Góp ý vào Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng XII: Về công tác Mặt trận
Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của Cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với ý nghĩa quan trọng đó, tôi đã nghiên cứu kỹ những nội dung Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng XII liên quan đến công tác Mặt trận và xin được đóng góp ý kiến vào một số vấn đề cụ thể.
Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dự ngày hội Đại đoàn kết
toàn dân tộc với nhân dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
1- Trong các bài học của 30 năm đổi mới cần nêu bật những bài học về công tác Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả hệ thống chính trị, trong đó nói rõ hơn về công tác Mặt trận.
Nhìn lại 30 năm đổi mới, Dự thảo Báo cáo Chính trị rút ra 5 bài học. Tôi đồng tình với bốn bài học đầu tiên là: 1/ Kiên trì đổi mới, đổi mới chủ động và sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 2/ Đổi mới phải lấy dân là gốc. 3/ Đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp. 4/ Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Còn bài học thứ năm trong Dự thảo được viết như sau:
“Năm là, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả hệ thống chính trị; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân”.
Bài học thứ năm trong Dự thảo đã gộp ba lĩnh vực quan trọng với những nội dung về Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể. Việc để ba nội dung này vào một bài học là chưa hợp lý, dẫn đến phân tích sơ sài, không đúng tầm vóc. Tôi đề nghị bài học này tách thành ba bài học và được gọi là bài học thứ năm, bài học thứ sáu và bài học thứ bảy, thể hiện như sau:
Bài học thứ năm:
“Năm là, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ”.
Bài học thứ sáu:
“Sáu là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; coi trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; hoàn thành hệ thống pháp luật với chất lượng cao để xây dựng và quản lý xã hội văn minh, lịch sự và tiên tiến”.
Bài học thứ bảy:
“Bảy là, coi trọng vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả hệ thống chính trị. Vai trò quan trọng đó chỉ có thể phát huy khi các nội dung hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân được thể chế hoá, luật pháp hoá".
2- Bổ sung vai trò Mặt trận trong mục “VIII- Quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”.
Tôi đề nghị bổ sung và nhấn mạnh các nội dung sau:
1/ Cần nhấn mạnh vấn đề công bằng xã hội. Phải có chính sách thiết thực để xoá bỏ chênh lệch giàu – nghèo. Coi trọng vai trò Mặt trận trong việc giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội, phát triển xã hội hài hoà, bảo đảm an ninh và an toàn xã hội.
2/ Nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của phát triển xã hội bền vững. Có cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể xã hội được tham gia xây dựng và thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội; có các giải pháp quản lý hiệu quả để giải quyết những bức xúc, mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột trong xã hội.
3/ Trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm thích đáng đến các tầng lớp nhân dân còn gặp nhiều khó khăn trong xã hội, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Cần đa dạng các hình thức từ thiện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người yếu thế. "Giúp đỡ những người nghèo khó là đạo lý của người Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò chủ trì phong trào “Vì người nghèo”, xây dựng cơ chế quản lý và sử dụng có hiệu quả “Quỹ vì người nghèo”.
3- Bổ sung vai trò Mặt trận trong mục “XII- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân”.
Tôi đề nghị bổ sung và nhấn mạnh các nội dung sau:
1/ Phát huy đầy đủ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Cần đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để có những chủ trương phù hợp.
2/ Kịp thời thể chế hoá bằng hệ thống pháp luật các chủ trương, quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân. Xây dựng Luật Hoạt động giám sát và phản biện xã hội mà trong đó Mặt trận Tổ quốc giữ vai trò trọng yếu và huy động các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia.
3/ Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật. Mặt trận giữ vai trò cầu nối giữa các tôn giáo với Đảng và Nhà nước.
4/ Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị viết: “Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào định cư ở nước ngoài ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước”. Tôi đề nghị viết thêm nội dung về vai trò Mặt trận: Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể xã hội thực hiện các nhiệm vụ giúp đỡ đồng bào Việt Nam định cư ở nước ngoài.
5/ Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị nêu rõ: “Tiếp tục tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động ngoại giao nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tôi đồng tình với nội dung này. Tuy nhiên, về hoạt động ngoại giao nhân dân (lâu nay thường gọi là đối ngoại nhân dân), tình trạng hiện nay rất phân tán, hiệu quả thấp. Tôi đề nghị nên nêu rõ: Mặt trận giữ vai trò chủ trì trong hoạt động đối ngoại nhân dân.
4- Bổ sung vai trò Mặt trận trong mục “XIII- Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân”.
Tôi đề nghị bổ sung:
Cần Luật hoá các vấn đề :
- “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”.
- “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
- Trong Dự thảo nêu: “Tổ chức thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội” là chưa thoả đáng vì tính pháp lý thấp. Vì thế cần xây dựng Luật Giám sát và phản biện xã hội.
Trong Dự thảo nêu: “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” là chưa rõ, cần nói rõ việc quy định ở văn bản nào? Tôi đề nghị, rất cần phải có văn bản của Ban Chấp hành Trung ương đồng thời cần có Luật quy định vấn đề này.
Trong Dự thảo nêu: “Bảo đảm để nhân dân tham gia tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân. Tạo điều kiện để nhân dân được nêu sáng kiến, được tham gia thảo luận, tranh luận, đặc biệt là giám sát quá trình thực hiện”. Tôi đồng ý, nhưng cũng cần có văn bản pháp luật quy định về nội dung này.
5- Bổ sung vai trò Mặt trận trong mục “XV- Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”
Tôi đề nghị bổ sung và nhấn mạnh các nội dung sau:
1/ Kết hợp chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (nhiệm kỳ XI) với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm.
2/ Tôi cho rằng, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trước hết là cần nghiên cứu bổ sung Điều lệ Đảng với các nội dung:
- Quy định cụ thể các chức năng, nhiệm vụ của từng chức danh và tổ chức của Đảng như Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư...
- Quy định cụ thể về nội dung, trình tự, thủ tục chất vấn.
- Quy định nội dung, trình tự, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm.
- Quy định việc tranh cử trong Đảng để thực hiện dân chủ trong việc chọn nhân tài.
- Quy định đầy đủ hơn vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong việc xây dựng Đảng trong sạch và vững mạnh.
- Tổ chức tốt việc lấy ý kiến của nhân dân tham gia vào các vấn đề quan trọng của đất nước. Việc này giao cho Mặt trận Tổ quốc là tốt nhất. Kinh nghiệm vừa qua, việc lấy ý kiến nhân dân trong các cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân đã được Mặt trận Tổ quốc từ Trung ương đến các địa phương thực hiện khá tốt.