Phát triển chăn nuôi gia súc ở khu vực miền núi phía Bắc: Chưa xứng với tiềm năng

Hà Giang 24/10/2015 07:54

Là khu vực được coi là có thế mạnh về khí hậu thổ nhưỡng cũng như diện tích đồng cỏ nhưng hiện nay phát triển chăn nuôi gia súc ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc chưa đạt được như mong muốn. Cần có chiến lược gì là cả một vấn đề của khu vực này trong thời gian tiếp theo.

Chăn nuôi gia súc ở khu vực miền núi phía Bắc vẫn còn quảng canh, nhỏ lẻ.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có nhiều đồng cỏ, chủ yếu trên các cao nguyên. Các đồng cỏ ở đây có thể phát triển tốt cho chăn nuôi trâu, bò, ngựa, dê. Tuy nhiên, hiện phương thức chăn nuôi ở khu vực này vẫn chủ yếu là chăn nuôi quảng canh, nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao về cả số lượng và sản lượng. Tương tự như vậy, tỷ lệ trâu, bò, dê… thả rông và chưa tiếp cận được với phương pháp chăn nuôi khoa học, quy mô lớn còn nhiều.

Bên cạnh tập quán chăn nuôi, vấn đề giống cũng là yếu tố cần đặt ra với khu vực này. Hiện nay, các giống gia súc được nuôi chủ yếu là giống sẵn có tại địa phương, một phần được mua từ các tỉnh vùng đồng bằng. Nguồn giống không được lai tạo, cải thiện nên đã đem đến cho quá trình tăng trưởng về sản lượng thịt, sữa đều thấp. Nguồn thức ăn chủ yếu là tận dụng thức ăn tại chỗ và chưa chủ động được nguồn thức ăn.

Một số nơi, do làm tốt các công tác khuyến nông, kĩ thuật nên đã bước đầu hình thành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Tuy nhiên các trang trại ở đây chưa thực sự có quy mô, mới chỉ dừng ở mức độ vừa và nhỏ.

Theo TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia súc ăn cỏ nói riêng vừa là thế mạnh, vừa là nghề chính để giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập và giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi gia súc ở khu vực miền núi phía Bắc hiện chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ với tập quán lạc hậu, chăn thả tự do vẫn còn khá phổ biến ở các vùng núi cao. Hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi của nông dân còn hạn chế nên năng suất và hiệu quả chăn nuôi chưa cao.

Vì vậy, theo TS Thông để thay đổi tập quán chăn nuôi từ phương thức lạc hậu, kém hiệu quả sang hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả là việc cần làm sớm. Để thực hiện chủ trương này, ngành nông nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc cần thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ về giống, thức ăn, phòng trừ dịch hại và thị trường…

Để phát triển gia súc ở khu vực miền núi phía Bắc, theo nhiều chuyên gia, trước mắt cần tập trung vào một số nội dung chính như: Đưa nhanh một số tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác giống vật nuôi phục vụ chăn nuôi đại gia súc. Đẩy mạnh và chuyển giao nhanh kết quả triển khai các dự án khuyến nông Trung ương như xây dựng mô hình cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ. Bên cạnh đó cần nâng cao giải pháp quản lý dịch bệnh và biện pháp phòng chống thiệt hại trong chăn nuôi trâu, bò…

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay cơ quan này đang triển khai dự án khuyến nông trung ương với mô hình “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt trong nông hộ”. Dự án này đã được triển khai tại các tỉnh có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển chăn nuôi bò, đặc biệt là có quỹ đất lớn để trồng cỏ, dồi dào nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương. Hy vọng bằng việc triển khai, nhân rộng mô hình này, trong thời gian tới, nhiều khu vực ở miền núi phía Bắc, người dân sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống.

Hà Giang