Hàng rào cấm vận Iran sắp được gỡ bỏ
Giới chức Mỹ và châu Âu hôm 19/10 cho hay kể từ ngày 18-10,họ đã bắt đầu quá trình gỡ bỏ các lệnh cấm vận vốn làm suy yếu nền kinh tế của Iran trong suốt một thời gian dài khi Thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa nhóm P5+1 và nước này có hiệu lực.
Mỹ, phương Tây và Iran đang tích cực hướng đến việc thực thi
hoàn toàn thỏa Thuận hạt nhân lịch sử. (Nguồn: IBtimes).
Tiến trình 3 tháng
Tiến trình gỡ bỏ lệnh cấm vận đã bắt đầu được 90 ngày kể từ sau khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Thỏa thuận Vienna được ký kết hồi tháng bảy vừa qua, một cột mốc được giới ngoại giao gọi là “Ngày thông qua”. Tuy nhiên, các công ty nước ngoài sẽ không thể phục hồi mối quan hệ với ngành công nghiệp dầu khí và các ngân hàng của Iran ngay lập tức bởi các lệnh cấm vận sẽ vẫn còn hiệu lực cho đến khi Tehran thực hiện đầy đủ cam kết trong Thỏa thuận.
Giai đoạn tiếp theo trong tiến trình này – được gọi là “Ngày thực thi” – sẽ chỉ đến khi mà các quan sát viên thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận rằng Iran đã ngừng phần lớn chương trình hạt nhân của họ. Iran nói rằng tiến trình dai dẳng này sẽ có thể bắt đầu trong tuần này. Tehran sẽ buộc phải từ bỏ các lò phản ứng, từ bỏ hầu hết các máy li tâm và ngừng hoạt động một lò phản ứng có khả năng sản xuất plutonium đã làm giàu.
Chỉ khi đó thì lời hứa hẹn gỡ bỏ lệnh cấm vận mà Tổng thống Mỹ Barack Obama từng đưa ra mới có thể có hiệu lực, và các mối quan hệ thương mại quốc tế mới trở lại Tehran. “Ngày hôm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc ngăn cản Iran có được vũ khí nguyên tử và đảm bảo rằng chương trình hạt nhân của họ mang mục đích hòa bình” – ông Obama nói trong một tuyên bố ngày 19-10.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người từng đóng vai trò trung tâm trong các vòng đàm phán giữa Iran và các cường quốc phương Tây nói thêm rằng: “Nếu được thực thi đầy đủ, Thỏa thuận này sẽ mang đến một viễn cảnh và sự ổn định chưa từng có tiền lệ đối với chương trình hạt nhân của Iran”.
Cùng lúc, Liên minh châu Âu (EU) cũng thông qua một khung làm việc chính thức nhằm gỡ bỏ cấm vận đối với Iran. Thỏa thuận này “sẽ mang đến cho chúng ta một bước tiến gần hơn đến việc thực thi hoàn toàn Thỏa thuận mà các bên đã cam kết”- Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh-đối ngoại của EU Federica Mogherini tuyên bố.
Nhiệm vụ đầy thách thức
Ali Akbar Salehi, người đứng đầu cơ quan nguyên tử của Iran, hiện đang chờ đợi chỉ thị từ Tổng thống Hassan Rouhani nhằm gỡ bỏ hàng nghìn các máy li tâm từ các cơ sở hạt nhân như Natanz và Fordo.“Điều chúng tôi cần phải làm là một nhiệm vụ to lớn. Chúng tôi hy vọng sẽ bắt đầu việc đó trong tuần này hoặc tuần tới” - ông Salehi nói.
Việc dỡ bỏ các máy li tâm trên - vốn được sử dụng để làm giàu uranium - là một phần trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết hôm 14-7 vừa qua, được biết đến dưới cái tên “Kế hoạch Hành động Toàn diện”, giữa Iran và nhóm 6 cường quốc. Ngoài việc giảm mạnh số lượng các máy li tâm ở Natanz và Fordo xuống còn khoảng 6.000, Iran còn phải đáp ứng được yêu cầu của IAEA rằng lò phản ứng Arak của họ không được sử dụng vì mục đích quân sự.
Phía Trung Quốc hiện đã nhất trí sẽ cùng làm việc với phía Iran và Mỹ trong việc “cải tạo” lò phản ứng Arak, để lò phản ứng này không thể sản xuất plutonium được nữa- giới chức Mỹ cho hay.
Iran từ lâu đã luôn bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ đang tìm cách sở hữu vũ khí nguyên tử, thứ vũ khí có thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực Trung Đông vốn đã bất ổn.