Nóng đất khu công nghiệp nhờ TPP
Doanh nghiệp ngoại đang lên kế hoạch đầu tư vào các khu công nghiệp Việt Nam nhằm đón gió TPP. Dự báo trong thời gian tới sẽ gia tăng thêm nhu cầu cho đất công nghiệp, kho bãi và nhà máy tại các khu công nghiệp của Việt Nam.
Khu công nghiệp AMATA tỉnh Đồng Nai và nhiều khu công nghiệp phía Nam
đang chuẩn bị đón một lượng lớn nhà đầu tư ngoại.
Theo nhận định của các chuyên gia, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết ngành may mặc và ngành nông sản xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất. Chính vì lẽ đó mà thời gian tới Việt Nam sẽ thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư.
“Dự báo, ngày càng có nhiều khách thuê công nghiệp sẽ đến Việt Nam để tận dụng lợi thế của TPP cùng với các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia nên bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng”, ông Jonathan Tizzard - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Định giá Công ty TNHH Cushman & Wakefield Việt Nam nhấn mạnh.
Sự “đón sóng” đầu tư từ TPP càng thể hiện rõ hơn khi khu vực Đồng Nai, TP. HCM, Bình Dương, Long An trở thành những địa chỉ tốt thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Điển hình, thời gian gần đây nhiều DN Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… liên tục đến Đồng Nai tìm hiểu hạ tầng, cơ chế, chính sách để triển khai hoạt động đầu tư. Kết quả, 9 tháng năm 2015 Đồng Nai thu hút hơn 1,83 tỷ USD, tăng trên 54% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch năm.
Không thua kém các tỉnh lân cận, tỉnh Long An liên tục thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp. Cụ thể, UBND tỉnh Long An vừa chấp thuận cho Tập đoàn Trillions (Hoa Kỳ) đầu tư giai đoạn 2 vào khu công nghiệp Tân Đức với vốn dự kiến 120 triệu USD. Trước đó, tỉnh Long An đã trao giấy chứng nhận đầu tư nhà máy kéo sợi của Tập đoàn Huafu (Hồng Kông).
Tại TP HCM, trong 9 tháng đầu năm 2015 tổng nguồn vốn FDI đăng ký đạt 3 tỷ USD, tăng gần 130% theo năm. Riêng nguồn đầu tư FDI vào các khu chế xuất, khu công nghiệp trên 700 triệu USD cho 4 ngành trọng điểm như: điện tử - công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất – cao su và cơ khí.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp TP HCM cho rằng: “Nếu khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố mà nhận tràn lan các nhà đầu tư thì tổng vốn không dừng ở mức trên 700 triệu USD vì lượng đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, thành phố phải loại bỏ những ngành sản xuất thâm dụng lao động, ô nhiễm”.
Về kế hoạch sắp tới để chào đón các DN FDI, ông Bé khẳng định, thành phố tiếp tục mở rộng các dự án khu công nghiệp cũ, đồng thời xây dựng các nhà xưởng cao tầng.
Nhìn vào thực tế đầu tư vào các dự án khu công nghiệp trong tương lai khi TPP vừa đàm phán xong, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP. HCM khẳng định, TPP sẽ mở ra một thị trường khá đa dạng và phong phú khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư công nghiệp đến Việt Nam đầu tư. Do đó, BĐS công nghiệp, khu chế xuất sẽ tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, vì nhu cầu tăng đối với đất công nghiệp và nguồn cung hạn chế đang là hai yếu tố sẽ khiến giá đất thay đổi. Đặc biệt, ở những khu vực được các DN FDI “săn tìm” nhiều nhất như Bình Dương, Đồng Nai và Long An.
Theo CBRE, Việt Nam là nước kém phát triển nhất trong số tất cả các thành viên TPP nhưng Việt Nam có nhiều khả năng trở thành nước được hưởng lợi nhiều nhất. Nguyên nhân, sự gia tăng tổng sản phẩm quốc nội, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp, chi phí nhập khẩu thấp hơn, và năng suất cao hơn do sự xuất hiện của nhiều đối thủ cạnh tranh nước ngoài hơn.