Đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ: Đòi hỏi của thực tiễn
Bên hành lang của QH, bình luận về việc nhiều cán bộ rất trẻ được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng, nhiều ĐBQH cho rằng trẻ hóa cán bộ là điều đáng mừng.
Xu hướng trẻ hóa là tích cực
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Lê Minh Thông nhận định, hiện có một luồng gió mới đang thổi vào công tác cán bộ, đó là sự trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo các cấp. Đây là tín hiệu tích cực vậy tại sao xã hội vẫn băn khoăn? Chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này. Rõ ràng cán bộ được lựa chọn dân chưa tâm phục khẩu phục.
Không ai phản đối người trẻ, trẻ là rất tốt, càng trẻ càng tốt. Nhưng làm sao sau khi người trẻ được đặt lên vị trí đó phải được sự ủng hộ, tâm phục khẩu phục của đồng chí của mình và của xã hội. Nếu có ý kiến này khác, bản thân đồng chí ấy cũng tâm tư.
Theo ĐB Dương Trung Quốc, khi đã bàn về trẻ thì không nên tuyệt đối hóa mà phải thấy nhiều thế hệ kế cận nhau. Xu hướng trẻ hiện nay là tích cực, đây không phải là việc chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn không phải ở việc người trẻ được bổ nhiệm mà là xuất thân của người trẻ. Theo ông Quốc, con của các vị lãnh đạo được bổ nhiệm là việc hết sức bình thường. Thực tế trên thế giới và trong nước đều có.
“Đừng vì lý lịch để đánh giá người ta mà phải tập trung vào bản thân người đó xem có đúng chuẩn không. Giao nhiệm vụ có tương xứng với năng lực không thì thực tế sẽ trả lời. Quan trọng là có đề bạt thì phải có hạ bệ nếu như anh không hoàn thành nhiệm vụ”- ông Dương Trung Quốc nói.
Đồng tình chủ trương trẻ hóa cán bộ, ĐB Bùi Sỹ Lợi cho rằng, không cứ là con ai, con nông dân hay quan chức, miễn là người ấy có năng lực, xứng đáng thì được bổ nhiệm. Tuy nhiên, đã ban hành luật thì phải tuân thủ luật, phải làm đúng quy trình và làm công khai minh bạch để mọi người cùng biết.
Về vấn đề người được bổ nhiệm thuộc diện “con ông cháu cha”, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, người dân băn khoăn là bởi vì họ mới nhìn vào một khía cạnh và vì chúng ta chưa giải thích đầy đủ cho người dân. “Tôi không ác cảm với vấn đề bổ nhiệm con em các đồng chí lãnh đạo, nếu là con nhà giòng dõi, đủ đức đủ tài, tại sao lại không bổ nhiệm? Vấn đề là có làm đúng quy trình, công khai minh bạch, dân chủ, người được đề bạt người dân có thừa nhận hay không”.
Cần thiết phải sửa quy định
Phải tạo điều kiện cho người trẻ, bằng việc sửa đổi các thông tư, quy định của Bộ Nội vụ về bổ nhiệm cán bộ- theo ông Bùi Sỹ Lợi nói. Theo ông Lợi, Quyết định 81, 82 quy định các tiêu chuẩn để bổ nhiệm cán bộ của Bộ Nội vụ đã khá lỗi thời. Nếu theo các tiêu chuẩn thì khi được bổ nhiệm, người trẻ đã không còn trẻ nữa.
Thực tế, có chuyện, cán bộ theo quy hoạch, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong quyết định nhưng chưa chắc năng lực đã giỏi. Vậy với người có năng lực thì phải tạo điều kiện cho họ. Tất nhiên nếu đòi hỏi một Giám đốc sở 30 tuổi điều hành công việc như người có kinh nghiệm nhiều năm thì rất khó.
“Tôi cũng từng là giám đốc Sở trẻ tuổi. Người tiền nhiệm tôi có nói rằng, bổ nhiệm cán bộ trẻ chỉ sợ cán bộ huênh hoang tự mãn. Khi nghe được những ý kiến như vậy mình phải biết tiếp thu, điều chỉnh hành vi của mình. Nếu cán bộ có tài mà lại biết khắc phục những điểm yếu, họ sẽ nhanh chóng trưởng thành”.
Ông Lợi cho rằng, phải xem xét việc bổ nhiệm cán bộ để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn chứ không chỉ là đúng quy trình. Trong những năm tới, càng xu thế hội nhập, càng thực hiện các quá trình đổi mới thì đòi hỏi những người có năng lực, được đào tạo bài bản, có ngoại ngữ, đây sẽ là sân của giới trẻ. Vấn đề cần làm phải công khai, minh bạch và có giám sát để không bổ nhiệm nhầm người- vẫn theo ông Lợi.
Trả lời câu hỏi có nên công khai để người dân giám sát khi giới thiệu cán bộ đề bạt, ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm: Công khai là cần thiết, nhưng không phải cái gì cũng công khai cho mọi người biết. Nếu vấn đề gì cũng công khai thì sẽ như “đẽo cày giữa đường”. Công khai, minh bạch cũng có phương thức của nó và là một công nghệ để vận dụng.
Theo ông Lê Minh Thông, nhiệm kỳ này Đảng phải đổi mới toàn diện công tác cán bộ, phải có cách thức bầu cử ra sao để bổ nhiệm một cán bộ, cán bộ đó hoàn toàn xứng đáng, xã hội hoàn toàn yên tâm.
“Tôi nghĩ rằng thời gian sẽ chứng minh các đồng chí cán bộ trẻ vừa được bổ nhiệm sẽ phát huy được năng lực của mình. Tuy nhiên, vấn đề cần làm ngay lúc này đó là đổi mới việc bổ nhiệm cán bộ. Đổi mới là có, nhưng chưa tạo được niềm tin cho xã hội. “Thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu, xử lý, đổi mới quy trình liên quan đến công tác cán bộ”- ông Thông nhấn mạnh.