Để người có công có cuộc sống tốt đẹp hơn
Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015”, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết chương trình vào chiều ngày 17/10, nhiều số liệu ý nghĩa được công bố, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra để Chương trình tiếp tục sứ mệnh của mình: hoàn thiện chính sách để tất cả người có công với cách mạng có cuộc sống tốt đẹp hơn về mọi mặt.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền chủ trì hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hoàng Long.
Làm hết sức bằng tất cả tấm lòng
Cách đây 2 năm, từ Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ về Tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng 2 năm 2014-2015, Ban thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ký kết chương trình phối hợp để triển khai tổng rà soát trong cả nước.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1954, Việt Nam tiến hành tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng với sự tham gia của MTTQ Việt Nam. Có trên 100.000 người tình nguyện là thành viên của MTTQ Việt Nam thuộc các tổ chức như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu TNXP, Đoàn Thanh niên tham gia tổng rà soát.
Với sự chỉ đạo triển khai quyết liệt của Bộ LĐTB&XH, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên Mặt trận, các Bộ, ngành Trung ương, cấp ủy chính quyền cả nước, các cơ quan thông tấn báo chí và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, tinh thần của Hội nghị tổng kết đã khẳng định: Tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã hoàn thành và đạt kết quả tốt đẹp.
Chính vì vậy, lần đầu tiên chúng ta có được một con số vô cùng ý nghĩa từ cuộc tổng rà soát: Hơn 95% người có công hưởng đúng chế độ chính sách. Điều này thể hiện tính nhân văn, đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam thông qua những chính sách ưu đãi người có công của Đảng và Nhà nước ta. Điều này cũng khẳng định tính đúng đắn của việc ra đời Chỉ thị 23, khẳng định sự nỗ lực “làm hết sức mình bằng tất cả tấm lòng” của những người tham gia tổng rà soát như Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trân trọng ghi nhận. Và nói như Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, “không có đội ngũ này, không thể có kết quả của cuộc tổng rà soát ngày hôm nay”.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: “Mặt trận đã biết phát huy sức mạnh
của các tổ chức thành viên"
Những bài học, kinh nghiệm quý
Có rất nhiều bài học, kinh nghiệm được đúc rút từ cuộc Tổng rà soát lần đầu tiên này. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, đầu tiên phải kể đến sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể, thành viên của Mặt trận.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lấy ví dụ trong quá trình tiến hành Tổng rà soát, các tổ chức thành viên của Mặt trận đã huy động trên 100.000 người tham gia. Điều này hiện thực hóa được một chủ trương là khi xã hội có nhu cầu, Nhà nước có chủ trương thì nhân dân đã tích cực tham gia với Nhà nước để giải quyết nhu cầu của chính mình.
“Đây là bài học tốt trong việc huy động người dân tham gia Tổng rà soát. Mặt trận không có đoàn viên, hội viên nhưng Mặt trận đã biết phát huy sức mạnh của các tổ chức thành viên có lợi ích trực tiếp cùng tham gia như Hội Cựu TNXP sẽ tham gia giải đảm bảo quyền lợi cho Cựu TNXP, Hội CCB Việt Nam tham gia rà soát chính sách đối với Cựu chiến binh...” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Lấy kinh nghiệm từ Thủ đô Hà Nội - đầu tàu kinh tế của đất nước, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Hà Nội đã chọn một xã để làm điểm sau đó nhân rộng ra toàn thành phố. Nhờ đó, Ban chỉ đạo Tổng rà soát huyện đã đôn đốc huyện mình, Ban chỉ đạo xã đôn đốc xã mình nên chương trình Tổng rà soát mới có được kết quả tốt đẹp như hôm nay.
Lâu nay, khi nói về những đối tượng hưởng sai được xem là một việc tế nhị thì nay đã được làm quyết liệt, điển hình như hình thành hệ thống hòm thư của Mặt trận xã, phường hoặc gửi trực tiếp đến cơ quan Mặt trận. Trong thời gian vừa qua, Mặt trận đã nhận được 400 thư của các tầng lớp nhân dân gửi đến Mặt trận để hỏi về vấn đề này. Đối với số thư từ này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Mặt trận đã xử lý một phần.
“Mặt trận cam kết sau hội nghị này sẽ tiếp tục làm tốt vai trò giám sát để tháng 6 năm sau sẽ có kết quả đánh giá hoạt động của mình” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Ghi nhận những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trao Bằng khen cho 74 tập thể, 139 cá nhân đã có thành tích tiêu biểu trong công tác Tổng rà soát 2 năm (2014 - 2015). |
Xem xét những trường hợp mất hồ sơ, giấy tờ
Bên cạnh những con số ý nghĩa, thực tế Tổng rà soát cũng cho thấy, trong việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập. Ban rà soát nhận được đề nghị của 63.768 trường hợp kê khai chưa được xác nhận người có công, trong đó 2 đối tượng lớn nhất là 16.295 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và 16.466 cựu TNXP đề nghị được xem xét chế độ.
Theo ông Nguyễn Anh Liên- Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, Tổng rà soát không phải là kết thúc mà là tổng kết và tiếp tục hoàn thiện chính sách. Tuy nhiên, việc Tổng rà soát chính sách người có công hiện chủ yếu làm dựa trên cơ sở là hồ sơ, tài liệu trong khi thực tế, rất nhiều người có tham gia kháng chiến nhưng không còn hồ sơ.
“Điển hình như ở Tây Nguyên hiện vẫn còn hàng trăm cựu TNXP đã tham gia kháng chiến nhưng không có giấy tờ. Hay như tỉnh Lạng Sơn hiện có 5 ngôi mộ bỏ hoang. Những đồng chí này đã hi sinh trên đường làm nhiệm vụ và giấy tờ, hồ sơ không còn. Nếu 5 ngôi mộ này cứ để như vậy khoảng 10 năm nữa thì sẽ không thể xác định được, thậm chí sẽ bị mất mộ. Cựu TNXP, tỉnh Lạng Sơn cũng đã kiến nghị nhiều lần nhưng chính sách ưu đãi đối với 5 ngôi mộ trên chưa có. Đề nghị, Đảng, Nhà nước giải quyết chính sách cho đối tượng nằm trong số không có hồ sơ”- ông Nguyễn Anh Liên mong mỏi.
Trao đổi về việc này, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết: Đối với 5 trường hợp của tỉnh Lạng Sơn, Bộ LĐTB&XH đang tiến hành xem xét lại để hoàn thiện chính sách.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, trước khi tiến hành tổng rà soát chính sách NCC thì số lượng NCC hưởng chưa đầy đủ chính sách là bao nhiêu không ai biết. Nhưng sau 2 năm thực hiện Tổng rà soát chính sách đối với NCC, đến nay chúng ta mới biết số lượng người hưởng đúng, hưởng chưa đầy đủ và đang đề nghị xét tiếp là 7000 trường hợp. Đối với những đối tượng này, sắp tới ngành Lao động thương binh và xã hội cần phối hợp với các cơ quan tiếp tục giải quyết.
Đợt tổng rà soát chính sách người có công vừa qua đã tập trung vào 7 đối tượng là Liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, Mẹ VNAH, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng, cựu TNXP. Qua tổng rà soát số đối tượng người có công hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 1.982.769 người, chiếm tỷ lệ 95.75%, số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người, chiếm tỷ lệ 4.16%, số đối tượng hưởng sai chính sách là 1.872 người, chiếm tỷ lệ 0.09%. Qua đợt tổng rà soát, Ban rà soát cũng nhận được đề nghị của 63.768 trường hợp kê khai chưa được xác nhận người có công, trong đó 2 đối tượng lớn nhất là 16.295 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và 16.466 cựu TNXP đề nghị được xem xét chế độ. |
Vừa rà soát vừa giám sát
Có thể nói, việc thực hiện chương trình Tổng rà soát cho thấy sự phối hợp hiệu quả, bài bản, khoa học giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ LĐTB&XH, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan truyền thông đại chúng. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chương trình mang tên là Tổng rà soát nhưng Mặt trận và Bộ LĐTB&XH đã vừa rà soát vừa giám sát. Đây là bài học kinh nghiệm quý trong việc thực hiện các nhiệm vụ sau này.
Trong thời gian tới, nhấn mạnh tới việc các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần tiếp tục phối hợp với hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên thực hiện có hiệu quả, giải quyết dứt điểm đối với những đối tượng người có công chưa được thực hiện chính sách đầy đủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đối với 71.000 người không có đủ hồ sơ cần xem xét, công nhận theo đúng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý sau hội nghị, Bộ LĐTB&XH tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị, nhằm phát huy kết quả đợt Tổng rà soát, giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại. Trong đó, các chính sách đối với người có công như: quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ là quá trình lâu dài, cần sự kiên trì của các bộ, ngành, cơ quan chức năng. Đồng thời, các bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch, tổ chức rà soát, hỗ trợ các đối tượng khó khăn, đặc biệt là các đối tượng nạn nhân của chiến tranh, để mọi người có công có cuộc sống tốt đẹp hơn về mọi mặt.
Giải quyết bổ sung chính sách cho người chưa được hưởng
Từ nay đến cuối năm 2015, Bộ LĐTB&XH sẽ tập trung giải quyết cơ bản những vấn đề tồn tại, những vướng mắc khó khăn trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công. Đối với những người có công và thân nhân của người có công chưa được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở rà soát từng trường hợp vừa qua, chỉ đạo giải quyết bổ sung những chính sách mà người có công chưa được hưởng, bảo đảm tất cả người có công được thụ hưởng đầy đủ các chế độ ưu đãi do Đảng và Nhà nước ban hành.