Giữ gìn hình ảnh người giáo viên

Thu Trang (thực hiện) 19/10/2015 10:25

Trường Dân lập quốc tế Việt Úc (Cơ sở Phan Xích Long, quận Bình Thạnh, TP HCM) vừa quyết định đình chỉ công tác đối với cô giáo H. vì có những hành vi thiếu chuẩn mực, thậm chí là phản cảm với học sinh (HS).

Giữ gìn hình ảnh người giáo viên

TS Đặng Lộc Thọ

Cô không ngần ngại mắng HS “ngu như bò” khi viết chữ không đẹp, dọa cắt tóc HS nữ cho xấu “như con trai”, trét son lên mặt HS nam rồi bắt đứng cuối lớp để các bạn “lêu lêu biến thành con gái… Có thể thấy, việc giữ gìn hình ảnh người giáo viên (GV) đã chưa thực sự được coi trọng trong những trường hợp này.

Là người đứng đầu một cơ sở đào tạo giáo viên, NGƯT. TS Đặng Lộc Thọ - Hiệu trưởng Trường CĐSP Trung ương không phủ nhận có một phần lỗi từ việc đào tạo chưa chuẩn mực. Ông cho rằng các cơ sở đào tạo GV cần chú ý hơn đến đào tạo tác phong, cách ứng xử chứ không phải chỉ chú trọng về mặt kiến thức.

PV:Trong đầu tháng 10 vừa qua đã liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành đối với trẻ mầm non, hay mới đây là vụ việc GV cho HS súc miệng bằng xà phòng loãng, GV mắng HS “ngu như bò”... Là lãnh đạo một trường với vai trò chính là đào tạo GV (đặc biệt là GVMN), ông có bình luận gì không?

NGƯT. TS Đặng Lộc Thọ: Tôi nghĩ việc xảy ra các vấn đề bạo hành như các vụ việc vừa qua, thì điều đầu tiên là do ý thức nghề nghiệp của các GV đó chưa đầy đủ. Mà lí do ý thức nghề nghiệp chưa đầy đủ đó thì tôi nghĩ đầu tiên do sự đào tạo chưa bài bản. Cái thứ hai là sự quan tâm giáo dục ý thức trách nhiệm nghề nghiệp một cách thường xuyên của các nhà trường là chưa đáp ứng được yêu cầu. Và cái thứ ba là việc quản lý kiểm tra để có những sự nhắc nhở và chấn chỉnh của các nhà trường cũng thiếu kịp thời.

Đương nhiên chính những điều này đã gây ra sự bất bình trong dư luận rất lớn, đồng thời cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của các GV nói chung, hay việc tổ chức hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ tại các nhà trường. Với những hành động này, cá nhân tôi nghĩ một mặt là phải lên án, một mặt các nhà quản lý cũng thực sự phải thấy đó là điều để mình rút kinh nghiệm rất nhiều trong việc quản lý và chỉ đạo.

Rất nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, mấu chốt quan trọng nhất của những vụ việc đáng tiếc vừa qua là do cách đào tạo GV chưa bài bản, ông có đồng ý với điều này không?

- Tôi thì tôi nghĩ như thế này, nếu theo chương trình đào tạo thì hiện nay những GV mà được học theo hệ chính quy thì chương trình đào tạo khá là bài bản. Và các trường cũng đều cố gắng rèn luyện nghề nghiệp, nghiệp vụ cho SV khá tốt.

Tuy nhiên, khi mà điểm lại những vụ bạo hành đó thì tỉ lệ cao là số các cô chưa được đào tạo bài bản hoặc là được đào tạo các ngành nghề khác sau đó chuyển sang ngành GDMN, hoặc là học theo các hệ chưa chính quy.

Cũng không loại trừ cũng có trường hợp học theo hệ chính quy nhưng ở tại những cơ sở chúng tôi nghĩ chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu, hoặc là cũng rơi vào cá biệt những cô giáo mà quá trình phấn đấu rèn luyện không thường xuyên, liên tục thì cũng sẽ dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Với SV được đào tạo các chuyên ngành sư phạm, nhà trường có liên kết với các cơ sở, trung tâm giáo dục để các bạn SV được thực hành rèn luyện kĩ năng không?

- Đối với Trường CĐSP Trung ương thì hoạt động rèn luyện nghiệp vụ nghề nghiệp là một hoạt động rất được quan tâm. Hoạt động đó được ghi thành là hoạt động rèn luyện nghề nghiệp thường xuyên, liên tục trong suốt thời gian các em học tập tại trường. Và hàng năm nhà trường đều tổ chức các hội thi nghề nghiệp để cho các em thể hiện, đồng thời thông qua việc thể hiện đó thì những người tham dự sẽ dần thấm ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của mình, đối với công việc sẽ được đảm nhiệm sau này.

Thứ hai là chúng tôi rất chú trọng các nội dung thực hành. Một trong những yêu cầu của nội dung thực hành khi đánh giá là đánh giá ý thức nghề nghiệp của các em thông qua thời gian các em thực tập, thực hành tại các cơ sở giáo dục nói chung, trong đó có các cơ sở giáo dục mầm non.

Điểm thứ ba, chúng tôi cũng tìm các mô hình, các cơ sở thực tập khác nhau để SV được làm quen với các loại hình khác nhau, phù hợp với các thực tế địa phương sau này khi các em ra trường đi làm. Tôi nghĩ rằng với sự chuẩn bị đó thì cũng sẽ góp phần rất lớn để nâng cao ý thức nghề nghiệp đối với các em SV, là việc mà hiện nay xã hội đang rất quan tâm.

Những vụ việc đáng tiếc vừa qua đã khiến cho hình ảnh người GV nói chung bị ảnh hưởng ít nhiều, theo cá nhân ông, việc giữ gìn hình người GV quan trọng như thế nào?

- Đối với ngành giáo dục thì đương nhiên hình ảnh của người GV rất quan trọng. Nó được thể hiện qua mấy điểm chính như sau: Đầu tiên là tư thế tác phong, thứ hai là khả năng ứng xử, và thứ ba là kiến thức. Có một thời gian chúng ta đã quá nặng về việc chú ý kiến thức cho nên có vẻ như hơi xem nhẹ việc chú ý đến tư thế tác phong cũng như cách ứng xử.

Qua các vụ bạo hành, cư xử sai như thế chúng tôi nghĩ các cơ sở đào tạo cũng như các nhà quản lý phải chú trọng đến yếu tố rèn luyện tư thế tác phong, khả năng ứng xử nhiều hơn để người GV có thể phát huy được năng lực chuyên môn của mình.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Trang (thực hiện)