Tự nguyện làm thêm giờ vì lương thấp

Khanh Lê 22/10/2015 01:17

Bộ LĐTB&XH Hà Nội vừa tổng kết chiến dịch thanh tra lao động trong ngành dệt may 2015, qua thanh tra 152 doanh nghiệp đã phát hiện hơn 1.700 sai phạm. Điều đáng nói là tỷ lệ vi phạm các quy định về thời gian làm việc, tiền lương, tiền công, dụng cụ bảo vệ cá nhân, ATVSLĐ… vẫn ở mức đáng báo động. 

Ảnh minh họa.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Huỳnh Văn Tý, hiện cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp dệt may. Lực lượng lao động trong ngành dệt may rất lớn, thu hút hơn 2,5 triệu lao động; chiếm khoảng 25% lao động của khu vực kinh tế công nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm khá nhanh 14,5 %, ngành dệt may luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các sai phạm về lao động.

Xuất phát từ thực tế này, được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Thanh tra Bộ đã phối hợp với các đối tác ba bên (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) triển khai thí điểm Chiến dịch thanh tra lao động năm 2015 trong lĩnh vực may mặc, nhằm mục đích nâng cao nhận thức về tuân thủ pháp luật lao động tại nơi làm việc cho người sử dụng lao động cũng như người lao động, tạo nên mối quan hệ lao động hài hòa, góp phần tạo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội.

Chiến dịch được thực hiện tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước trong thời gian 4 tháng (từ tháng 5/2015 đến tháng 9/2015). Qua thanh tra, các đoàn thanh tra đã phát hiện 1.786 sai phạm (trung bình 12 sai phạm/doanh nghiệp), qua đó đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các kiến nghị nhằm khắc phục những sai phạm trên.

Các đoàn thanh tra đã lập 19 biên bản vi phạm hành chính để xử lý 19 doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật lao động với tổng số tiền xử phạt là 594 triệu đồng. Trong đó, lỗi vi phạm nhiều nhất là huy động người lao động làm thêm quá số giờ quy định.

Nguyên nhân của những sai phạm trên, theo ông Nguyễn Tiến Tùng – Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH do các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về chính sách lao động, tiền lương và an toàn, vệ sinh lao động để thực hiện.

Bên cạnh đó do mức lương trung bình trong ngành may mặc thấp buộc người lao động tự nguyện làm thêm giờ quá khả năng tái tạo sức lao động: Hầu hết các doanh nghiệp đều trả lương đúng bằng mức lương tối thiểu vùng (chỉ thêm 5% phụ cấp nghề độc hại và 7% với lao động đã qua đào tạo); trong khi người lao động (chủ yếu là nữ), không đủ trang trải mức sống tối thiểu, thuê nhà và nuôi con, nên họ đều phải tự nguyện làm thêm giờ theo yêu cầu của chủ doanh nghiệp.

Đánh giá về chiến dịch thanh tra lần này, Thứ trưởng Huỳnh Văn Tý khẳng định: Thông qua việc thanh tra ngành chức năng có thêm cơ sở để kiến nghị, tham mưu xử lý những vấn đề đang còn bất cập trong việc tuân thủ pháp luật và lao động, hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe và quyền lợi cho người lao động, bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và của toàn xã hội.

Nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa tham gia Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này càng đòi hỏi ngành dệt may tuân thủ thêm những ràng buộc của luật pháp trong nước và quốc tế.

Khanh Lê