Bà Mặt trận ở nơi làng lên phố

Nguyễn Phượng 22/10/2015 09:05

Bây giờ, mỗi khi nhắc lại kỷ niệm về đi vận động hiến đất mở đường, bà Hương vẫn chưa thôi xúc động. Phải quyết tâm lắm, bà mới vượt qua những lời dị nghị.

Bà Nguyễn Thị Hương (thứ 2 từ phải sang trái) cùng các thành viên bàn bạc công việc.

Phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội từ làng lên phố cách đây ít năm kéo theo bao nhiêu biến động về kinh tế - xã hội. Cùng lúc ấy, phải vận động người dân thay đổi nếp sống ở làng quê để theo kịp nếp sống văn minh đô thị. Công tác Mặt trận trên địa bàn đứng trước nhiều thách thức. Nhưng sự năng nổ, nhiệt tình của “bà Mặt trận” Nguyễn Thị Hương đã góp phần tích cực trong việc xây dựng bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại.

Năm 2004, quận Long Biên được thành lập. Địa bàn phường Giang Biên vốn là một làng quê thanh bình bên bờ sông Đuống bỗng đổi thay chóng mặt. Ngày ngày những đoàn người đến từng ngõ ngách “săn” đất. Từ đầu làng cuối ngõ, người ta chỉ nói chuyện đất đai. Kẻ mừng, nhưng cũng lắm người lo. Bài học ở nhiều địa phương khi những cơn sốt đất tràn qua vẫn còn nóng hổi. Gia đình mâu thuẫn vì đất đai. Tệ nạn xảy đến khi người ta đột ngột ngồi trên đống tiền nhờ bán đất.

Với thâm niên 17 năm làm công tác Mặt trận, bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Giang Biên thấu hiểu được những khó khăn mà người làm công tác xã hội phải đối mặt. Đúng lúc ấy, để chỉnh trang bộ mặt đô thị, quận Long Biên có chủ trương vận động người dân hiến đất mở đường, để tạo ra những con đường khang trang, sạch đẹp. Những lúc “nước sôi lửa bỏng” ấy, bà Hương cứ chạy như con thoi đến từng hộ gia đình để phổ biến chính sách. Nhiều hôm quên cả cơm nhà.

Lâu nay, người ta chỉ nghe chuyện ở làng quê hiến đất, chứ mấy ai nghe chuyện thành phố hiến đất bao giờ. Lý do đơn giản vì đất thành phố giá trị. Nhìn bà Hương lăn lộn suốt ngày với công việc, không ít lời bàn tán, dè bỉu. Người ta bảo chắc bà này phải có lợi gì mới hăng đi vận động đến thế.

Cùng một con đường, vận động được một nhà, rồi hai nhà… đã thấy mừng lắm, tưởng có người gương mẫu đi trước rồi, sẽ có người làm theo. Nhưng đến nhà tiếp theo lại “tắc” hơn những điều bà nghĩ. Sợ mất đất người ta sinh ta cay cú. Vừa nói xấu những người đã hiến đất là “thừa tiền”, vừa gây sức ép lên con cái.

Ngày nào các con bà cũng bị thiên hạ bảo là “mẹ cậu tham tiền nên đi vận động”, lại bị các vật lạ thường xuyên bay vào nhà bất thường, cậu con trai bà Hương có hôm thở dài bảo: “Thôi có khi mẹ nghỉ đi ạ. Người ta nói thế này con mệt mỏi lắm”. Bà Hương cũng trĩu nặng trong lòng.

Chủ trương của cấp trên là đúng đắn. Đảng ủy, chính quyền tin tưởng giao cho nhiệm vụ. Lùi một bước thì nhẹ gánh cho gia đình. Nhưng thế là thất bại. Làm công tác vận động không gì hơn là “vũ khí” kiên trì. Bà xem lại danh sách những hộ gia đình chưa đồng ý với chủ trương, suy nghĩ tìm giải pháp thích hợp với từng đối tượng…

Cuối cùng thì hôm làm con đường mới, chính những người “gan lì” nhất trước kia cũng mỉm cười cùng bà con hàng xóm. Đường rộng rãi hơn, đi lại thuận tiện hơn, mà chính ngôi nhà họ cũng đẹp lên. Cái lý của “bà Mặt trận” đã thắng. Hy sinh một chút của cá nhân, được lợi cho cả cộng đồng.

Bây giờ, mỗi khi nhắc lại kỷ niệm về đi vận động hiến đất mở đường, bà Hương vẫn chưa thôi xúc động. Phải quyết tâm lắm, bà mới vượt qua những lời dị nghị. Bà cho rằng, khó khăn nhất phải kể đến là từ năm 2010 đến 2014, khi phường Giang Biên “mọc” thêm nhiều dự án thì những mảnh đất thổ cư của người dân cũng bị thu hồi để nhường chỗ cho các khu đô thị, trung tâm vui chơi giải trí. Nhưng giá cả giữa bán ngoài thị trường với giá Nhà nước đền bù vênh nhau một trời một vực đã khiến người dân không đồng thuận.

Đứng trước tình cảnh đó, bà Hương đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền để tổ chức họp các hộ gia đình mà chưa chịu nhận tiền đền bù đất để trao đổi, tìm hướng gỡ khó. Đội vận động quần chúng, nòng cốt là Mặt trận đã được thành lập ngay sau đó với mục đích đến từng nhà, vận động từng người để người dân hiểu được chủ trương của Nhà nước là đúng đắn. Sau những ngày kiên trì thuyết phục, những hộ dân “cứng đầu” nhất đã nhận tiền đền bù và giao mặt bằng cho địa phương xây dựng dự án, đảm bảo đúng tiến độ. Nhờ đó, đến nay trên từng đoạn đường rộng dài của phường Giang Biên đã được chỉnh trang theo hướng văn minh, hiện đại.

Với những đóng góp trong công tác Mặt trận, bà Hương đã vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương và Thành phố. Và trong hội nghị biểu dương cán bộ MTTQ tiêu biểu toàn quốc năm 2015 do Ủy ban TW MTTQ Việt Nam tổ chức, bà được đề cử nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Có lẽ đó chính là món quà giá trị nhất, không gì có thể đong đếm được đối với một nữ cán bộ Mặt trận như bà.

Nguyễn Phượng