Giải pháp căn cơ để phát triển đất nước

Lục Bình 24/10/2015 07:42

Hôm qua, 23/10, các ĐBQH đã góp ý Dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. 

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN.

Nhiều điểm đột phá của Dự thảo

Bình luận về những vấn đề được nêu trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, có rất nhiều đổi mới so với Đại hội XI. Phân tích sâu những điểm mới liên quan đến lĩnh vực kinh tế ông Bình cho rằng, Dự thảo văn kiện xác định thị trường là vấn đề cơ bản, Nhà nước điều tiết trên cơ sở thị trường. Điều này mới hẳn so với Đại hội XI vì lấy thị trường là gốc để phân bổ nguồn lực và điều hành kinh tế.

Điểm mới nữa là Dự thảo đã xác định rõ kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Đây là điểm hết sức quan trọng, trong khi Đại hội XI chỉ xác định kinh tế tư nhân cũng là một thành phần trong các thành phần kinh tế thì việc khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển sẽ tạo ra động lực cho kinh tế phát triển. Dự thảo cũng đề cao vai trò của các doanh nghiệp, xác định vai trò của doanh nghiệp là thành phần kinh tế chủ đạo của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đây cũng là điểm mới.

Dự thảo cũng xác định rất rõ vai trò các mối liên kết kinh tế. Theo ông Bình, từ trước tới nay, chúng ta có quy hoạch kinh tế vùng, liên kết vùng và chính sách cũng có nhưng thể hiện chưa rõ như lần này. Liên kết về kinh tế, cả thế giới đang phải hội nhập và liên kết, trong quốc gia cũng vậy, sự liên kết không chỉ nhân lên sức mạnh mà còn giúp phân bổ hợp lý nguồn lực. Không liên kết ta không thể tạo ra sản phẩm mang tính cạnh tranh mà thậm chí còn thua trên sân nhà, ông Bình nói.

Đồng quan điểm, ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng, Dự thảo văn kiện đã làm rõ vai trò của Nhà nước đó là định hướng thị trường, tức là Nhà nước sử dụng công cụ chính sách định hướng phát triển chứ không làm thay việc của thị trường nữa. Dự thảo cũng nâng tầm vị trí kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Đây là những điểm mới, nâng lên so với Đại hội XI.

Một vấn đề rất thời sự mà ông Lịch lưu ý trong thời gian sắp tới, đó là chúng ta đã đàm phán thành công TPP, tức là hội nhập rất sâu vào nền kinh tế. Vì vậy, Việt Nam phải dứt bỏ tư duy phát triển theo hàng ngang mà phải lựa chọn cái gì có lợi thế của chúng ta thì làm, “Điều này phải thể hiện rõ trong văn kiện”- theo ông Lịch.

Theo TS Trần Du Lịch, ĐBQH (đoàn TP HCM), 5 lĩnh vực Việt Nam cần quan tâm trong thời gian sắp tới khi chúng ta hội nhập sâu là: Phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao; phát triển công nghệ thông tin; dựa vào lợi thế mặt tiền bờ biển dài mà phát triển kinh tế biển; dứt khoát phải đầu tư cho ngành công nghiệp không khói chứ không phát triển du lịch kiểu manh mún, chụp giật như hiện nay; đặc biệt phải kích cầu cho các doanh nghiệp nhỏ vừa phát triển công nghiệp hỗ trợ, phải có sản phẩm gia nhập vào chuối giá trị toàn cầu

Phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN

ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đưa ra những kiến giải cụ thể về mục tiêu phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong Dự thảo văn kiện. Theo ông Thảo, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, liên quan tới vai trò của QH. Phát huy dân chủ là phát huy vai trò của người dân. Quyền lực nhân dân đã thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 2013, chúng ta đã có lý luận rồi giờ phải triển khai cụ thể.

Vì vậy, cần ưu tiên để QH khẩn trương ban hành các luật liên quan quyền làm chủ của người dân. Nói rõ làm thế nào để phát huy dân chủ ông Thảo phân tích, tất cả các vấn đề về chủ trương đã có, nhưng muốn triển khai trên thực tế phải có cơ chế. Điều 28 Hiến pháp nói rõ, mọi người có quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Vậy tham gia như thế nào, bằng cách nào? Nếu không làm rõ, thì khó huy động hết nguồn lực của mỗi người dân để trở thành động lực quan trọng cho phát triển đất nước.

Trong khi đó ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) đưa ra ý kiến về những giải pháp tạo bước đột phá cho khu vực nông nghiệp. Theo ông Công, muốn nâng cao đời sống của nông dân thì sản phẩm làm ra phải tiêu thụ được. Nhưng làm ăn manh mún thế này rất khó có sản phẩm có chất lượng. Dân rất muốn làm ăn lớn, rất muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng chờ mãi chưa thấy nhạc trưởng?

Để nông dân tự bơi thì bao giờ mới ra được biển lớn! Vì vậy, rất cần sự liên kết nhưng Nhà nước phải là nhạc trưởng và có cơ chế chính sách rõ ràng để thúc đẩy, tạo ra những đột phá ở khu vực này.

Góp ý về chính sách an sinh, ĐB Phan Văn Tấn (Nghệ An) cho rằng, Dự thảo văn kiện có nói tiếp tục thực hiện chính sách an sinh tạo công bằng xã hội, điều này lâu nay chúng ta làm rất tốt nhưng cần tiếp tục chỉ đạo để đảm bảo chính sách xã hội tương ứng tốc độ phát triển.

Muốn làm được điều này phải có sự công bằng từ khi xây dựng chính sách. Nếu chính sách ban hành mà không khảo sát đối tượng chịu tác động, tính dự báo còn hạn chế không phủ rộng các đối tượng chịu sự tác động thì chính sách sẽ bị hở, bị lợi dụng, bị méo mó, nhiều chính sách không “với tới” thực tiễn vì nguồn lực hạn chế, bất cập.

Làm rõ các vấn đề quan trọng

Rất nhiều ý kiến đóng góp đưa ra giải pháp cụ thể là đường hướng giúp đất nước phát triển trong tương lai. ĐB Nguyễn Quốc Bình cho rằng, các văn kiện cần làm rõ và có tư tưởng chỉ đạo cụ thể vào từng lĩnh vực kinh tế chủ lực phát huy lợi thế đất nước. Phải đưa ra đường hướng phát triển cụ thể như lĩnh vực cảng biển, dịch vụ và công nghiệp.

Nếu quy định chung chung là phát triển công nghiệp, nông nghiệp chỉ nói gắn phát triển nông thôn mới mà chưa đưa ra định hướng cụ thể là phát triển ngành chủ lực nào thì rất khó.Hay như lĩnh vực khoa học - công nghệ mà không làm rõ mục tiêu phương hướng chủ đạo trong mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như nền kinh tế tri thức cần nhấn vào điều gì làm sao phát triển được.

Lục Bình