Cơ hội mới cho công nghiệp phụ trợ
Trong 5 năm qua, Việt Nam đã trở thành một lựa chọn vững chắc cho các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng toàn cầu. Các khoản đầu tư lớn của các tập đoàn đa quốc gia như Honda, Samsung, Toyota… Nhiều dự án đầu tư đổ vào Việt Nam tạo ra cơ hội kinh doanh cho các nhà sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Ảnh minh họa.
Thế nhưng, nhìn một cách khách quan ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và ngành công nghiệp ô tô nói riêng vẫn chưa có nhiều bứt phá tương xứng với tiềm năng.Tỷ lệ nội địa hóa của ngành ô tô khá thấp. Ngành ô tô chỉ đơn thuần dừng lại ở gia công và lắp ráp.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với chiến lược thực hiện điều chỉnh giảm thuế theo hướng tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu nhân dân, có tác dụng xa hơn là tạo cơ hội vàng cho ngành công nghiệp ô tô.
Muốn hỗ trợ tăng trưởng bền vững và giữ đà tăng cho ngành công nghiệp ô tô, việc Việt Nam cần tổ chức lại hệ thống công nghiệp và thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ đáp ứng các chuỗi giá trị tương ứng của các nhà đầu tư nước ngoài là điều buộc phải thực hiện.
Tại cuộc hội thảo “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015” diễn ra ngày 24/10, tại Hà Nội do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngân hàng nhà nước phối hợp tổ chức, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, công nghiệp chế biến chế tạo thu hút được sự quan tâm từ doanh nghiệp, đặc biệt khối FDI. Tỷ trọng ngành này tại Việt Nam tăng dần theo từng năm. Năm 2011 chiếm 50%, 2012 chiếm 70%, 2013 chiếm 76,6%, đến 2014 là 72%. 80/101 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam đầu tư cơ hội trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới. Tỷ trọng vốn FDI đổ vào lĩnh vực chế biến, chế tạo của Việt Nam trong 10 năm qua tăng nhanh. Tuy tỷ trọng này còn nhỏ hơn nhiều quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia song cơ hội với Việt Nam còn rất rộng mở.
Theo bình luận của Giám đốc ngân hàng thế giới tại Việt Nam Victoria Kwa Kwa, Việt Nam sẽ tiếp tục có lợi thế để phát triển nhờ vị trí gần chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, lực lượng lao động dồi dào, lương và chi phí thấp. Việt Nam cũng đang cởi mở thương mại, hội nhập, ký nhiều FTA... và là quốc gia có tiềm năng thị trường lớn, tầng lớp trung lưu đang tăng lên.
Để Việt Nam trở thành nước sản xuất, cung cấp phụ tùng cho nước ngoài thì trước hết phải phát triển lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc kết nối các doanh nghiệp mua - bán linh kiện - phụ tùng của Việt Nam với các quốc gia khác như Nhật Bản, Mỹ sẽ là cơ hội giúp thúc đẩy phát triển ngành chế tạo công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Các đánh giá cũng chỉ ra Việt Nam đang hội đủ ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới trong vòng 20 năm tới. Thiên thời là làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức kinh tế, các hiệp định thương mại song phương, sẽ mở ra cơ hội lớn cho kinh tế phát triển, tạo hiệu ứng xuất khẩu. Còn “địa lợi” là các tập đoàn đa quốc gia chọn Việt Nam là vùng trũng để thực hiện đầu tư. Với dân số hơn 90 triệu người, trong đó 40% lao động dưới 25 tuổi, chi phí thấp đang là lợi thế của Việt Nam. Và “nhân hòa” là sự quyết tâm của Nhà nước trong việc phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.