Thực hư khi Coca Cola nộp thuế
Trong khi phía đại gia Coca Cola phát đi thông tin, đã đóng 20 triệu USD thuế các loại trong năm 2014 thì phía cơ quan quản lý cho rằng, đây chủ yếu là thuế nhà thầu, thuế thu nhập cá nhân… Thực hư của câu chuyện này thế nào?
Bất ngờ xin nộp thuế
Đại gia ngành đồ uống Coca Cola đã có thâm niên kinh nghiệm 20 năm làm ăn tại Việt Nam. Và cũng như nhiều DN xuyên quốc gia khác, Coca Cola luôn luôn kêu lỗ, điều này đã giúp họ tránh được việc đóng thuế cho nước sở tại. Còn nhớ, trong năm 2010, Hãng này đã báo cáo lỗ 188 tỷ đồng, tương đương 8,98 triệu USD ở thị trường Việt Nam.
Còn dữ liệu phía Cục Thuế TP HCM cho biết, đến cuối năm 2012 số tiền lỗ lũy kế của Coca Cola lên tới 3.768 tỷ đồng vượt cả số tiền đầu tư ban đầu (khoảng 2.900 tỷ đồng). Chính vì lỗ nặng nên DN không còn thu nhập để đóng thuế. Song, trái ngược với cảnh thua lỗ, đại gia này vẫn kiên trì mở rộng thị phần tại Việt Nam.
Đang bị xếp vào nghi án trốn thuế, chuyển giá, thì bất ngờ, trong một tài liệu mà Tổng Giám đốc Coca Cola Việt Nam Vamsi Mohan gửi đến Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân, DN này cho biết sau một thời gian thua lỗ kéo dài, Coca Cola Việt Nam đã kinh doanh có lãi và chịu đóng thuế.
Cụ thể, lợi nhuận tính thuế năm 2014 của Coca Cola Việt Nam đạt 16,6 triệu USD, tăng gấp đôi so với mức 7 triệu USD của năm 2013. Tổng số thuế mà DN đóng cho ngân sách trong năm 2014 đạt 20 triệu USD, sản lượng tiêu thụ tăng 25%.
Đương nhiên, hành động này bỗng tạo sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, cũng theo những thông tin ban đầu, thì số tiền thuế 20 triệu USD này chủ yếu là thuế nhà thầu. Riêng phần thuế thu nhập DN, Coca Cola chưa nộp.
Những người quan tâm đặt câu hỏi: Tại sao Coca Cola bất ngờ đóng thuế?
Trả lời phóng viên, luật sư Trương Thanh Đức- Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho rằng, sau nhiều cảnh báo, sau làn sóng tẩy chay, Coca Cola “rát mặt” và để giữ thương hiệu thì họ đóng “chút chút” tiền thuế.
20 triệu USD trên tổng số tiền mà Tập đoàn này không đóng thuế cho ngành quản lý trong suốt 20 năm qua là quá nhỏ. Câu chuyện thương hiệu kết hợp với ảnh hưởng kết quả kinh doanh từ việc người Việt tẩy chay sản phẩm là áp lực lớn nhất khiến cho đại gia ngành đồ uống này chịu mở hầu bao đóng thuế.
Vị luật sư bình luận: “Tôi vẫn cho rằng việc Coca Cola bất ngờ đóng thuế là một hành vi đối phó”.
Cần làm rõ nghi vấn dấu hiệu chuyển giá Coca Cola. Ảnh TL.
Khó cho cả hai
Theo LS Trương Thanh Đức, việc quản lý thuế hiện đang vướng nhiều vấn đề từ gốc. Thực chất khi bóc tách chi ly cơ cấu thuế, có nhiều chi phí bị tính thuế không hợp lý, do vậy DN phải chuyển giá ra ngoài. Và việc chuyển giá này chưa có cơ sở để nói DN sai hay không.
Theo một văn bản mà Coca Cola từng công bố, trong năm 2014, doanh nghiệp đầu tư thêm 210 triệu USD mở rộng kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho 2.200 lao động và gần 22.000 người làm gián tiếp cho chuỗi cung ứng tại Việt Nam. DN cũng cho biết đã chi hơn 850.000 USD phát triển nguồn nhân lực. Không quá xa lạ, sản phẩm đồ uống Coca Cola có mặt tại hầu hết hang cùng ngõ hẻm trên mảnh đất hình chữ S.
Chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ quý III-2015 của Bộ Tài chính diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đại Trí- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Tổng cục Thuế đang tiến hành rà soát, kiểm tra để làm rõ nghi vấn dấu hiệu chuyển giá Coca Cola. Hiện ngành thuế đã thành lập phòng thanh tra chống chuyển giá ở Tổng cục Thuế và một số Cục Thuế Hà Nội, TP HCM,... Trường hợp Coca Cola, theo thời gian, năm 1994 đặt chân ở Việt Nam, và chính thức trở thành DN 100% vốn đầu tư nước ngoài vào năm 1998.
Còn theo ông Lê Duy Minh- Trưởng phòng kiểm tra thuế số 1 Cục Thuế TP.HCM, Công ty Coca Cola nhập hương liệu trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006-2007 chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80-85% giá vốn.
Như năm 2010 chi phí do nhập nguyên vật liệu từ công ty mẹ lên đến 1.671 tỉ đồng trên doanh thu 2.329 tỉ đồng. Được cho vào danh sách chú ý đặc biệt nhưng rất khó tìm ra đầy đủ căn cứ và dữ liệu khẳng định Coca Cola trốn thuế, chuyển giá hay không.
Tuy nhiên, LS Trương Thanh Đức cho rằng, khó là vì điều tra chuyển giá liên quan đến nước ngoài. Cách quản lý của cơ quan quản lý là làm sao có cơ chế hợp lý để doanh nghiệp không trốn, không lách được luật, tránh thiệt hại cho nền kinh tế. Với những DN xuyên quốc gia như Coca Cola cần có cách ứng xử hài hòa lợi ích giữa Coca Cola và nước sở tại.
Cần tạo môi trường khuyến khích cạnh tranh, để các DN tranh đấu với nhau. Nếu DN này chuyển giá, DN kia có thể phát hiện và báo cáo. Không có lý do gì, mua nguyên vật liệu tại cùng một thị trường nhưng chi phí thuế của 2 DN lại khác nhau. Nếu không có quy định rõ ràng, DN có thể lấy lý do để nhập nguyên liệu từ nơi khác, lách thuế, chuyển giá.