Mặt trận góp phần xây dựng Đảng - nhìn từ Bắc Giang

Ngô sách Thực (Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Giang) 19/10/2015 09:10

Những năm qua, công tác giám sát, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả thiết thực.

Mặt trận góp phần xây dựng Đảng -  nhìn từ Bắc Giang

Mặt trận Bắc Giang giám sát công tác giảm nghèo tại huyện Hiệp Hoà.

Mặt trận đã tham mưu với cấp ủy kịp thời xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, sớm ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Tỉnh ủy Bắc Giang là một trong số các tỉnh sớm ban hành quy định trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp thu ý kiến đóng góp của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân.

Trong đó, Mặt trận Tổ quốc đã chủ động xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền giai đoạn 2013-2016”, đề ra 8 mục tiêu, 10 nhiệm vụ, giải pháp.

Ngoài việc phối hợp tham gia giám sát với Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐNĐ, đã trực tiếp tổ chức giám sát một số nội dung đạt kết quả bước đầu như: tham gia rà soát và giám sát đợt tổng rà soát thực hiện chính sách với người có công; giám sát thực hiện quy định về một cửa, một cửa liên thông ở xã, phường, thị trấn; giám sát thực hiện các quy định về hỗ trợ và huy động xây dựng nông thôn mới, thực hiện chính sách giảm nghèo giai đoạn 2011-2015…

Qua giám sát cải cách hành chính, một cửa cấp xã, Mặt trận đã đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh; tăng cường chỉ đạo các biện pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh, tăng mức độ hài lòng của người dân.

Từ giám sát xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Bắc Giang cũng đã kiến nghị một số biện pháp, cách làm về công khai dân chủ, về dân vận khéo, phát huy thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng, mở rộng thực hiện cơ chế đặc thù trong xây dựng các công trình; động viên nhân dân xây dựng khu dân cư văn hóa, bảo vệ môi trường, phát huy các hình thức tự quản, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Cũng chính từ hoạt động giám sát, góp ý kiến của Mặt trận và các đoàn thể, nhiều cơ quan, ban ngành đã thấy rõ hơn nhiệm vụ phải làm.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội còn một số hạn chế. Một số nội dung giám sát còn thụ động, hình thức, chưa tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy trong việc lãnh đạo giải quyết một số việc phức tạp phát sinh. Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội còn chưa chủ động, tích cực ở một số nội dung; trình độ, năng lực, kỹ năng của đội ngũ cán bộ còn nhiều mặt bất cập. Mặt khác, đây là nhiệm vụ lớn, lâu dài, nhiều vấn đề mới đặt ra cần phải được thể chế hóa.

Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể thời gian tới, cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này.

MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp với tư cách là chủ thể giám sát cần chủ động báo cáo thường trực cấp ủy về nội dung giám sát, lựa chọn một số nội dung thiết thực mà địa phương đang cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo; bám sát nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm để tổ chức thực hiện.

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, MTTQ các cấp bổ sung vào 5 chương trình hành động; hàng năm cụ thể hóa nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vào chương trình phối hợp, thống nhất hành động để có sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức thành viên. Đồng thời đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chương trình, đề án đã được phê duyệt, ban hành.

Đặc biệt cần chú trọng thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Phát huy các hình thức giám sát nhân dân, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Động viên nhân dân giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là liên quan đến cơ chế, chính sách, chế độ. Trong đó tích cực tham gia phối hợp giám sát với Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, các ban của Tỉnh ủy, các đoàn thể chính trị- xã hội nhằm nâng cao hiệu quả chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành. Đồng thời cần thường xuyên chuẩn hóa, nâng cao chất lượng cán bộ MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Phát huy vai trò giám sát, góp ý kiến của MTTQ, các đoàn thể là thực hiện quan điểm dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, làm tốt sẽ tăng thêm niềm tin của nhân dân, tăng đồng thuận trong nhân dân để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Với tinh thần đó, MTTQ, các đoàn thể Bắc Giang cần có sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự hỗ trợ phối hợp của các cấp các ngành để tổ chức thực hiện thành công như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.

Ngô sách Thực (Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Giang)