Trăm mối lo chung cư giá rẻ

Duy Phương 22/10/2015 09:35

Nơi ở khá tiện nghi, có không gian vui chơi, chỗ để xe thuận lợi, đặc biệt giá cả hấp dẫn… đó là những điều kiện để người mua nhà lựa chọn các dự án chung cư giá rẻ. Nắm bắt được nhu cầu này, hàng loạt các dự án nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội được tung ra thị trường. Tuy nhiên, dường như giá rẻ thường đi kèm với chất lượng cũng… tầm thường.

Ảnh tư liệu.

Người dân bất an

Sau vụ cháy khiến cho hàng trăm chiếc xe máy xe đạp, ô tô biến thành đống tro tàn ở khu chung cư CT4 Xa La (Hà Đông, Hà Nội), nhiều người dân ở khu chung cư này bắt đầu cảm thấy lo ngại về sự an toàn nơi đây.

Anh Nguyễn Văn Nam, người dân ở chung cư này cho biết, anh đã chạy đôn chạy đáo hàng tháng trời mới lo xong thủ tục để vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng mua một căn hộ ở khu chung cư. Ở chưa được bao lâu, đã xảy ra vụ cháy nổ khiến anh Nam cùng nhiều người dân tại đây bất an.

“Ở nhà cao tầng thoáng đãng, điều kiện thuận lợi, giá chỉ hơn chục triệu đồng/m2, đó là mơ ước bấy lâu của vợ chồng tôi. Thế nhưng, vụ hỏa hoạn vừa rồi thực sự trở thành nỗi kinh hoàng của những người đã chót mua nhà chung cư và ở tầng cao như tôi” - anh Nam chia sẻ.

Không chỉ lo lắng về hỏa hoạn cháy nổ, anh Nam cho biết, ở tầng 9, mỗi lần đi tháng máy, bước vào trong chỉ sợ thang máy rơi tự do hoặc mất điện thì bị mắc kẹt lại trong thang máy.

Trước đó, tại khu chung cư HH4A Linh Đàm, cũng đã xảy ra vụ hỏa hoạn khiến cho cư dân ở đây một phen hú vía. Người dân ở khu chung cư này cho biết, sau khi về khu chung cư này một thời gian, không thấy có vấn đề gì xảy ra, ai cũng an tâm. Thế nhưng chỉ sau khi có sự cố hỏa hoạn, người dân mới biết, hệ thống phòng cháy, chữa cháy của tòa nhà vẫn chưa được hoàn thiện.

Theo chị Nguyễn T.H. (người dân không muốn nêu tên) của khu chung cư này, ban quản lý tòa chung cư HH4 đã thừa nhận, tòa nhà HH4A Linh Đàm mặc dù chưa hoàn thiện nhiều hạng mục, trong đó có hệ thống phòng cháy, nhưng vẫn bàn giao cho người dân.

Đi kèm với mối lo cháy nổ, người dân còn hoảng hồn vì ở chung cư mới mà như ở nhà cổ lâu năm vì tường bục, ngấm nước, nứt trần, long nền… Trường hợp của ông Nguyễn Đức, ở khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) là một ví dụ. Ông Đức cho biết, nhà ông vừa mới nhận đã thấy xuống cấp. Nhà kiểu gì mà vừa khoan tường đã bục ra hàng mảng. Muốn sửa sang một chút cho nhà đẹp cũng khó” – ông Đức than thở.

Nhà ở thương mại giá rẻ hay nhà ở dành cho người thu nhập thấp nhanh chóng bị xuống cấp, hư hỏng đã trở thành tình trạng chung đã và đang gây nên những bức xúc trong dư luận xã hội.

Nhiều người dân tại chung cư nhà ở xã hội Ecohome (Bắc Từ Liêm) hiện cũng sống chung với nỗi lo “vữa rơi, tường bục”. Họ cho biết, dù là chung cư mới, song, tình trạng bong tróc tường, nứt trần, đá gạch lát nền vỡ nát… đã trở thành chuyện “cơm bữa”.

Trách nhiệm với người dân của chủ đầu tư chưa cao.

Vai trò của nhà quản lý ở đâu?

“Nỗi niềm ở nhà chung cư” giờ đây đã là câu cửa miệng của nhiều người dân thủ đô. Không ít người dân sau các vụ hỏa hoạn, cháy nổ tại các khu chung cư chỉ muốn ngay lập tức bán được nhà để chuyển xuống… mặt đất ở cho yên tâm. Điều này cho thấy, sự vô trách nhiệm của các chủ đầu tư đối với các dự án, công trình nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ đã quá rõ ràng.

Ngay cả những dự án nhà ở đang xây dựng, chưa kịp bàn giao đã sụt lún, vá víu như dự án Geleximco ở Lê Trọng Tấn (Hà Nội). Qua khảo sát của phóng viên, mặc dù dự án này vẫn đang trong thời gian xây dựng, nhưng nhiều hạng mục công trình đã bong tróc, sụt lún, vá víu… Dường như, với tư duy, nhà ở xã hội, nhà giá rẻ nên chất lượng cũng… rẻ đã khiến các chủ đầu tư đành lòng “đem con bỏ chợ”? Chỉ lo cho xong lợi nhuận bản thân, còn hệ lụy ra sao, người dân phải gánh chịu?

Quay trở lại vấn đề mất an toàn cháy nổ, hàng loạt các sai phạm đã được chỉ ra, như tại khu chung cư HH4 Linh Đàm, thông tin từ Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, mặc dù đã đưa vào sử dụng, người dân đã dọn đến ở nhưng các hoạt động liên quan đến phòng cháy chữa cháy đều bị bỏ ngỏ. Đáng lo ngại, tính đến quý II-2015, toàn thành phố có 891 công trình nhà cao tầng, trong số 779 công trình đã đưa vào sử dụng thì có 60 công trình chưa được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, 121 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Dường như, câu chuyện chung cư giá rẻ không còn là chuyện mới, song, càng ngày càng xảy ra nhiều sự vụ đe dọa đến sự an toàn của người dân khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Có hay không trách nhiệm của chủ đầu tư đối với các dự án chung cư? Và tại sao lại có tình trạng nhà ở chưa hoàn thiện đã được bàn giao cho người dân, vai trò của cấp quản lý ở đâu? Chẳng lẽ, tính mạng của người dân lại bị coi rẻ đến vậy?

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng từng nêu quan điểm, trong Chiến lược phát triển nhà ở xã hội đã xác định, nhà ở dành cho người thu nhập thấp nhưng chất lượng không thấp.

Song, những diễn biến nói trên cho thấy, các chủ đầu tư đang coi trọng lợi nhuận của mình nhiều hơn là trách nhiệm đối với cuộc sống của người dân, nó thể hiện quá rõ ở những công trình chưa xây xong đã sụt lún, hay những tòa nhà chưa hoàn thiện đã được bàn giao…

Theo giới chuyên gia xây dựng, một phần của tình trạng này chính là sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng. Và nếu như không có chế tài đủ mạnh, số phận của các khu chung cư, đô thị mới và tính mạng của người dân sẽ còn thường trực đối diện với những hiểm nguy.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, để giải quyết thực trạng này, ngoài việc cần xử lý nghiêm các chủ đầu tư chúng ta cũng cần xem xét lại trách nhiệm, vai trò của nhà quản lý, cơ quan có thẩm quyền đối với vấn đề này.

Duy Phương