Dân nháo nhác vì nhà máy rác 'dọa' đóng cửa

Đơn Thương 20/10/2015 08:35

Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin đã đóng cửa nhà máy và không tiếp nhận rác của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương. Sự việc này đã dẫn đến hàng chục tấn rác bị đổ ra đường…

Dân nháo nhác vì nhà máy rác 'dọa' đóng cửa

Nếu tình hình không được giải quyết dứt điểm,
thời gian tới, người dân Cổ Chẩm sẽ tiếp tục phải đối mặt rác.

Không chỉ trong những ngày này, mà nhiều thời gian về trước, người dân Cổ Chẩm (Việt Hồng, Thanh Hà, Hải Dương) đã rất bức xúc về tình trạng xử lý rác trên địa bàn. Tình hình càng trở lên căng thẳng hơn khi vào ngày 13/10 vừa qua, Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin đã đóng cửa nhà máy và không tiếp nhận rác của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương. Sự việc này đã dẫn đến hàng chục tấn rác bị đổ ra đường…

Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin (Cty APT) vốn là nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt lớn nhất của Thành phố Hải Dương với công suất khoảng 150 tấn rác/ngày đêm. Nguồn rác xử lý hiện tại của APT chủ yếu là do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương (Cty MTV) chuyển đến. Việc kí hợp đồng xử lý rác giữa Cty APT và Cty MTV trước đây vốn diễn ra tương đối suôn sẻ. Tuy nhiên gần đây, đã có những khúc mắc.

Ông Trịnh Quốc Lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị APT cho biết: “Chúng tôi rất ý thức về trách nhiệm của mình và chia sẻ với bức xúc của bà con mỗi khi rác bị ứ đọng và thậm chí bị đổ trước cổng, xung quanh nhà máy. Chúng tôi phải đóng cửa vì mình đã bị xé vé đồng hạng, do sự lập lờ về nguồn gốc rác thải do Cty MTV chuyển đến”.

Theo ông Lập, căn cứ vào Nghị định 59/2007/NĐCP ngày 9/4/2007 (nay là Nghị định 38/NĐ-CP) về quản lý chất thải rắn và phế liệu thì chi phí cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt sẽ được ngân sách địa phương hỗ trợ đối với rác thải sinh hoạt của các cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng. Hiện nay, với đối tượng này, đang được ngân sách tỉnh Hải Dương hỗ trợ xử lý với đơn giá 244 nghìn/tấn.

Còn các nguồn rác thải khác như dịch vụ, nhà hàng, các cơ quan, đơn vị… không thuộc sự hỗ trợ này. Từ quy định của Nghị định, bắt buộc các đối tượng không nằm trong quy định phải kí hợp đồng từ thu gom đến xử lý với các đơn vị chức năng khác, mà cụ thể ở đây là Công ty MTV và Công ty APT.

Theo quy định này, ngoài đối tượng được hỗ trợ trên, các đối tượng khác đều phải kí hợp đồng thu gom vận chuyển rác với Cty MTV và phải kí tiếp một hợp đồng xử lý trên nguyên tắc thỏa thuận về giá với Cty APT. Nếu họ không có điều kiện thì có thể ủy quyền, nhờ Cty MTV thương thuyết với APT để kí kết hợp đồng.

Tuy nhiên, trong rất nhiều thời gian, không rõ do việc không nắm được tinh thần Nghị định hay do quản lý không sát sao, mà toàn bộ rác thải rắn trên địa bàn TP Hải Dương đã không được Cty MTV “bóc tách”.

Việc này đã dẫn đến tình trạng “xé vé đồng hạng” cho các loại đối tượng xả rác trên địa bàn Thành phố Hải Dương, tạo áp lực về tiêu tốn nhiên liệu và nhân công xử lý cho Cty APT cũng như sự hao tổn một nguồn ngân sách hỗ trợ không đúng quy định cho tỉnh Hải Dương.

Theo lãnh đạo Cty APT, để ngân sách tỉnh Hải Dương được chi trả đúng với quy định của Nghị định, để Cty có lợi nhuận nuôi công nhân, nộp ngân sách, họ rất cần Cty MTV bóc tách rõ các số liệu như: Mỗi ngày, các đối tượng được hỗ trợ và các đối tượng không được hỗ trợ trên địa bàn Thành phố Hải Dương sẽ thải ra bao tấn rác? Vì hiện nay, ngoài rác thải sinh hoạt được hỗ trợ, thông thường, muốn xử lý 1 tấn rác thải chi phí thấp nhất vào khoảng 700 nghìn đồng.

Nếu Cty MTV không nhanh chóng thực hiện những quy định của Nghị định, ngoài việc bắt Cty APT gồng gánh chi phí thì sẽ làm thất thoát của Nhà nước, mà cụ thể ở đây là ngân sách tỉnh Hải Dương lên đến 244 nghìn/tấn. Như vậy Cty APT sẽ phải đóng cửa để bảo toàn nguồn chi phí cho mình và bảo vệ tiền ngân sách được chi trả không đúng đối tượng.

Để rõ thêm các khúc mắc này, chúng tôi đã tìm tới Cty MTV Hải Dương. Đại diện Cty, ông Nguyễn Văn Phụ - Phó giám đốc cho biết: Chúng tôi chỉ là đơn vị quét dọn, thu gom và vận chuyển rác cho UBND tỉnh Hải Dương. Giá xử lý rác thải có muốn lên hay xuống là phụ thuộc vào UBND tỉnh, chúng tôi không có quyền quy định giá. Hiện nay, ngoài rác của khu vực TP Hải Dương, chúng tôi còn có nhận thu gom, vận chuyển rác ở một số khu công nghiệp.

Cũng theo ông Phụ, tùy vào vị trí xa hay gần mà Cty MTV sẽ xây dựng đơn giá và kí hợp đồng thu gom vận chuyển rác. Bình quân giá giao động từ 60 nghìn- 200 nghìn/tấn. Trước những văn bản kiến nghị của Cty APT, Cty MTV đã khuyến cáo họ có văn bản gửi tỉnh để có phương án. Chúng tôi cũng đang chờ vì chưa thấy UBND tỉnh có ý kiến về vấn đề này.

Được biết, giữa những bất đồng và mâu thuẫn này, trong biên bản làm việc ngày 14-10-2015, đại diện Phòng Tài nguyên-Môi trường Thành phố Hải Dương đã có ý kiến: Cty MTV có trách nhiệm thống kê rác thải của các doanh nghiệp trên địa bàn từ ngày 1/4/2015 đến ngày 30/9/2015. Về đơn giá chưa thống nhất được giữa 2 đơn vị, đề nghị có kiến nghị tới UBND tỉnh xem xét để cho ý kiến thực hiện.

Sự chập chờn này lại làm cho người dân Cổ Chẩm, nơi có nhà máy xử lý rác của Cty APT thêm lo toan. Vì đến nay Cty APT vẫn giữ quan điểm là đến ngày 30/10/2015, nếu đơn giá đề nghị của APT không được các cơ quan quản lý phê duyệt thì APT sẽ chỉ tiếp nhận rác của cá nhân và các hộ gia đình theo quy định hỗ trợ của Nghị định 38/NĐ-CP. Đồng nghĩa như vậy, sẽ có cả trăm tấn rác mỗi ngày không có nơi nhận xử lý gây ô nhiễm cho người dân.

Đơn Thương