Quần thể di tích Yên Tử: Đang bị buông lỏng quản lý?

H.Lê - H.Minh - X.Quảng 27/10/2015 08:08

Việc xây dựng trái phép kéo dài, lặp đi lặp lại của Công ty Tùng Lâm cho thấy ý thức chấp hành pháp luật kém của doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, không thể không đặt câu hỏi về trách nhiệm của BQL di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử. Đặc biệt, không thể không đặt câu hỏi về các cấp quản lý cao hơn ở tỉnh Quảng Ninh cũng như Bộ VHTT&DL.

Quần thể di tích Yên Tử: Đang bị buông lỏng quản lý?

Công trình được đổ móng kiên cố,
chờ ngày dựng Nhà văn hóa tại ga cáp treo 1 Yên Tử.

Tái diễn “tiền trảm hậu tấu”

UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu UBND TP Uông Bí chủ trì phối hợp với Sở VHTT&DL và các đơn vị liên quan xác minh cụ thể những nội dung báo chí phản ánh về việc xâm hại di tích Yên Tử, và xử lý nghiêm những vi phạm. Đồng thời báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 5/11.

Đó là tinh thần của công văn số 6404/UBND- VX1 do Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Kim Phượng ký ngày 23/10.

Trao đổi với báo chí, một ủy viên Hội đồng di sản Quốc gia đã thốt lên: Không hiểu sao tại vùng lõi của khu di tích Quốc gia đặc biệt- Kinh đô Phật giáo của cả nước, mà chưa đầy 2 năm đã có nhiều hạng mục xây dựng mới không phép đến như vậy. Trách nhiệm này thuộc về ai?

Chưa hết những lình xình về dự án trùng tu các hạng mục như: Mắt rồng, tháp Tổ, am Dược... tại khu danh thắng Yên Tử, giờ đây dư luận lại bức xúc về việc Công ty Tùng Lâm tự ý tháo dỡ điểm thờ tự tại chân ga cáp treo để xây mới nhà văn hóa của Công ty ngay trong vùng 1 (vùng bảo vệ đặc biệt của di tích).

Phía Công ty Tùng Lâm đưa ra một lý do rất “hồn nhiên”, để vào ngày đầu tháng, ngày rằm có chỗ làm lễ vái Tam tổ Trúc Lâm. Trước diện tích chỉ đủ cho khoảng mấy chục người, công ty lại có hơn trăm người, mỗi một lần làm lễ vẫn phải ngồi hết ra ngoài… Ông Lê Trọng Thanh - Phó Giám đốc Công ty Tùng Lâm lý giải, họ chỉ biết xây dựng thôi. Vừa làm vừa xin phép. Sắp đến lễ hội rồi, làm cho nó kịp.

Cũng bởi chỉ vì làm cho nó kịp (?!), mà Công ty Tùng Lâm đã phớt lờ các quy định của pháp luật, không cần sự đồng ý của lãnh đạo Bộ VHTT&DL, của UBND tỉnh Quảng Ninh. Dù trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí đã có Công văn số 2082/UBND-QLĐT yêu cầu Công ty Tùng Lâm báo cáo xin phép UBND tỉnh Quảng Ninh theo quy định hiện hành và phải nghiêm túc thực hiện.

Điều đáng nói là, ngày 12/9, Công ty Tùng Lâm phá dỡ điểm thờ tự cũ tại chân ga cáp treo, nhưng đến ngày 5/10 Công ty mới có Văn bản số 212/CV-TL xin phép UBND TP Uông Bí sửa chữa Nhà Văn hóa Công ty. Nghĩa là, xây dựng công trình trước gần cả tháng rồi mới làm thủ tục.

Được biết, BQL Rừng và Danh thắng Yên Tử cùng chính quyền phường Thượng Yên Công, UBND TP Uông Bí và các phòng, ban chức năng như Phòng Văn hóa, Tài nguyên-Môi trường, Quản lý đô thị, Thanh tra xây dựng… là những đơn vị quản lý nhà nước trên địa bàn. Hàng tuần, hàng quý, đều tổ chức các cuộc họp giao ban giữa Công ty Tùng Lâm và chính quyền địa phương, vậy mà một công trình đồ sộ được xây dựng không phép ngay tại vùng lõi của Danh thắng Yên Tử lại không được ai nhắc đến.

Thậm chí, trong văn bản xin giấy phép, Công ty chỉ đề xuất được sửa chữa nhà chờ ga cáp treo 1. Nhưng tới khi triển khai, họ đập tan tành để xây dựng một công trình mới hoành tráng, hiện đại, mang dáng dấp hoàn toàn xa lạ với công trình cũ. Thế mà, BQL cũng như chính quyền các cấp không hề nhắc nhở hoặc có động thái gì để công trình được xây dựng một cách ồ ạt, gấp rút.

Sở dĩ nói rằng họ vẫn quen nếp “tiền trảm hậu tấu”, bởi theo Sở VHTT&DL Quảng Ninh, cách đây hơn 6 năm, Công ty Tùng Lâm cũng đã tiến hành xây dựng tới 9 điểm thi công ở khu danh thắng Yên Tử mà không hề được cấp phép. Suối Giải Oan cũng bị dựng cầu, kè đá không phép. Khi truyền thông vào cuộc, cơ quan chức năng cho biết còn chưa nhận được bản quy hoạch, thiết kế nào do Công ty Tùng Lâm báo cáo.

Đơn vị này giải thích việc dựng ki ốt, cầu, kè đá để khu vực này đỡ lụp xụp hơn, phục vụ khách tham quan thuận lợi hơn. Trong khi Công ty cho biết đã xin phép địa phương thì Chủ tịch UBND thị xã Uông Bí khi đó khẳng định, chỉ cho phép công ty dựng tay vịn tại các khúc cua nguy hiểm. UBND cũng đã có yêu cầu hoàn trả nguyên trạng nhưng hiện cầu đá vào suối Giải Oan vẫn còn.

Quần thể di tích Yên Tử: Đang bị buông lỏng quản lý? - 1

Tại sao doanh nghiệp vi phạm triền miên?

Việc xây dựng trái phép kéo dài, lặp đi lặp lại của Công ty Tùng Lâm cho thấy ý thức chấp hành pháp luật kém của doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, không thể không đặt câu hỏi về trách nhiệm của BQL di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử. Đặc biệt, không thể không đặt câu hỏi về các cấp quản lý cao hơn ở tỉnh Quảng Ninh cũng như Bộ VHTT&DL. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao một công trình xây dựng sai phép ngay trong lòng di tích Quốc gia đặc biệt, dù đã có quyết định phá bỏ nhưng vẫn tồn tại đến bây giờ.

Theo tinh thần công văn nói trên, hiện công trình nhà văn hóa cho nhân viên của Công ty Tùng Lâm đã tạm dừng thi công để chờ các đơn vị liên ngành vào cuộc xác định vi phạm. Nhưng tìm hiểu được biết, vẫn có ý kiến đồng ý với việc để cho Công ty hoàn tất thủ tục để thi công tiếp, chứ để như hiện nay thì chỗ đó (sân ga cáp treo) trông nó có ra cái gì đâu (chỉ xây cái nhà văn hóa thôi mà)!? Câu hỏi đặt ra là liệu Công ty Tùng Lâm có được sự ưu ái hết mức có thể hay không?

Về vấn đề này, Cục Di sản (Bộ VHTT&DL) cho biết, sẽ kiểm tra và trả lời báo chí trong thời gian sớm.

Quá nhiều vụ việc trùng tu, xây mới trong khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử lâu nay đã chứng tỏ sự lơ là buông lỏng quản lý của nhà chức trách. Trong khi như thông tin Báo Đại Đoàn Kết đã đưa, từ cuối năm 2014, website của Trung tâm di sản thế giới UNESCO đã đăng tải hồ sơ Yên Tử vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới.

Hiện địa phương này cũng đang tham vấn ý kiến của các chuyên gia của tổ chức ICOMOS - cơ quan tư vấn về di sản văn hoá của UNESCO trong quá trình làm hồ sơ. Theo đó trong quá trình đề cử di sản văn hoá tới Uỷ ban Di sản thế giới, bộ hồ sơ danh thắng Yên Tử sẽ phải tập trung vào 2 nội dung cơ bản: Các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản và những hoạt động để đảm bảo sự toàn vẹn của di sản.

H.Lê - H.Minh - X.Quảng