Trong khoa học, giữa trẻ và già, không biết ai hơn ai

Nam Phương (thực hiện) 19/10/2015 09:30

Theo PGS Nguyễn Bá Ân, trong khoa học, giữa già và trẻ, không biết ai hơn ai đâu. Trẻ hơn tôi nhiều như anh Ngô Bảo Châu hay anh Đàm Thanh Sơn mà lại giỏi hơn mình rất nhiều.

Trong khoa học, giữa trẻ và già, không biết ai hơn ai

PSG Nguyễn Bá Ân.

PGS Nguyễn Bá Ân là một là một nhà khoa học vật lý, người góp phần mang đến nhiều vinh dự cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN, nâng cao vị thế của cộng đồng khoa học Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Ông cũng đã từng nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu.

PV: Thưa ông, cơ duyên nào đã đưa ông đến với mảng nghiên cứu về Thông tin lượng tử (TTLT)?

PGS Nguyễn Bá Ân: Tôi học đại học ở Liên Xô cũ, chuyên ngành là Vật lý hạt cơ bản. Năm 1975 về nước chuyển sang làm Vật lý chất rắn, theo yêu cầu trong nước, và năm 1983 bảo vệ luận án Phó tiến sĩ về Lý thuyết polariton trong các chất bán dẫn tại Viện Vật lý, Hà Nội. Sau đó, tự tu nghiệp gần 10 năm trong suốt thời kỳ bao cấp.

Từ 1992, khi VN bắt đầu mở cửa, mình được một số viện nghiên cứu của Ý, Đức, Bỉ, Nhật, Brasil, Đài Loan,… mời sang làm việc từng đợt ngắn hạn. Theo dòng nghiên cứu của các cơ sở mời, tôi đã nỗ lực làm việc và có một số công bố tốt về Vật lý quang bán dẫn, Vật lý các hệ thấp chiều, Vật lý laser và Quang phi tuyến. Tuy nhiên vẫn có một mảng tôi làm từ đầu và độc lập, không liên quan đến các cơ sở mời, đó là Quang lượng tử, lĩnh vực mà mình đã giành để hướng dẫn thành công một số nghiên cứu sinh.

Khoa học về Thông tin lượng tử là một lĩnh vực rất mới có tính cách mạng trong cả tư duy và công nghệ. Nó rất “nóng” vào những thập niên cuối của thế kỷ XX và có liên quan mật thiết với Quang lượng tử. Vì vậy từ năm 2000 tôi đã tập trung gần như toàn bộ thời gian để chỉ tìm hiểu về vấn đề này.

Năm 2002 tôi được mời làm giáo sư cơ hữu của Viện Nghiên cứu cao cấp Hàn Quốc (Korea Institute for Advanced Study). Viện này khi đó muốn triển khai hướng nghiên cứu về TTLT và tôi cùng một giáo sư Hàn Quốc đã khởi đầu một nhóm nghiên cứu mới. Từ đó đến nay mối quan tâm nghiên cứu duy nhất của tôi là TTLT.

Việc nhận được giải thưởng Tạ Quang Bửu rất ý nghĩa đối với mỗi nhà khoa học. Ông có thể chia sẻ đôi nét về công trình đoạt giải?

- Nghiên cứu cơ bản là một lĩnh vực đặc thù, thầm lặng, lâu dài và ít khi có ứng dụng tức thời. Tuy nhiên, những tiện ích hiện đại mà chúng ta đang được hưởng hôm nay là nhờ những thành tựu của NCCB trong quá khứ. Vì vậy NCCB là vô cùng cần thiết, là một trong những chìa khóa quan trọng nhất để mở cánh cửa vào tương lai tươi sáng hơn!

Có người trong thâm tâm cho rằng NCCB không thật cần thiết đối với những nước nghèo. Có thể trên thế giới còn có những nước như thế, nhưng nhất quyết không phải là nước Việt Nam ta. Người Việt Nam ra nước ngoài đa phần không những không thua kém người các nước khác mà đôi khi còn vượt trội. GS Ngô Bảo Châu là một ví dụ rõ nét. Và gần đây người ta đã nói đến khả năng nhận giải Nobel của GS Đàm Thanh Sơn.

Trong những năm gần đây Nhà nước đã có những chính sách tích cực nhằm hỗ trợ NCCB. Việc trao giải thưởng Tạ Quang Bửu hàng năm có tác dụng khích lệ rất lớn, góp phần thúc đẩy NCCB nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận và tiến tới đạt trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho đất nước hội nhập tốt và phát triển vững mạnh.

Đặc biệt, sự ra đời của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia là một bước đột phá tạo môi trường tốt cho các nhóm nghiên cứu làm việc chuyên tâm hơn, hấp dẫn những người mới bảo vệ TS ở nước ngoài về Việt Nam làm việc nói riêng và các cán bộ trẻ trong nước nói chung, góp phần tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước trong tương lai (số nhà khoa học trẻ dưới 40 tuổi chủ trì các đề tài tăng nhanh từ 5% năm 2009 lên 60-70% năm 2012, 2013)...

Còn về công trình đoạt giải của tôi, thực sự thì cũng bình thường thôi. Nó thuộc lĩnh vực TTLT, là một lĩnh vực có tính cách mạng dựa trên các quy luật của thế giới vi mô, đã được ghi nhận bởi Giải Nobel Vật lý năm 2012 và hứa hẹn nhiều ứng dụng quan trọng trong tương lai như truyền thông lượng tử, bảo mật tuyệt đối và máy tính lượng tử.

Đối với cá nhân, suốt 40 năm tôi chỉ làm một nghề là nghiên cứu cơ bản, đây là một vinh dự và cũng là một may mắn. Tuy nhiên, thực lòng cũng có đôi chút áy náy vì hơn ai hết biết rằng mình chưa thật sự xứng đáng. Mặc dù đã luôn chuyên tâm và bám nghề, đã có nhiều công bố ở các tạp chí khoa học uy tín, nhưng thực ra vẫn chưa đạt được thành tựu thật sự xuất sắc, như mọi người hay nói, thành tựu “để đời”.

Ông muốn nhắn nhủ gì với thế hệ trẻ yêu khoa học VN ngày nay?

- Tôi sắp về hưu, là già thật về tuổi tác, là hơn các bạn trẻ về số năm tháng sống trên đời. Còn trong khoa học, giữa già và trẻ, không biết ai hơn ai đâu. Trẻ hơn tôi nhiều như anh Ngô Bảo Châu hay anh Đàm Thanh Sơn mà lại giỏi hơn mình rất nhiều. Nếu các bạn trẻ sớm nỗ lực hết mình và đạt được thành tựu khi còn trẻ thì sẽ tốt hơn rất nhiều (cho bản thân, gia đình và đất nước).

Trân trọng cảm ơn ông!

Nam Phương (thực hiện)