Phân khúc nhà cho thuê cao cấp: “Ăn theo” TPP
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá sẽ mang lại nguồn lợi cho nhiều lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, trong đó có ngành bất động sản. Theo giới chuyên gia bất động sản, Hiệp định TPP được ký kết sẽ tạo cơ hội lớn để các nhà đầu tư bất động sản gia tăng phân khúc nhà cho thuê.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), 9 tháng đầu năm 2015, giao dịch trên thị trường bất động sản vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt, tại hai “đầu tàu” của đất nước: TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, nếu như tổng giao dịch thành công trong 9 tháng qua đạt tới 17.900 giao dịch, thì chỉ tính riêng tại hai thị trường này, tháng 9/2015 có tới 3.150 giao dịch thành công.
Và thị trường bất động sản được nhận định là sẽ còn có nhiều điều bất ngờ ở phía trước khi Hiệp định TPP chính thức được ký kết. Thuận lợi nhất sẽ là phân khúc nhà ở cho thuê, đặc biệt là phân khúc cao cấp.
Theo ông Trần Trọng Tín, chủ một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội, Việt Nam đang mở cửa thu hút nguồn vốn FDI đến từ nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt Hiệp định TPP được ký kết đang mở ra chiều hướng mới cho phân khúc nhà ở cho thuê bởi theo lập luận của vị chuyên gia này, TPP ký kết, sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư từ nước ngoài mạnh mẽ hơn. Điều này chắc chắn sẽ đẩy mạnh lượng khách quốc tế đến với Việt Nam. Do đó, nếu tinh ý, các chủ đầu tư sẽ đón làn sóng khách nước ngoài bằng phân khúc nhà ở cho thuê cao cấp.
Trên thực tế, ông Tín cho rằng, mặc dù Luật Kinh doanh bất động sản đã cho phép người nước ngoài, Việt kiều mua nhà ở tại Việt Nam, tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc về thủ tục, văn bản hướng dẫn nên lượng người nước ngoài mua nhà chưa nhiều. “Tuy nhiên, phần lớn người nước ngoài là có sở thích, nhu cầu thuê nhà chứ không muốn sở hữu nhà, bởi vậy, phân khúc nhà cho thuê sẽ được ưa chuộng trong thời gian tới, khi TPP được ký kết” – ông Tín đánh giá.
Một số chủ DN trong lĩnh vực bất động sản cũng nhận định: Triển vọng của thị trường cho thuê căn hộ cao cấp trở nên rõ ràng hơn khi nhiều tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Nokia… dịch chuyển hoạt động về Việt Nam. Lúc này, một lượng lớn các chuyên gia và nhân viên của các tập đoàn sẽ có nhu cầu thuê nhà ở.
Một báo cáo mới đây của CBRE cũng nêu lên nhận định cho thấy, thị trường bất động sản có nhiều thuận lợi không thua kém gì một số ngành như may mặc, da giày. Cụ thể, theo CBRE, với việc thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam nhu cầu về văn phòng và nhà ở cũng được dự kiến sẽ tăng lên để đáp ứng các yêu cầu thuê mặt bằng và chỗ ở của các công ty nước ngoài và người nước ngoài.
“Đối với thị trường bất động sản, TPP sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ các nước nhập khẩu chính các sản phẩm Việt Nam như Mỹ và Nhật Bản. Đầu tư của Mỹ ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với Hàn Quốc và Nhật Bản. Các công ty Mỹ sẽ tăng các hoạt động sản xuất tại Việt Nam” – CBRE nhấn mạnh.
Đánh giá về thị trường bất động sản trong thời gian tới khi Việt Nam tham gia TPP, ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược thị trường CTCK Vietcombank cũng nêu quan điểm: “Ngay sau thông tin hiệp định TPP được ký kết, nhóm cổ phiếu bất động sản, về mặt ngắn hạn, sự tăng giá đến từ hiệu ứng ăn theo TPP. Tuy nhiên về lâu dài, việc ký TPP ngoài giúp mở ra thị trường xuất khẩu còn tăng cường vốn đầu tư. Bởi vậy, hai nhóm hưởng lợi rõ rệt từ TPP sẽ là cho thuê văn phòng và nhà ở phân khúc cao cấp”.