Một diện mạo khác của hội họa Việt
Trưng bày trong vòng gần 1 tuần tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, những bức tranh trong triển lãm “Hội họa Việt Nam - một diện mạo khác” của nhà sưu tập Nguyễn Minh đã mang đến cho người xem nhiều cảm xúc.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày hôm nay, 23/10. Ảnh:Việt Tú.
Nguyễn Minh khởi nguồn là nhà sưu tập sưu tập cổ vật, thư họa và nghệ thuật. Anh được biết đến là một người từng sở hữu nhiều tranh và từng mong muốn lập một bảo tàng nghệ thuật nhưng bất thành. Từ niềm đam mê sưu tập đồ cổ, anh đã tình cờ có mặt tại phiên đấu giá Sotheby’s, Hong Kong năm 2010.
Lần đầu tiên được tận mắt thấy những bức tranh của ba tác giả Việt Nam là Nguyễn Tường Lân, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, anh đã tham gia đấu giá thử và giành chiến thắng. Đây cũng là thời điểm đánh dấu thay đổi ý thức mua tranh về chơi chứ không phải để bán trở nên rõ nét trong anh.
Trong số 63 tranh trưng bày ở triển lãm lần này, già nửa số đó được Nguyễn Minh đấu giá thành công tại Mỹ, Hong Kong, Singapore, đó là một nỗ lực lớn của cá nhân anh…
Nhắc đên nỗi vất vả khi đưa tranh về nước, Nguyễn Minh cho biết: Tác phẩm “Phố Hàng Thiếc”, vẽ năm 1984 của Bùi Xuân Phái được mua trong phiên đấu giá tại Nhà đấu giá Bonhams Hong Kong, ngày 9/10/2014, lượt đấu giá 15.
“Bức tranh tôi khá vất vả và mất nhiều tiền để có được. Tôi thấy đây là bức tranh có những nét vẽ mượt mà, ít gai góc hơn trước. Tuy nhiên đây là thời điểm căng thẳng nhất của nền kinh tế bao cấp, đời sống rất khó khăn. Bức tranh được họa sĩ thể hiện bằng một gam màu buồn tẻ trong một khung cảnh vắng người, dù lúc đó Hà Nội cũng không còn như thế".
Bức tranh “Phong cảnh đền Ngọc Sơn” của họa sĩ Đinh Minh có ký tên nhưng không đề thời gian vẽ, được Nguyễn Minh mua lại từ bà vợ người Thái của ông Petro Paris, nguyên Phó Đại sứ Italy. Bức họa được các nhà nghiên cứu nhận định được vẽ trong khoảng những năm 1987 -1990, về đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, là thắng tích được nhiều họa sĩ chọn vẽ.
Bên cạnh đó, một số bức như “Nông thôn” của Nguyễn Văn Bình ra đời trong thời điểm 1983, cho thấy một nông thôn Việt Nam nhộn nhịp thu hái trong ngày mùa, bên những làng xóm còn nhiều ngôi nhà mái lá. Tác phẩm cho thấy người vẽ nó rất quna tâm đến đời sống xã hội và luôn phản ánh cuộc sống dưới cái nhìn tinh tế. Tác phẩm được nguyên Phó Đại sứ Italy Piero Paris mua từ họa sĩ Nguyễn Văn Bình cuối thập niên 1980.
Sau đó nhà sưu tập Tira Vanictheeranont mua từ phu nhân ngài Phó đại sứ, rồi nhượng lại cho Nguyễn Minh. Một số tác phẩm không rõ năm sáng tác của họa sĩ Lê Phổ như “Điểm tâm” được mua đấu giá ngày 3/5/2015, tại Nhà đấu giá Freeman’s Auction, Mỹ ở lượt đấu giá 49; Tác phẩm “Mẹ con” thắng trong phiên đấu giá Nhà Sotheby’s Hong Kong, ngày 6/10/2013, lượt đấu giá 339; “Tĩnh vật với hoa hướng dương và hoa mẫu đơn” được mua từ Wally Findlay Gallery. New York trong phiên đấu giá được tổ chức bởi Nhà Brunk’s Auction, United States ngày 7/7/2013, lượt đấu giá 512…
Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Những bức tranh Nguyễn Minh sưu tập và mang về từ nước ngoài chưa thể khắc họa được đầy đủ, trọn vẹn kho tàng mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đỉnh cao, tuy vậy chúng cũng phần nào cung cấp cho công chúng một cái nhìn khác, một diện mạo khác về nền mỹ thuật Việt vốn ít được biết đến trước đó.
Cái cách mà Nguyễn Minh làm, tôi cho đó là câu trả lời tốt nhất cho những câu hỏi về hội họa Việt Nam từ góc nhìn quá khứ và hiện tại. Cái còn lại là chúng ta muốn gì, chúng ta có thể làm gì, và sẽ làm gì để tạo ra một diện mạo khác nữa, cho hội họa, cho văn hóa Việt Nam trong tương lai? Và số phận của các tác phẩm chắc còn long đong nhiều, bởi khả năng lưu giữ có hạn của tất cả các nhà sưu tập Việt Nam, cho nên, bất kỳ lúc nào, việc giới thiệu được các tác phẩm nghệ thuật quý, cũng là cơ hội tốt cho công chúng yêu nghệ thuật.