Hát then, đàn tính và làn điệu sli
Với đồng bào Tày, Nùng, hát then bao giờ cũng đi liền với cây đàn tính. Đó là một loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp gồm: ca, nhạc, múa và diễn trò. “Then” được hiểu là Trời. Trong các lễ cúng của người Tày bao giờ cũng có hát then, mang tính trang trọng, tôn nghiêm. Trong khi đó, những làn điệu sli đồng bào Nùng (hát lượn của đồng bào Tày) lại chủ yếu mang tính giao duyên, trữ tình.
Những nghệ nhân hát then Bắc Cạn
1. Cũng không biết then có từ bao giờ và ở đâu, nhưng một số nhà nghiên cứu cho rằng then có xuất xứ từ Cao Bằng, khi nhà Mạc bị thất sủng. Những điệu then ra đời để cúng bái, mang tính tín ngưỡng, tâm linh.
Tuy nhiên, cho dù nguồn gốc từ đâu thì nó đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể của bà con Tày, Nùng. Then được hát trong hầu hết các nghi lễ, với nhiều đường Then khác nhau tùy thuộc vào mục đích của lễ cúng. Người được gọi là “ông then” phải biết nhiều đường then khác nhau và cúng phải có “căn” làm thầy cúng, phải được cộng đồng tín nhiệm, vì nể.
Then có nhiều điệu (thường gọi là “đường then”), như: Pang Khoăn, Thống Đẳm, Cấp Sắc hay Cầu Hoa… Then cũng có nhiều điệu hát khác nhau, như điệu Khẩu tu (vào cửa trời); Pây mạ (đi ngựa); gọi vía… kể cả điệu “tiêu hao tàn” dành cho người chết.
Nhưng then không chỉ dành cho nghi lễ mà cũng có dạng dành cho phần hội, vui vẻ, giao kết cộng đồng. Ví dụ như then vào nhà mới, then chúc thơ, then tảo mộ, then đám cưới…
Nhìn chung, các khúc then hình thành một cách hệ thống, bài bản theo trình tự nội dung trình diễn. Hát then không cần không gian lớn, vì chủ yếu là nghi lễ, nên chủ yếu diễn ra trong nhà, trước bàn thờ. Nhưng với những điệu then vui thì không gian được mở rộng hơn do tính cộng đồng cao hơn. Đặc biệt, trong Lễ hội Lồng tồng vào dịp giêng hai, các điệu then vui được nhiều người cùng tham gia.
Trong cuộc sống thường nhật, người ta cũng hát then. Ví như khi nhà có chuyện gì đó cũng mờ ông then, có bệnh đôi khi cũng mời, hoặc là người hiếm muộn mời then nhằm cầu mong sự may mắn. Yếu tố tâm linh này trước kia bị coi là dị đoan, nhưng thực tế điều đó khiến tâm lý người đang gặp việc khó được giải tỏa.
Sau Liên hoan hát then, đàn tính lần I và II tại Thái Nguyên năm 2005, Cao Bằng 2007, thì việc hát then dần được sân khấu hóa. Điều đó cho thấy giá trị văn hóa của loại hình này, tuy nhiên nó cũng đang mất dần trong cuộc sống của các nhóm dân cư.
2. Đi cùng then, không thể không có cây đàn tính. Đàn tính chính là phần hồn của then. Tuy nhiên, cây đàn này không chỉ dùng trong then, mà còn là cây đàn quan trọng trong hệ thống nhạc cụ của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi cao phía Bắc.
Nhiều nhóm cư dân đồng bào Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc coi cây đàn tính là cây đàn thiêng liêng. Tại Yên Bái, không bản nào của người Tày, Nùng lại không rộn rã âm sắc đàn tính. Đàn tính có mặt trong tất cả các ngày vui, ngày trọng đại của bản người Tày. Đón xuân, mừng nhà mới, ngày cưới, lễ mừng thượng thọ… cũng đều có mặt cây đàn tính. Vì thế, theo giới nghiên cứu, nói đến nghệ thuật dân ca, dân vũ của người Tày, Nùng mà không nói đến cây đàn tính thì sẽ là thiếu hụt..
Cây đàn tính không cầu kì, nó được tạo nên từ vật liệu gần gũi trong cuộc sống và cách tạo âm, tạo dáng cũng không quá cầu kì, phức tạp. Bầu đàn thường làm bằng nửa quả bầu khô, có tác dụng cộng hưởng âm. Cần đàn thường làm bằng gỗ dâu; dây đàn thì làm bằng tơ xe. Cũng chỉ cần từ 2-3 ngày, người ta đã có thể chế tác cho mình một cây đàn tính. Khó nhất là việc tìm quả bầu. Quả bầu không quá to cũng không quá nhỏ, lại phải già. Quả bầu đó phải tròn, vỏ dày, khi khô gõ vào phải kêu thật đanh mới có âm sắc chuẩn. Cần của đàn tính vút dài, thường phải bằng 9 nắm tay của người chơi. Đây cũng là cây đàn không định âm, vì nó không có phím bấm.
Cây đàn tính không có nhiều dây. Theo truyền thuyết thì ngày xửa ngày xưa, một người chơ đàn tính lười biếng bị ông Bụt phạt, cắt đi 7 sợi dây của cây đàn, chỉ còn để lại hai dây. Lý do là vì quá nhiều dây sẽ quá nhiều âm, khiến con người ngây ngất mà quên ăn quên ngủ, quên cả ruộng đồng. Vì thế, tới nay, cây đàn chỉ có từ 2-3 dây mà thôi.
Cây đàn tính không chỉ nói len nỗi lòng con người, mà nó có sức mạnh gắn kết cộng đồng khi vang lên trong những lễ hội tập thể, trong các điệu xòe. Âm thanh lúc liên tục dồn dập, lúc trầm lúc bổng để lại ấn tượng sâu sắc cho người nghe. Ở một số nơi, người ta còn vừa chơi đàn tính vừa múa, gọi là “múa tính” hết sức độc đáo.
Hát lượn tại Xuân Dương (Bắc Cạn)
3. Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật của đồng bào Nùng, trước tiên phải kể đến những làn điệu dân ca. Đó là sự phong phú về thể loại, làn điệu, và nội dung phản ánh: làn điệu ru, làn điệu đồng dao, làn điệu then, mo, sliên, tào..., đặc biệt là sli, lượn.
Sli là một lối hát ví, giao duyên của thanh niên nam nữ. Theo nhà nghiên cứu Vi Hồng thì sli có nghĩa là thơ. Người Nùng dùng từ “sli” để chỉ toàn bộ dân ca mang tính trữ tình của họ cũng như người Tày dùng từ “lượn” để chỉ hầu như toàn bộ dân ca của mình.
Sli với người Nùng Giang, Nùng Cháo..., là diễn xướng tập thể theo lối hát bè. Khi hát phải có đôi và đặc biệt đôi đó phải hợp giọng, hát theo lối ứng khẩu và theo cảm xúc. Tuy nhiên sli của dân tộc Nùng có thể diễn xướng trong mọi thời gian không gian, miễn sao có đủ điều kiện, trong những dịp chợ xuân, hội lồng tồng, dọc đường đi, mừng đám cưới, giao duyên, đố nhau, thách nhau hay mừng nhà mới... Nhưng với những nhóm người Nùng thì sli lại có những nét riêng. Cùng gọi là sli nhưng nhóm Nùng Giang có sli Giang, Nùng Cháo có sli Làng… Cũng chính do sự đa dạng và yếu tố ngẫu hứng nên lời các làn điệu sli thường không thống nhất, không hoàn toàn giống nhau nhưng đều hay, hấp dẫn.
Đặc điểm của hát sli của đồng bào Nùng là hát không cần có nhạc cụ đệm, không có vũ đạo. Vẫn theo nhà nghiên cứu Vi Hồng, vào bất cứ lúc nào thích hợp, trai gái người Nùng thường tụ họp từng đôi, từng nhóm hát sli giao duyên. Đặc biệt là sli Hà Lều khi hát phải áp hai tay vào tai. Người đang sli tự bịt tai mình để tự nghe cái âm hưởng đặc biệt tiếng sli của chính mình âm vang trong tâm hồn mình... “Khi hai người sli đã đến mức bịt tai là lúc tình yêu đôi người đã đến mức say đắm”.
Tới nay, sli không còn phổ biến, nhưng vẫn được các chàng trai, cô gái trong các bản người Nùng trân trọng.