Đối phó khủng hoảng di cư: EU, Balkan bắt tay hành động

26/10/2015 23:06

Liên minh châu Âu (EU) và lãnh đạo các nước Balkan hôm 26/10 đã thông qua một kế hoạch 17 điểm nhằm giải quyết làn sóng người di cư và tị nạn đang đổ về các nước thành viên của họ thông qua bán đảo Balkan; Ủy ban châu Âu cho biết sau cuộc họp tổ chức tại Brussels.

Đối phó khủng hoảng di cư: EU, Balkan bắt tay hành động

Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels đã đưa ra hàng loạt biện pháp
đối phó với khủng hoảng di cư. (Nguồn: Reuters).

Hàng loạt biện pháp mới

Các lãnh đạo đại diện cho Albania, Áo, Bulgaria, Croatia, Macedonia, Đức, Hy Lạp, Hungary, Romania, Serbia và Slovenia đã có cuộc họp tại Brussels, Bỉ đã nhất trí thông qua một bản kế hoạch hành động chung được Ủy ban châu Âu đưa ra hôm đầu tuần.

Các điều khoản trong kế hoạch hành động chung gồm có cam kết của Hy Lạp trong việc tăng hạn ngạch tiếp nhận người di cư lến 30.000 người vào cuối năm nay, và hỗ trợ cơ quan tị nạn của LHQ (UNHCR) trong việc cung cấp tiền và chương trình trợ cấp cho các gia đình tị nạn. Theo kế hoạch này, UNHCR sẽ giúp tiếp nhận 50.000 người tìm kiếm tị nạn đang đi trên các tuyến đường ở khu vực Tây Balkan.

“Chúng tôi sẽ tăng khả năng tiếp nhận lên tới 100.000 người tại một số điểm ở Hy Lạp, và ở khu vực phía Tây Balkan” – Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cho hay.

Lãnh đạo các nước cũng thỏa thuận triển khai thêm 400 sỹ quan cảnh sát ở Slovenia trong tuần này và ngăn chặn di chuyển của dòng người di cư đến khu vực biên giới của các nước khác. Hiện có tới trên 60.000 người di cư và tị nạn đang hướng tới Đức và Áo ở Slovenia tính trong khoảng cuối tuần trước. Sau đó dòng người này đã thay đổi tuyến đường đi sau khi Hungary đóng cửa biên giới.

Kế hoạch được EC thông qua cũng đưa ra các biện pháp quản lý biên giới, như mở rộng Chiến dịch Poseidon Sea ở Hy Lạp và tăng cường sự hiện diện của cơ quan giám sát biên giới của EU (Frontex) trên biển Aegea. Kế hoạch cũng kêu gọi tăng cường sự hỗ trợ của Frontex đối với Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như quản lý khu vực biên giới giữa Macedonia và Albania với Hy Lạp.

Các nhà lãnh đạo còn thống nhất thiết lập các điểm liên lạc nhằm trao đổi thông tin về hướng di chuyển của dòng người di cư và để hỗ trợ người di cư. Kế hoạch cũng kêu gọi tăng cường hợp tác giữa lực lượng cảnh sát các nước trong cuộc chiến chống nạn buôn người, với sự tham gia của Interpol và Europol.

“Châu Âu cần phải thể hiện mình là một châu lục có giá trị, một châu lục thống nhất… Đây mới chỉ là bước khởi đầu, chúng ta cần phải có thêm nhiều bước tiến khác” – Thủ tướng Angela Merkel nói về thỏa thuận mới đạt được.

“Trò chơi đổ tội” chưa kết thúc

Trước đó, các chính trị gia tham gia vào các vòng thảo luận vẫn tìm cách đổ lỗi cho nhau, đùn đẩy trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II cho các nước khác.

Thủ tướng Crotaia Zoran Milanovic đã cáo buộc Hy Lạp đã thất bại trong việc quản lý vùng hải giới với Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras lại đổ lỗi cho EU vì sự không đồng lòng giữa các nước thành viên trong khối.

“Cho đến giờ, vẫn khó có thể tìm được một giải pháp, lý do là hàng loạt quốc gia đều đưa ra kiểu quan điểm: “Không phải việc của tôi”” – ông Tsipras nói, ám chỉ việc nhiều nước thành viên EU từng từ chối tiếp nhận cơ chế phân chia hạn ngạch tiếp nhận người di cư, thay vào đó tự bảo vệ riêng các vùng lãnh thổ của mình.

Đáp lại, Thủ tướng Hungary Victor Orban nói rằng ông chỉ là một “nhà quan sát” tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, bởi đất nước ông “không còn nằm trên tuyến đường người di cư di chuyển” nữa và cáo buộc các nước EU khác, đặc biệt là “các nước thành viên của Hiệp ước Schengen” vì đã không tuân thủ đầy đủ quy định của Hiệp ước này.

Trong khi đó, Serbia, Romania và Bulgaria đưa ra cảnh báo rằng họ sẽ không để EU bị biến thành một “vùng đệm” và sẽ đóng cửa biên giới nước họ nếu như các nước thành viên EU ngừng tiếp nhận người di cư.

Khánh Duy