Khơi mào cuộc chiến dầu mỏ
Trong khi Tổng thống Vladimir Putin đang cố gắng khôi phục vai trò to lớn của nước Nga ở Trung Đông, thì Ả rập Saudi lại đang bắt đầu công kích lĩnh vực thương mại truyền thống của nước này bằng cách bán phá giá dầu thô cho Ba Lan.
Ả rập Saudi đang khơi dậy một cuộc chiến dầu mỏ
với Nga bằng cách phá giá. (Nguồn: SCPR).
Tại một diễn đàn đầu tư tổ chức hồi cuối tuần qua, ông Igor Sechin, Giám đốc điều hành của Công ty Rosneft - Công ty dầu khí lớn nhất của Nga - đã phàn nàn về cách tiếp cận thị trường Ba Lan của Ả rập Saudi. “Họ đang bán phá giá một cách có chủ định”- ông Sechin nói.
Không chỉ ông Sechin, mà nhiều giám đốc điều hành các công ty dầu mỏ khác của Nga cũng bày tỏ sự quan ngại. “Chẳng phải động thái này là một bước đầu tiên hướng tới việc tái phân chia các thị trường phương Tây sao?”- ông Nikolai Rubchenkov, Giám đốc điều hành Công ty Dầu khí Tatneft, phát biểu hôm 16-10.
Hiện nay, các công ty và nhà máy tinh luyện dầu của châu Âu cũng đã xác nhận rằng Ả rập Saudi đang mời chào họ dầu thô giảm giá, khiến sản phẩm của họ trở nên hấp dẫn hơn là dầu thô của Nga. Bên cạnh đó, dù hầu hết các nhà máy lọc dầu ở khu vực Đông Âu phụ thuộc vào Nga về mặt kỹ thuật, nhưng diễn biến trên vẫn khiến các công ty dầu khí Nga phải lo lắng.
Hồi những năm 1970, Ả rập Saudi từng bán một nửa lượng dầu thô xuất khẩu của họ cho châu Âu, nhưng sau đó Liên Xô đã xây dựng các đường ống dẫn đầu từ các mỏ ở Tây Siberia đến châu Âu, khiến Ả rập Saudi phải chuyển hướng sang thị trường châu Á, nơi mà cầu đang tăng và dầu thô bán được giá hơn. Kể từ đó, thị phần của Ả rập Saudi trên thị trường châu Âu ngày càng giảm; vào năm 2009, mức giảm thấp nhất là xuống còn 5,9%. Trong khi thị phần của Nga có thời điểm lên tới 34,8% như hồi năm 2011.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Ả rập Saudi dần dần lấy lại sự hiện diện của họ ở châu Âu, có lúc thị phần dầu mỏ của họ đã tăng đến 8,6% trong năm 2013, tuy nhiên họ chưa từng thử đổ bộ vào thị trường Ba Lan.
Cũng giống như hầu hết khu vực Trung và Đông Âu, Ba Lan từ lâu đã là một khách hàng của các công ty dầu khí Nga. Năm ngoái, khoảng ¾ lượng nhiên liệu nhập khẩu của họ là đến từ Nga, phần còn lại đến từ Kazakhstan và một số nước châu Âu khác. Ba Lan, tuy nhiên, lại là trung tâm của các nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu (EU) vào nguồn năng lượng mà Nga cung cấp.
Kể từ khi Crimea trở lại thành một phần của LB Nga, Ba Lan, một nước láng giềng của Ukraine, đã liên tục tăng cường sức mạnh quân đội và nỗ lực khác nhằm đảm bảo an ninh. Tuần trước, nước này còn tuyên bố đã đạt thỏa thuận với Lithuania, Latvia và Estonia để xây dựng một đường ống dẫn khí qua lại giữa các nước Baltic, nhằm đảm bảo sự độc lập năng lượng trong tương lai.
Trong trường hợp này thì một nhà cung cấp mới và đáng tin cậy là không thể thiếu. Và Ả rập Saudi đã nhảy vào cuộc chơi, khi cơn khát năng lượng của khu vực châu Á đang có dấu hiệu chững lại.
Điện Kremlin và các công ty dầu khí Nga từ lâu đã cảm thấy sự thay đổi của các đối tác châu Âu và bắt đầu tìm kiếm các thị trường mới. Vào thời điểm năm 2000, hầu hết các nhà xuất khẩu dầu khí lớn của Nga đều hướng tới châu Âu. Nhưng năm ngoái, thị phần của họ ở châu Âu đã giảm xuống dưới mức 2/3. Nhưng bù lại, ở các thị trường châu Á, Nga cũng trở thành một đối thủ đáng gờm của Ả rập Saudi. Hồi tháng Năm vừa qua, lượng dầu khí mà Nga cung cấp cho Trung Quốc có lúc đã vượt qua Ả rập Saudi.
Không còn cách nào khác, Ả rập Saudi buộc phải lao vào một cuộc chiến về giá để giành lại thị phần – không chỉ với Nga, mà cả với các nhà xuất khẩu dầu đá phiến của Mỹ và tất cả các nhà xuất khẩu dầu khí không phải là thành viên của OPEC. Và Ả rập Saudi đang tiến tới vào thị trường truyền thống của Nga.
Động thái của Ả rập Saudi có thể đẩy hai quốc gia xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới vào một cuộc đối đầu. Cạnh tranh dầu mỏ trong bối cảnh hiện nay là điều rất nguy hiểm, đặc biệt khi Iran có khả năng sẽ trở lại thị trường dầu khí thế giới sau khi lệnh cấm vận được gỡ bỏ.