Nhanh chóng đưa chính sách vào cuộc sống

H.Vũ - M.L. (ghi) 22/10/2015 22:16

Nhận định về báo cáo kinh tế - xã hội năm 2015, 5 năm 2011-2015, bên lề QH hôm 22/10, nhiều ĐB cho rằng dù đã đạt được những kết quả bước đầu, song vẫn cần phải nhanh chóng đưa chính sách vào cuộc sống.

Nhanh chóng đưa chính sách vào cuộc sống

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Nhanh chóng khắc phục nợ xấu

8 giải pháp Chính phủ đưa ra đã phản ánh đầy đủ, toàn diện yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước năm 2016, trong đó nhấn mạnh phát triển nông công nghiệp, các lĩnh vực văn hóa xã hội, đặc biệt về quốc phòng an ninh, phòng chống tham nhũng, tăng cường tiết kiệm trong chi tiêu.

Trong đó giải pháp quan trọng nhất là làm thế nào để khắc phục tình trạng nợ xấu, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước trong năm 2016. Trong các giải pháp khác mang tính tích cực, hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển Chính phủ cũng chú trọng các chính sách an sinh xã hội, nhất là những chính sách về người có công, nâng lương, quyền lợi của người lao động nhấn mạnh đến sự cân đối giữa đào tạo và sử dụng lao động để hạn chế tỷ lệ thất nghiệp hiện nay.

ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình): Sự phối hợp chưa kịp thời

Chúng ta tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt kiểm soát được vững chắc hơn và đây là nền tảng cơ sở để ta phát triển, đạt được những kết quả khả quan. Chúng ta đã thực hiện khá tốt bước đầu về 3 đột phá chiến lược trong đó, thể chế đã đạt được bước cơ bản, sửa đổi ban hành các luật để phù hợp với đổi mới giải quyết các mắc mớ mà trước tồn tại, cũng như phù hợp với quy định thông lệ quốc tế trong quá trình hội nhập.

Những giải pháp mà Chính phủ đưa ra rất đồng bộ nhưng triển khai cụ thế hóa các chính sách đó, đặc biệt là sự phối hợp với các ngành ở Trung ương và địa phương không được kịp thời, thường chậm trễ và chính nó làm cản trở trong quá trình thực hiện đồng thời làm giảm lòng tin. Vì một số vấn đề mà ta đặt ra rất rõ nhưng sau một hồi không thực hiện được, thực hiện không thông suốt, thậm chí có cái đặt ra nhưng không phù hợp với thực tiễn thay đi đổi lại nhiều lần. Nó thể hiện sự điều hành và phối hợp thực hiện chính sách chưa được chặt chẽ, và chưa hiệu quả.

Chính vì vậy, cần làm cho chính sách quy chế, quy định đi vào cuộc sống thật nhanh, đồng thời kiểm tra kiểm soát thực hiện một cách nghiêm túc và phối hợp nhịp nhàng, công khai, minh bạch để dân tham gia, giám sát quá trình thực hiện, phát hiện những địa chỉ cụ thể chưa làm được hay còn tồn tại để giúp cho các cơ quan lãnh đạo chỉ đạo ở Trung ương và địa phương khắc phục nhanh hơn có địa chỉ hơn, hiệu quả hơn.

ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu): Rà soát lại các khoản nợ để có lộ trình thoái vốn phù hợp

Chủ trương thoái vốn của Nhà nước ở các “ông lớn” doanh nghiệp tôi cho là cần thiết.

Thứ nhất, nếu căn cứ Đề án tái cơ cấu DNNN thì ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã trình và QH đã chấp thuận, trong đó có nội dung đồng ý thoái vốn trong các DN.

Thứ hai, Luật Quản lý nợ công quy định Nhà nước chỉ đầu tư một số lĩnh vực chứ không trực tiếp đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Các quy định này là hợp lý vì phù hợp với bản chất chức năng của Nhà nước và Nhà nước chỉ đầu tư vào những lĩnh vực nào mà các thành phần kinh tế không đầu tư. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, chứ không làm thay DN các thành phần kinh tế. Vì thế, tôi cho rằng, thoái vốn là phù hợp.

Hiện nay, vấn đề thoái vốn như thế nào đang được đặt ra. Tôi cho rằng, cần rà soát lại các khoản nợ để có lộ trình thoái vốn phù hợp, nếu chúng ta làm ồ ạt luôn một lúc thì dẫn đến bội thực thị trường và dẫn đến thiệt hại của Nhà nước. Do vậy thời điểm thoái vốn, phương pháp, lộ trình, mức độ thoái vốn… cần phải có kế hoạch cụ thể.

Về nguyên tắc các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán thì phải minh bạch, công khai. Đối với DN chưa niêm yết cần phải công khai, tức là nên duy trì đấu giá vốn góp của Nhà nước trên thị trường để bảo đảm minh bạch, công bằng, lợi ích của Nhà nước và không làm thất thoát vốn nhà nước.

H.Vũ - M.L. (ghi)