“Vì em hiếu học” Giúp ước mơ mãi vươn cao

PV 24/10/2015 08:03

Cái nghèo có thể đến từ bất kỳ lý do nào như trường hợp của em Nguyễn Phú Mỹ, ở xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. 11 tuổi nhưng Mỹ xanh xao như trẻ lên 8. Trước đây, gia đình em cũng không đến nỗi khó khăn chỉ từ khi căn bệnh quái ác xuất hiện năm em lên 6 tuổi…

Em Nguyễn Phú Mỹ.

Thương con bệnh, sức khỏe suy giảm, ba mẹ em đã tìm đường chạy chữa khắp nơi nhưng đều không có kết quả. Sau gần 6 năm, gia cảnh em trở nên nghèo túng. Cha em phải đi làm thuê để kiếm sống và cũng để kiếm tiền lo chữa bệnh cho em. Ông cố gắng làm đủ công việc, ai thuê gì làm nấy nhưng xem ra cũng quá ít so với chi phí điều trị.

Mẹ Mỹ cũng đã cố gắng nhờ vả bà con, xóm giềng để hiến máu cho Mỹ nhưng cũng không ăn thua gì. Căn bệnh đã và đang bào mòn cơ thể nhỏ bé, gầy còm của em. Chỉ có một điều giúp em vui để sống đó chính là niềm vui tới trường.

Ham học nhưng sức khỏe yếu nên có lúc Mỹ tưởng chừng không còn đủ sức, thậm chí là ngất ngay ở trường. Vậy mà, em rất chăm học và luôn đạt thành tích tốt ở trường, ở lớp. Thương con, cha mẹ Mỹ đã nhiều lần khuyên em nghỉ học để điều trị bệnh nhưng Mỹ vẫn cố gắng đến trường. Vì với em, con chữ chính là niềm vui, là cứu cánh của cuộc đời trong hoàn cảnh không may mắc bệnh hiểm nghèo.

Câu chuyện bỗng nghèo của em Nguyễn Thị Nguyệt ở Núi Thành (Quảng Nam) cũng đột ngột như vậy. Cuối năm 2009, ba mẹ của Nguyệt đi trông đầm tôm, lũ quét về trong đêm, quét đi cả hai người và gia tài của cả nhà. Người anh lớn đi ở với nhà cô ruột, còn Nguyệt ở lại với bà nội nay đã gần 80 tuổi. Một nhà có một già một trẻ thui thủi, tần tảo nuôi nhau. Cứ một tuần đôi lần, bà nội lại cắt rau trong vườn đi chợ bán. Mỗi lần như vậy cũng chỉ được 10.000 – 20.000 đồng, đủ đắp đổi rau cháo qua ngày.

Em Nguyễn Thị Nguyệt.

Nhớ ba mẹ, Nguyệt cắt những tờ lịch cũ thành những búp bê giấy, rồi chuyện trò: “Ba chở con đi khai giảng nha”, “Mạ ơi, con đi học về”… Buổi tối, bà nội nằm ru Nguyệt ngủ, dặn dò: “Chỉ có học thật giỏi, mai mốt mới có thể làm việc tốt nghe con”. Có những lần bà ốm, Nguyệt ôm bà khóc: “Bà ơi, bà đừng chết. Bà chết con ở với ai? Con chăm học rồi mà”. Và cũng 3 năm liền, cô bé mồ côi nghèo ấy đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Những trường hợp như Nguyệt, hay Phú Mỹ, mỗi ngày cắp sách tới trường là một ngày các em phải nỗ lực bằng hai bằng ba các bạn khác. Con đường đến trường của các em gặp vô vàn trắc trở nhưng những ánh mắt vẫn ngời lên một niềm tin mãnh liệt. Các em đã biết vượt qua đói nghèo, vượt qua những hủ tục lạc hậu học lấy cái chữ để sau này trở thành người có ích cho xã hội.

Nguyệt và Mỹ cũng là 2 trong số hơn 50.000 em nhỏ được nhận học bổng Vì em hiếu học. Số tiền chỉ 1.000.000 đồng/năm, tuy không lớn nhưng là niềm động viên cho cả gia đình. Đó là những quyển sách mới đầu tiên, là chiếc xe đạp để đi học, hay là quyển vở để viết, bút màu để vẽ. Mỗi món quà đến với các em học sinh hiếu học nơi đây là nguồn động viên lớn giúp em vượt qua khó khăn và vươn lên trong cuộc sống.

Dành hơn 260 tỷ đồng hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học

Chương trình học bổng “Vì em hiếu học” được triển khai từ năm học 2014 – 2015 trên cơ sở phối hợp giữa Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Bộ GD&ĐT, Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam. Chương trình “Vì em hiếu học” khởi động ngay khi năm học mới bắt đầu với mong muốn trang bị cho các em dụng cụ học tập, sách vở, đồng phục và xe đạp để các em tới lớp, động viên kịp thời các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục con đường học tập.
Trong năm học 2014 - 2015, Chương trình đã trao 26.400 suất học bổng. Dự kiến năm học 2015 – 2016 sẽ trao tiếp 26.380 suất cho các em học sinh nghèo trên cả nước. Tập đoàn Viettel cũng cam kết đồng hành hỗ trợ với trẻ em nghèo Việt Nam trong 10 năm (2014 - 2024) với kinh phí hỗ trợ lên tới hơn 260 tỷ đồng.

PV