Trường Đại học Việt Đức: Hướng đến đẳng cấp quốc tế
Sau hơn 7 năm thành lập, đến nay Trường Đại học Việt Đức (ĐHVĐ) được đánh giá là một trong những trường có mô hình hợp tác đào tạo hiệu quả nhất tại Việt Nam. Với sự hỗ trợ từ rất nhiều trường đại học, giảng viên, chuyên gia, khoa học công nghệ của nước Đức, những sinh viên, học viên của trường sẽ đáp ứng tốt nhu cầu hội nhập quốc tế và sự phát triển của đất nước.
Trường Đại học Việt Đức trang bị những thiết bị hiện đại cho sinh viên thực hành, nghiên cứu
Xây dựng theo mô hình mới tại Việt Nam
TS. Hà Thúc Viên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học ĐHVĐ cho biết, Trường Đại học Việt Đức (ĐHVĐ) là trường công lập đầu tiên thuộc dự án xây dựng đại học theo mô hình mới, được thành lập trên cơ sở hợp tác với một quốc gia đối tác, là bước triển khai cụ thể Nghị quyết của Chính phủ về đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, những định hướng lớn trong việc “Xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam đạt trình độ đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của nước ta, có khả năng cạnh tranh quốc tế; tạo mô hình trường đại học mới có tác dụng thúc đẩy, tạo động lực cho đổi mới hệ thống giáo dục đại học nước nhà”.
Khởi đầu là sáng kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen, ngày 1-9-2008, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trường ĐHVĐ. Đến 10-9-2008 trường chính thức khai trương và khai giảng khóa đầu tiên với 35 sinh viên chương trình đào tạo cử nhân ngành Kỹ thuật điện và Công nghệ thông tin, hoạt động giảng dạy của trường bắt đầu chỉ vài ngày sau đó.
Để đạt được mục tiêu của mình, Trường ĐHVĐ tiếp nhận và triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn của các trường đại học đối tác Đức. Trong giai đoạn 2008 – 2021, trọng tâm đào tạo của ĐHVĐ là các ngành kỹ thuật – công nghệ và các ngành kinh tế và quản trị mũi nhọn của Đức, thiết thực với nhu cầu phát triển của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Toàn bộ chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Trong quá trình học tập, sinh viên cũng được học tiếng Đức song song. Sinh viên tốt nghiệp được nhận bằng của CHLB Đức và bằng của Trường ĐHVĐ, mở ra cho các sinh viên tốt nghiệp của trường nhiều cơ hội việc làm, cũng như tiếp tục đào tạo, nghiên cứu lên bậc cao hơn.
Sau hơn 7 năm thành lập, đến nay Trường ĐHVĐ đã triển khai được tổng cộng 11 chương trình đào tạo, trong đó có 7 chương trình đào tạo bậc thạc sỹ, 4 chương trình đào tạo bậc cử nhân thuộc 5 khối ngành, trong đó có những ngành chuyên sâu về khoa học – công nghệ như: Kỹ thuật điện và Công nghệ thông tin; Tính toán kỹ thuật và mô phỏng trên máy tính; Phát triển đô thị bền vững; Hệ thống thông tin doanh nghiệp; Cơ điện tử và Công nghệ cảm biến; Giao thông Vận tải; Khoa học máy tính; Kỹ thuật sản xuất toàn cầu; Kỹ thuật cơ khí.
Theo TS. Hà Thúc Viên, “Trước đây với cương vị là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó là Phó Thủ tướng Chính phủ, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân là người đặt nền tảng cho việc triển khai dự án xây dựng Trường ĐHVĐ. Đặc biệt, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân là người có nhiều năm học tập và làm việc tại Đức, có mối quan hệ gần gũi với phía Đức, là điểm thuận lợi để xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức. Trong suốt quá trình xây dựng, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân đã có những đóng góp to lớn cho phát triển của trường thông qua những chỉ đạo tích cực, thường xuyên. Ngay cả khi chuyển sang làm Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân vẫn quan tâm, theo dõi đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nhà trường”.
Đóng góp nhân lực vào “cuộc chơi toàn cầu”
Theo kế hoạch phát triển đào tạo giai đoạn 2015-2021 đã được Hội đồng Trường phê duyệt, Trường ĐHVĐ sẽ triển khai đào tạo 6 khối ngành: Điện tử viễn thông, Cơ khí, Xây dựng - Kiến trúc, Kỹ thuật môi trường và chế biến, Kinh tế và Quản lý, Khoa học máy tính, với tổng số 23 chương trình đào tạo; đạt mục tiêu 5.000 sinh viên, trong đó khoảng 4.000 sinh viên đại học, 1.000 sinh viên cao học. Sau năm 2021, nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng ngành nghề đào tạo sang các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thiết thực với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, quy mô đào tạo dự kiến đạt 12.000 sinh viên sau năm 2030.
Chất lượng đào tạo tại trường được đảm bảo, tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng cao của hệ thống giáo dục Đức, sinh viên, học viên ra trường đều có cơ hội được đảm bảo chuyển tiếp học tại các trường đại học của Đức hoặc châu Âu. Đến nay, đã có 215 sinh viên ra trường gồm 74 sinh viên bậc đại học và 141 học viên cao học. Tỷ lệ sinh viên, học viên ra trường có việc làm rất cao. Đây là kết quả của sự nỗ lực và hợp tác chặt chẽ của hai chính phủ Việt Nam và Đức và của Trường ĐHVĐ. “Mô hình đào tạo này càng trở nên thiết thực hơn khi Việt Nam vừa mới đàm phán xong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tôi hy vọng trên cơ sở hỗ trợ của các trường đại học Đức, khoa học kỹ thuật nước Đức, các sinh viên của trường sẽ đủ năng lực, đóng góp lớn vào cuộc chơi toàn cầu này”- TS. Hà Thúc Viên đánh giá.
Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu của trường đã đạt được những thành tựu nhất định, đặc biệt là sau khi đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường được tuyển dụng. Các công trình nghiên cứu đã được đăng tải trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành uy tín. Trường đã chủ trì tổ chức nhiều hội nghị quốc tế trong lĩnh vực sản xuất, giao thông đô thị, phát triển đô thị bền vững và quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhằm thúc đẩy đào tạo nguồn cán bộ giảng dạy cho trường trong quá trình Việt Nam hóa, nhà trường cũng đã gửi 8 cán bộ theo học tiến sỹ tại các trường đại học của Đức thông qua Chương trình học bổng 911 của Chính phủ và học bổng của Cơ quan Trao đổi Hàn lâm CHLB Đức.
Trong giai đoạn đầu thành lập, đa số nhân sự của trường là các cán bộ quản lý và giảng viên do Chính phủ Đức và các trường đối tác Đức cử sang để hỗ trợ đội ngũ cán bộ, giảng viên ít ỏi người Việt trong quá trình xây dựng và phát triển trường (tỷ lệ 80% người Đức và 20% người Việt). Tương quan tỷ lệ này sẽ thay đổi trong những năm tiếp theo với số lượng nhân sự người Đức giảm dần và số lượng nhân sự người Việt tăng dần để đạt tỷ lệ 80% người Việt và 20% nhân sự người Đức vào năm 2020. Quá trình “Việt Nam hoá” này được thực hiện dần từng bước thông qua các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao, cũng như qua việc tuyển dụng đội ngũ cán bộ khoa học và quản lý người Việt đã có thâm niên học tập ở Đức. Công tác đào tạo nghiên cứu sinh ở đây chính là mục tiêu trung tâm của quá trình Việt Nam hoá đội ngũ cán bộ khoa học. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường là 128 người. Các cán bộ, nhân viên của trường hoặc tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu ở Việt Nam hoặc các trường đại học ở nước ngoài; ngoài kiến thức chuyên môn phù hợp vị trí công việc đều có thể sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ (tiếng Anh); một số cán bộ, nhân viên người Việt có thời gian theo học ở Đức có thể sử dụng thêm một ngoại ngữ khác là tiếng Đức.
Hiện nay, dự án khuôn viên mới của trường đã trải qua 7 đợt giám sát của Ngân hàng Thế giới và đã được ngân hàng này đánh giá là dự án đi đúng hướng. Theo đó, dự án này sẽ được xây dựng trên diện tích 50,5 ha tại phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Nay đã được đền bù và giải phóng mặt bằng, Ban quản lý dự án đang tích cực chuẩn bị công tác khởi công khuôn viên mới vào Quý IV năm 2016. Khuôn viên được thiết kế các phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu, xây dựng chính sách nghiên cứu và đào tạo…Dự kiến hoàn thành vào năm 2019.