel sẽ có chuyến thăm tới Istanbul vào cuối tuần này để củng cố thêm các thỏa thuận đạt được.

Thỏa thuận trong đó tìm kiếm sự giúp đỡ từ Ankara xuất hiện trong thời điểm mà EU đang mong muốn tìm giải pháp ngăn chặn dòng người nhập cư đến châu lục này bằng cách thắt chặt kiểm soát biên giới. Tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn 710.000 người di cư tìm đến các nước châu Âu để tránh các vùng chiến sự ở Trung Đông.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện được xem là điểm trung chuyển quan trọng của người di cư đang tìm đường vào châu Âu trong năm nay. Nếu có bất cứ triển vọng nào có thể giúp EU kiểm soát tốt dòng người nhập cư thì cũng không thể thiếu vắng sự hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ.

Khánh Duy