Xử phạt hành chính cơ sở sản xuất bánh mỳ gây ngộ độc

Xuân Thi 26/10/2015 17:22

Ngày 26-10, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Bình cho biết, liên quan đến vụ 244 người bị ngộ độc do ăn bánh mỳ của cơ sở sản xuất Vương Tiến Thành (Công ty TNHH Vương Tiến Thành, có địa chỉ tại TP Đồng Hới), đơn vị đã tiến hành xử phạt hành chính và buộc cơ sở Vương Tiến Thành chịu các chi phí xử lý ngộ độc thực phẩm, điều trị cho người bị ngộ độc.

Cơ sở sản xuất bánh mỳ Vương Tiến Thành – nơi đã gây ra ngộ độc thực phẩm đối với 244 người dân

Trước đó, vào ngày 14-10, người dân khi mua bánh mỳ tại hiệu bánh Vương Tiến Thành (cơ sở 1, cơ sở 3, cơ sở 4) để ăn đã bị ngộ độc. Theo thống kê, tổng số bệnh nhân ngộ độc là 244 người do trực khuẩn Samonella gây bệnh đường ruột (trong đó có 89 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới, 85 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới, 2 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh, 6 bệnh nhân điều trị tại Bệnh xá Công an tỉnh và 40 bệnh nhân điều trị tại các Trạm y tế xã, phường của Đồng Hới). Đến 15 giờ ngày 23-10, toàn bộ bệnh nhân đã ra viện, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Căn cứ theo khoản 2 điều 20; khoản 3 điều 4 Nghị định 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ; khoản 4 điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Bình đã tiến hành xử phạt tiền 4 triệu đồng đối với cơ sở bánh mỳ Vương Tiến Thành; đồng thời cơ sở này phải chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị cho người bị ngộ độc thực phẩm; tiêu hủy các sản phẩm gây ra ngộ độc thực phẩm... Được biết, những ngày qua, cơ sở Vương Tiến Thành cũng đã trực tiếp, thăm hỏi, hỗ trợ tiền và quà cho gần 100 bệnh nhân với trị giá khoảng 73 triệu đồng.

Nhằm khắc phục hậu quả sau khi để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Bình yêu cầu Công ty TNHH Vương Tiến Thành tiếp tục thực hiện một số nội dung như: thực hiện xét nghiệm người lành mang trùng đối với nhân viên trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm; xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh đối với sản phẩm bánh mỳ và nhân bánh mỳ. Hoàn tất việc chi trả chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm; khắc phục điều kiện vệ sinh cơ sở của các chi nhánh sản xuất, kinh doanh bánh mỳ thuộc công ty. Sau khi khắc phục các yêu cầu trên, Công ty phải báo cáo để Chi cục tiến hành kiểm tra, nếu đạt yêu cầu mới được phép hoạt động trở lại.

Xuân Thi